Sri Lanka: Cần giải pháp để tăng sản lượng cao su

CSVNO – Trong bài viết trên trang sundayobserver.lk, Giáo sư Asoka Nugawela cho rằng Chính phủ Sri Lanka cần có những định hướng và giải pháp để khắc phục những tồn tại trong ngành cao su nước này để thu được sản lượng tốt hơn.

Năng suất vườn cây cao su tại Sri Lanka hiện từ 800 đến 900 kg/ha/năm

Sri Lanka đã thu được 930 triệu đô la Mỹ từ việc xuất khẩu cao su thô và các sản phẩm từ cao su vào năm 2023. Trong số đó, khoảng 900 triệu đô la Mỹ đến từ việc xuất khẩu các sản phẩm từ cao su. Cùng năm đó, Sri Lanka chỉ sản xuất được 64 triệu kg cao su thiên nhiên, buộc các ngành công nghiệp phải nhập khẩu hơn 30 triệu kg. Dòng ngoại tệ chảy ra khỏi nước này để nhập khẩu lượng cao su thô thiếu hụt là khoảng 50 triệu đô la Mỹ. Nhưng nước này có tiềm năng tiết kiệm được khoản lỗ ngoại hối này bằng cách tự cung tự cấp cao su thiên nhiên.

Việc có sẵn nguồn cung cao su thiên nhiên trong nước sẽ thu hút nhiều đầu tư hơn vào ngành sản xuất sản phẩm cao su Sri Lanka, qua đó tăng thêm thu nhập ngoại tệ và cơ hội việc làm cho nước này.

Toàn cầu: Nguồn cung đang thiếu hụt

Hiện tại nhu cầu và nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu hiện tại là 15,2 và 14,5 triệu tấn.

Nhu cầu dự kiến ​​sẽ tăng 2,5% mỗi năm. Tuy nhiên, sản lượng dự kiến ​​chỉ tăng ở mức 1,5%. Tổng giám đốc Nhóm nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) đã xác định giá cao su biến động, các quy định mới như EUDR (Quy định về phá rừng của Liên minh châu Âu), Bệnh đốm lá tròn (CLSD) và việc đa dạng hóa đất cao su để thay thế các loại cây trồng khác sẽ tác động tiêu cực đến sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu.

Trong khi đó, Tổng thư ký Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho biết, CLSD đã lan rộng ra nhiều nước sản xuất cao su, gây giảm năng suất đáng kể, lên tới 30 – 40% ở những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài ra, EUDR sẽ có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2025 để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc và tính bền vững của hoạt động trồng cao su. Quy định này có hiệu lực, tính hợp pháp của quyền sở hữu hoạt động trồng trọt và khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng.

Các yếu tố nêu trên có thể làm tăng khoảng cách giữa cung và cầu cao su thiên nhiên toàn cầu và dấu hiệu cho thấy giá cao su thiên nhiên toàn cầu sẽ vẫn ở mức cao trong tương lai, gia tăng triển vọng của ngành cao su toàn cầu.

Năng suất, sản lượng ở Sri Lanka đã giảm đáng kể

Mức năng suất cao su bình quân quốc gia nhìn chung thấp hơn tiềm năng ở tất cả các nước trồng cao su. Ở Sri Lanka, năng suất dao động quanh mức 800 đến 900 kg/ha/năm trong khi ở các nước như Ấn Độ, Thái Lan và Bờ Biển Ngà là khoảng 1.300 đến 1.400 kg/ha/năm. Lý do chính khiến năng suất tương đối cao ở một số nước là điều kiện đất đai và khí hậu thuận lợi hơn.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây cao su ở Sri Lanka như số cây khai thác thấp hơn so với quy định trên một đơn vị diện tích đất, diện tích cao su khai thác ngày càng thấp do tỷ lệ bệnh khô miệng cao ngày càng tăng, thiếu lao động khai thác, thời tiết mưa nhiều, người khai thác kỹ thuật kém, thiếu đầu tư chăm sóc cho cây cùng nhiều loại bệnh hại.

Mối đe dọa mới từ căn bệnh lá

Vào năm 2019, các đồn điền cao su nước này bị ảnh hưởng bởi một loại bệnh lá mới, cũng như  các quốc gia khác. Căn bệnh mới này do một hoặc nhiều loại nấm gây ra. Bệnh có mức độ nghiêm trọng cao hơn ở các khu vực có lượng mưa lớn. Cho đến nay, vẫn chưa có quốc gia nào phát triển phương pháp hiệu quả để kiểm soát căn bệnh này. Do đó, căn bệnh này vẫn tồn tại cho đến nay ngay cả khi áp dụng các biện pháp canh tác tốt.

Tình hình đáng báo động là ở những vùng ẩm ướt hơn, liên tiếp trong ba đến bốn năm qua, đã xảy ra hai đợt rụng lá thứ cấp/bất thường trong một năm. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sức tăng trưởng của cây cao su. Đây chắc chắn là mối đe dọa đối với hiệu quả của việc trồng cao su ở các vùng đất ẩm truyền thống trong tương lai. Mối đe dọa khác mà những người trồng cao su ở các vùng trồng cao su truyền thống phải đối mặt là lượng mưa hàng năm cao và số ngày mưa tăng lên trong năm. Lượng mưa hàng năm trong bốn đến năm năm qua đã vượt quá 5.000 mm với khoảng 250 đến 275 ngày mưa. Tình trạng này làm tăng tỷ lệ sâu bệnh,  gây ra chi phí quản lý cao và làm giảm chất lượng khai thác cao su.

Quản lý cỏ dại, bón phân và công việc của công nhân cũng bị ảnh hưởng tiêu cực do lượng mưa tăng. Đối với việc thu hoạch cao su, mái chắn mưa hiện phải trang bị bắt buộc. Tuy nhiên, năng suất của máy cạo mủ và đất bị ảnh hưởng do mưa làm giảm sản lượng cao su, gây ra hiệu quả sản xuất thấp.

Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần can thiệp

Chính phủ nên lưu tâm đến hậu quả của bệnh lá mới và những thay đổi về điều kiện khí hậu đối với ngành cao su của đất nước. Chính phủ nên thúc đẩy các cơ quan và Sở ban ngành của Nhà nước đưa ra các giải pháp phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực do những yếu tố trên gây ra trong một khoảng thời gian nhất định. Cần có các chiến lược chính mà chính quyền có thể cân nhắc để ngăn chặn sự suy thoái đang diễn ra của ngành cao su trong nước và khai thác các lợi ích tiềm năng. Đó là phát triển các phương pháp chống lại bệnh lá mới thông qua các phương pháp hóa học hoặc sinh học, lai tạo giống kháng bệnh và thoát khỏi các khu vực dễ bị bệnh bằng cách di chuyển các đồn điền cao su đến các khu vực không truyền thống.

Kiểm soát bệnh bằng hóa chất hoặc tác nhân sinh học cần bao gồm các phương pháp ứng dụng hiệu quả, xem xét đến chiều cao của cây và địa hình đất cao su ở các khu vực bị ảnh hưởng. Thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc trồng cao su ở các khu vực không theo truyền thống sẽ có lợi thế là đất ít bị thoái hóa, địa hình thuận lợi để thực hiện các biện pháp canh tác nông nghiệp và nâng cao năng suất của người lao động, nhiều ngày khai thác hơn, ít bệnh tật và cỏ dại, thoát khỏi bệnh lá mới đe dọa.

Chính phủ và các cấp chính quyền cần nghiêm túc hơn về những mối đe dọa mà ngành cao su đang phải đối mặt. Nếu giải quyết được những mối lo ngại này, kết quả nhận được sẽ là những khoản thu nhập đô la tăng lên  cho đất nước.

QUỐC KHÁNH

(Theo Asoka Nugawela, www.sundayobserver.lk)