CSVN – Bước vào mùa khô hanh, cùng với nhiệm vụ SXKD, các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu chú trọng công tác phòng chống cháy (PCC) vườn cây. Nhiều đơn vị đã có cách làm hay, mô hình hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu có cháy xảy ra.
Xây dựng phương án phòng chống cháy
Với đặc thù cao su là cây trồng mới, lần đầu tiên được trồng tại Lai Châu. Do vậy nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Nhất là vào mùa khô, ý thức bà con bản địa chưa cao do phong tục đốt nương làm rẫy, lấy cỏ chăn gia súc, đốt ong lấy mật. Trước thực trạng đó, các công ty trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác PCC bằng việc đầu tư xây dựng nhiều công trình hạng mục, nhân công phục vụ. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho vườn cây, các công ty xây dựng phương án PCC trong từng đơn vị, nông trường, tổ; phương án xử lý các tình huống cháy xảy ra.
Ông Nguyễn Xuân Phú – TGĐ Công ty CPCS Lai Châu II cho biết: “Bước vào mùa khô hanh, công ty chủ động triển khai kế hoạch PCC đồng thời chỉ đạo các nông trường, tổ, đội thực hiện nghiêm kế hoạch, phối hợp địa phương. Công ty đã thành lập ban chỉ đạo và các tiểu ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy; xây dựng quy chế quản lý và xử lý vi phạm trong công tác bảo vệ vườn cây”.
Còn ông Nguyễn Hồng Thắng – TGĐ Công ty CPCS Lai Châu khẳng định: “Làm tốt điều này, công ty có biện pháp, huy động kịp thời lực lượng chữa cháy của chính quyền địa phương, công an, bộ đội ngăn chặn kịp thời các vụ cháy do bà con đốt nương cháy lan sang”.
Tổ chức ký cam kết với dân
Ông Lưu Văn Phương – Giám đốc NTCS Phong Thổ chia sẻ: “Để PCC, đơn vị xây dựng phương án, huy động cán bộ, công nhân, người dân cùng tham gia. Trong đó lấy phòng ngừa là chính, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra dập lửa kịp thời, hiệu quả. Đơn vị chú trọng phát dọn thực bì, phân công lực lượng trực 24/24 giờ vào thời điểm nắng nóng”.
Thực hiện tốt công tác PCC, các công ty phối hợp các cấp, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân vùng có cây cao su. Qua đó người dân nắm được kiến thức cơ bản về công tác PCC để chủ động phòng ngừa, ứng xử nhanh khi có sự cố cháy xảy ra.
Đồng thời, tổ chức ký cam kết thực hiện với các hộ dân có nương liền kề với vườn cao su, hướng dẫn khi đốt nương phải báo cho đơn vị cao su biết để cử người phối hợp kiểm soát. Phương pháp đốt, phải chia đám nhỏ hợp lý, lúc không có gió, từ trên xuống dưới… Ngoài ra, các công ty còn ký kết quy chế phối hợp lực lượng chức năng chính quyền địa phương, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vườn cây, đào tạo tập huấn kiến thức PCC cho lực lượng bảo vệ đơn vị.
Đặc biệt, các đơn vị xác định cụ thể các lô, đồi dễ xảy ra cháy và thời gian nắng nóng cao điểm nhằm tăng cường tuần tra canh gác, sớm kịp thời phát hiện, tổ chức dập tắt đám cháy khi mới phát sinh. Cùng với đó, vận động nhân dân vùng trồng cao su trồng xen canh các loại cây ngắn ngày để hạn chế sự phát triển của thực bì và cháy lan sang vườn cây.
Tổ chức giao khoán vườn cây cho công nhân và gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập và gắn trách nhiệm của NLĐ với vườn cây cao su. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp PCC, các công ty cao su không để xảy ra các vụ cháy làm thiệt hại đến vườn cây, tài sản.
TÙNG PHƯƠNG
Related posts:
- Cao su Sa Thầy chú trọng chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường
- Thu nhập bình quân người lao động Cao su Tân Biên đạt 8,2 triệu/người/tháng
- Cao su Chư Prông tổ chức diễn tập trong khu vực phòng thủ
- Cao su Tân Biên: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ sống còn của một đơn vị biên giới và ...
- Cao su Bình Long: 34 học viên hoàn thành lớp nâng cao năng lực quản trị
- Cao su Bắc Trung bộ vượt lên bão lũ, ổn định sản xuất kinh doanh
- Cao su Hòa Bình phấn đấu tiếp tục vượt mức kế hoạch sản lượng
- Các đơn vị miền núi phía Bắc thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch
- Nỗ lực vượt khó
- Cao su Tân Biên khen thưởng công nhân về trước kế hoạch sản lượng hơn 4 tháng