CSVN – Sau kết luận của ông Lê Minh Châu – nguyên Phó TGĐ VRG tại Hội nghị nông nghiệp lần thứ III, Công ty TNHH MTV CS Lộc Ninh tiến hành trồng thử nghiệm xen canh keo lai trên vườn cây cao su, với mục đích ban đầu là thử nghiệm trồng cây lâm nghiệp để phòng hộ, phòng chống gió bão, hạn chế gãy đổ cho cao su. Qua thời gian thử nghiệm trên diện tích nhỏ, đến nay kết quả thu được từ việc trồng xen canh keo lai rất khả quan.
Cây cao su trên vườn xen canh keo lai vẫn phát triển bình thường
Với mục đích trồng thử nghiệm các loại cây lâm nghiệp để chọn lựa loại cây phù hợp có độ dẻo dai, chống chịu gió bão tốt hơn, tháng 8/2012, công ty bắt đầu trồng xen canh keo lai trên 23,76 ha cao su tại Lô 176 Nông trường 7, mật độ 500 – 512 cây/ha. Mô hình trồng hàng kép, 2 hàng cao su, 2 hàng keo lai. Keo lai là cây ưa sáng, sinh trưởng, phát triển mạnh trên những nơi đất tốt, có lượng mưa 1.500mm/năm, độ cao dưới 500m. Cây thích hợp với tầng đất dày, tuy nhiên trên các loại đất nghèo dinh dưỡng cây vẫn có thể phát triển tốt.
Qua theo dõi, tốc độ sinh trưởng của vườn cao su có xen canh keo lai vẫn phát triển ngang bằng như những vườn cao su không xen canh. Đến nay vanh thân của keo lai đạt trung bình 40cm, công ty xây dựng chu kỳ trồng keo lai sau bốn năm là có thể thu hoạch được. Vừa qua, công ty đã thu hoạch thử nghiệm 176 cây keo lai, được 20 ster gỗ.
Bên cạnh cây keo lai, năm 2013 công ty cũng tiến hành trồng thử nghiệm tràm bông vàng và giá tị trên diện tích 11,69 ha tại Nông trường 4. Xét về điều kiện tự nhiên của vùng và đặc tính sinh thái của cây keo lai và tràm bông vàng thì có thể xác định đây là vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để trồng keo lai và tràm bông vàng.
Dự kiến lợi nhuận thu được trên 1 ha keo lai xấp xỉ 15 triệu đồng
Hiện nay do giá mủ cao su đang xuống thấp, để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, đa dạng hóa cây trồng, kết hợp với mục tiêu phòng hộ, giảm chi phí chăm sóc vườn cây cao su, nâng cao hiệu quả SXKD, góp phần ổn định, nâng cao đời sống CBCNV và nhân dân lao động trong vùng, công ty đã xây dựng mô hình trồng xen cây lâm nghiệp trong vườn cây cao su trên diện tích dự kiến 300 ha. Năm nay, công ty sẽ liên kết đầu tư với Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hoa Lư để tiến hành trồng xen hai chu kỳ cây keo lai và một chu kỳ tràm bông vàng trên vườn cây cao su tái canh năm 2015.
[stextbox id=”stb_style_259398″]Trồng keo lai và tràm bông vàng với mật độ 1.000 cây/ha, trồng trên luồng 15m giữa 2 hàng kép cao su, trồng 2 hàng với khoảng cách hàng 3m, khoảng cách cây 1m, hàng cây lâm nghiệp ngoài cùng cách cây cao su tối thiểu là 5,5m. Mật độ trồng cao su là 500 cây/ha, trồng hàng kép với hàng cách hàng 5m, cây cách cây 2m.[/stextbox]Chị Nguyễn Thị Hải Yến – Phó phòng kỹ thuật công ty cho biết: “So với các loại cây lâm nghiệp khác, keo lai và tràm bông vàng là cây họ đậu, bộ rễ phát triển mạnh với hệ thống nốt sần có khả năng cố định đạm trong đất nên hạn chế được việc cây trồng xen cạnh tranh dinh dưỡng với cây cao su. Keo lai sinh trưởng phát triển nhanh, chu kỳ khai thác ngắn, sau 3 – 4 năm có thể khai thác và trồng lại, trong một chu kỳ cao su KTCB, tranh thủ thời gian cây cao su chưa khép tán, có thể trồng 1 – 2 chu kỳ keo lai, do đó nhanh thu hồi vốn hơn so với các loại cây lâm nghiệp khác”.
Theo dự toán công ty đưa ra, chi phí đầu tư cho 1 ha keo lai trồng xen với cao su là 15.755 ngàn đồng. Trữ lượng gỗ sau bốn năm trồng là 107,4 ster, doanh thu xấp xỉ 42 triệu đồng/ha (Căn cứ theo tài liệu của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, năng suất rừng trồng keo lai đạt 20 – 25m3/ha/năm). Như vậy, lợi nhuận dự án mang lại sau khi trừ chi phí trồng, chăm sóc, cưa cắt và vận chuyển, lợi nhuận thu được trên 1 ha keo lai xấp xỉ 15 triệu đồng.
Ngoài lợi nhuận thu về, công ty còn tiết giảm được suất đầu tư trong thời gian cao su KTCB, bên nhận khoán đầu tư toàn bộ chi phí trồng và chăm sóc vườn cây lâm nghiệp từ khi trồng mới đến hết thời kỳ kinh doanh, đồng thời có trách nhiệm chăm sóc một số hạng mục trên vườn cây cao su. Ngoài ra cây keo lai sinh trưởng phát triển nhanh nên có tác dụng phòng hộ, hạn chế gãy đổ cho vườn cây cao su, có tác dụng cải tạo đất.
Minh Nhiên
Related posts:
- Trồng xen lợi ích về kỹ thuật, tăng thu nhập, lợi nhuận
- Các đơn vị Tây Nguyên: Khó cơ giới hóa đại trà do địa hình đồi dốc
- Ban hành Quy trình kỹ thuật vườn cao su xen canh
- Bệnh rụng lá Fusicoccum bùng phát tại Indonesia
- Phát triển cao su bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu
- VRG đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp
- Vườn cây ảnh hưởng nắng hạn, khó hoàn thành kế hoạch
- Cao su Krông Buk-Ratanakiri mở học cạo đầu tiên cho 24 công nhân Campuchia
- Những điểm mới trong Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020: Thu hoạch gỗ cao su
- Philippine tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh rụng lá Pestalotiopsis gây hại cao su