CSVNO – Công ty Tư vấn đầu tư và công nghệ IVT đã khảo sát Công ty Mẹ – Tập đoàn, các ban chuyên môn Tập đoàn và các đơn vị thành viên trực thuộc VRG. Khảo sát thu thập thông tin, số liệu thực trạng và nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác chuyển đổi số (CĐS), làm cơ sở để phân tích, lựa chọn giải pháp chuyển đổi số tại Tập đoàn.
Kết quả, về xây dựng hạ tầng số, VRG có phòng máy chủ riêng tư phục vụ các ứng dụng dùng chung (Hệ thống eOffice, Hệ thống chữ ký số SmartCA, USB Token…). Hệ thống các máy trạm của lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ đầu tư khá lâu hết khấu hao. Hệ thống các thiết bị mạng đã đầu tư từ lâu hết khấu hao do đó cần nâng cấp, thay thế toàn bộ. Máy chủ phục vụ cho Tập đoàn và Công ty mẹ hiện hãng đã ngừng hỗ trợ kỹ thuật nên nguy cơ mất an toàn thông tin rất cao.
Về số hóa quy trình nghiệp vụ hiện nay của VRG mới dừng lại ở mức “bán tự động”. Chủ yếu là khai thác các công cụ có sẵn như Word, Excel… để phục vụ công tác báo cáo nghiệp vụ. Các đơn vị thành viên gửi số liệu dưới dạng Word/Excel, cán bộ các Ban nghiệp vụ sẽ tổng hợp theo các mẫu quy định để báo cáo lãnh đạo. Phương thức gửi/nhận chủ yếu qua Email và qua eOffice, một số qua Google Form. Các cơ sơ dữ liệu (CSDL) về nghiệp vụ được lưu dưới dạng Word/Excel tại các máy tính cá nhân gây khó khăn cho công tác chia sẻ, phân tích dữ liệu, nguy cơ mất mát dữ liệu rất lớn nếu xảy ra hư hỏng hoặc cán bộ chuyển công tác.
Mục tiêu CĐS là xây dựng CSDL chuyên ngành cao su tập trung để áp dụng các công cụ thông minh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Nhiệm vụ cấp thiết của Tập đoàn là xây dựng CSDL chuyên ngành cao su tập trung, làm cơ sở để số hóa quy trình nghiệp vụ. Với sự phát triển của công nghệ, dữ liệu có thể không chỉ ở mức độ tổng hợp, mà có thể mở rộng và xuống các đơn vị.
Việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu của Tập đoàn và các đơn vị thành viên hiện nay đang ở mức độ thủ công nên hạn chế về thời gian và chất lượng dữ liệu, không có đối soát. Do đó cần phải xây dựng Hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu không chỉ trong nội bộ Công ty mẹ mà phải mở rộng đến các công ty thành viên. Đây là nhu cầu cấp thiết để xây dựng CSDL tập trung. Môi trường làm việc số sẽ từng bước xây dựng thói quen làm việc trên thông tin và số liệu. Hiện nay việc trao đổi thông tin trong nội bộ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên mới chỉ dừng ở tin nhắn, Zalo, Email, eOffice… gây khó khăn trong việc cập nhật, đồng bộ thông tin và không bảo mật. Xu thế hiện nay là tạo ra một môi trường làm việc thống nhất để tích hợp và thuận tiện trao đổi trên cả máy tính và thiết bị di động.
Dữ liệu cán bộ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên chưa kết nối với Đề án 06 để xác định mã định danh. Do đó, trong tương lai cần phải xây dựng các ứng dụng, phương thức kết nối nối tích hợp dữ liệu với Đề án 06 để cập nhật thông tin và xác thực dữ liệu.
Quyết định số 787/QĐ-BCĐCĐS của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã xác định “Đảm bảo 100% hệ thống thông tin có yêu cầu kết nối liên thông dữ liệu ngoài phạm vi doanh nghiệp và/hoặc hệ thống có thực hiện giao dịch ra ngoài Internet cần được đảm bảo tối thiểu ATTT thông tin cấp độ 3 theo Nghị định 85/2016/NĐ-CP và Thông tư 12/2022/TT- BTTTT”. Do đó, Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT của đơn vị mình đảm bảo yêu cầu.
Hiện nay, các Ban nghiệp vụ đã có cán bộ sử dụng thành thạo CNTT, nhiều người có trình độ đào tạo CNTT. Phòng CNTT VRG chưa được chuyên trách, còn nhiều việc kiêm nhiệm. Với xu thế CĐS hiện nay thì nhiệm vụ của phòng CNTT sẽ không chỉ giới hạn tại Tập đoàn và Công ty mẹ mà sẽ phải nối dài đến các đơn vị thành viên do vậy số lượng có thể không tăng nhưng phải chuyên trách và nâng cao kỹ năng.
Theo IVT, mục tiêu tổng quát CĐS tại VRG nhằm chuyển đổi các hoạt động quản lý điều hành, SXKD qua môi trường số, áp dụng nền tảng số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, quy trình hoạt động SXKD, quy trình báo cáo, phân tích và từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh trên nền tảng số, tạo thêm giá trị mới cho VRG. Do đó, mục tiêu của VRG cụ thể đến 2025: Định danh chữ ký số và xác thực. Giao dịch hợp đồng được thực hiện trên môi trường số, các hợp đồng điện tử được định danh và ký số. Quản lý, tuyển dụng, đào tạo, thi đua khen thưởng… của Tập đoàn phải thực hiện trên môi trường số. Hồ sơ, tài liệu của các đơn vị trong Tập đoàn, được số hóa và quản lý tập trung trên môi trường số (trừ hồ sơ, tài liệu mật, hồ sơ không được số hóa theo quy định của pháp luật). Triển khai và hoàn thiện hệ sinh thái văn phòng số đảm bảo CB.CNV trong Tập đoàn được làm việc trên môi trường số. Ứng dụng hình thức định danh và xác thực qua các kênh giao tiếp trên môi trường số với khách hàng. Ứng dụng nền tảng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT) trong quản lý sản xuất các nhà máy phù hợp với đặc thù chuyên ngành; vận hành, khai thác và hoạt động sản xuất. Áp dụng được các ứng dụng giúp thông minh hóa hoạt động sản xuất, vận hành chuỗi cung ứng (nhà máy thông minh, logistic thông minh, nông nghiệp thông minh, năng lượng thông minh); gia tăng trải nghiệm cho khách hàng cuối (nhận diện khách hàng VIP, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng). Có Trung tâm dữ liệu (theo hình thức tự đầu tư hoặc thuê dịch vụ co-location của đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín trong nước) đảm bảo tiêu chuẩn Uptime Tier III trở lên. Đảm bảo hệ thống thông tin có yêu cầu kết nối liên thông dữ liệu trong và ngoài phạm vi Tập đoàn và hệ thống có thực hiện giao dịch ra ngoài Internet cần được đảm bảo tối thiểu ATTT cấp độ 3 theo Nghị định 85/2016/NĐ-CP và Thông tư 12/2022/ TT-BTTTT.
Tầm nhìn đến năm 2030: Hoàn thiện và mở rộng các công cụ, ứng dụng phục vụ Tập đoàn, hoạch định, thực hiện, kiểm soát và ra quyết định. Hướng tới là một hệ thống ứng dụng tập trung đa phân hệ gồm kế toán, phân tích tài chính, quản lý mua hàng, quản lý tồn kho, hoạch định sản xuất, quan hệ với khách hàng… được tích hợp trong một kiến trúc tổng thể. Tiếp tục ứng dụng công nghệ mới (AI, Machine Learning, AR/VR, IoT…) vào các hệ thống thông tin của doanh nghiệp. Ứng dụng tự động hóa trong quy trình sản xuất thông minh, vận hành nhà máy thông minh, xử lý đơn hàng, tự động làm báo cáo, công việc hiện trường. Nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các ứng dụng/ dịch vụ giúp thông minh hóa hoạt động sản xuất, vận hành chuỗi cung ứng và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng cuối. Tất cả các ứng dụng trong toàn Tập đoàn được triển khai trên hạ tầng điện toán đám mây. Có trung tâm dữ liệu dự phòng đảm bảo tiêu chuẩn Uptime Tier III trở lên.
Thời gian tới, VRG cần tổ chức hướng dẫn xây dựng và triển khai kế hoạch CĐS cho các đơn vị thành viên. Xây dựng quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình CĐS. Hướng dẫn xây dựng mô hình CĐS thống nhất trên phạm vi toàn Tập đoàn. Hướng dẫn xây dựng bộ chỉ số CĐS và thực hiện giám sát và đánh giá định kỳ. Nhận thức đúng và hành động quyết liệt về xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong quá trình CĐS. Đảm bảo chất lượng dữ liệu báo cáo. Xây dựng mô hình điểm về CĐS cho các lĩnh vực SXKD chính. Các ban chuyên ngành tham gia tích cực vào quá trình số hóa quy trình nghiệp vụ của các đơn vị thành viên. Chuyên trách hóa bộ phận CNTT của Tập đoàn…
THIÊN HƯƠNG (ghi)
Related posts:
- Dầu Tiếng: Nông trường thứ 2 về trước kế hoạch
- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ VRG đối với phong trào công nhân và hoạt động công...
- VRG đặt mục tiêu tăng trưởng từ 3% trở lên trong năm 2024
- Sớm đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nư...
- Miền núi phía Bắc tiếp tục hỗ trợ các đơn vị thành viên VRG phát triển
- Đảng bộ VRG thực hiện tốt đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
- Hội nghị Người lao động VRG – công ty cổ phần: Dự kiến vào Quý II/2019
- Ước mong năm mới giá mủ cao su khởi sắc để người lao động có thu nhập tốt hơn
- Lai Uyên giải nhất hội thi "Bàn tay vàng" Cao su Phước Hòa
- Tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương sẽ hỗ trợ các đơn vị thành viên VRG phát triển