Cấp cứu bằng xe bò

Ảnh: Dzũng Nguyễn

Đến ngày hôm nay thì Nông trường IaNhin

– Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh đã lớn mạnh, hiện đại, đầy đủ cơ sở vật chất, đời sống công nhân nâng cao so với những ngày đầu mới thành lập, vào thập niên 1980 rất nhiều.

Nhưng  đôi  lúc  nhìn  lại  thấy  đất  và  người trên nông trường xưa ấy có một niềm tin và sức sống mãnh liệt, vượt biết bao khó khăn trong thời  bao  cấp,  để  dựng  xây  một  nông  trường không  hề  đơn  giản,  thế  mà  họ  đã  làm  được, đó là nhờ sự lãnh đạo tài tình của các cấp, sự chịu thương chịu khó của công nhân, họ đã tin tưởng và gắn bó đến đời con, đời cháu đến nay đã lột xác.

Xin kể lại một câu chuyện ngày xưa ấy, để thấy đời sống của công nhân đổi thay như thế nào.

Chiếc xe bò cứ thủng thẳng bò trong đêm tối dưới ánh sao lờ mờ và dày đặc sương, trên đường  đất  đỏ  gồ  ghề.  Mình  thì  muốn  nhanh nhanh  tới  trạm,  mà  con  bò  thì  cứ  chậm  như bò, sốt cả ruột, bà xã thì sốt rên hừ hừ, nằm trên sàn xe đắp chiếc chăn bông chống lạnh, lạnh ngoài trời và lạnh cả bên trong khi cơn sốt hoành hành.

Đi được đâu nửa chặng đường, bỗng con bò không buồn đi nữa, nó cứ đứng ì ra đó, tôi lấy roi quất vào mông vài phát nó cũng chỉ đi vài bước rồi đứng lại, không biết phải làm thế nào, tôi tháo cả mồ hôi, bèn nghĩ ra cách cột sợi dây thừng vào cặp sừng, rồi lôi đi.

Đến trạm xá thì tất cả đều ngủ lặng yên như tờ, trời tối thui như mực, chỉ lờ mờ bởi ánh sao trời,  tôi  đi  vòng  vòng  tìm  phòng  trực  y  tá,  gõ cửa tìm nhân viên, thì gặp được bác sĩ Nguyễn Xuân Câu, chờ bác thắp chiếc đèn dầu, xong tôi  mừng  quá,  bồng  bà  xã  vào  trạm  cho  bác thăm khám.

Vài phút sau, bác nói sốt cao quá, và chẩn đoán là bị sốt dịch hạch, ông cho thuốc uống và tiêm, chờ trời sáng cho đi bệnh viện tỉnh. Và sáng hôm ấy bà xã tôi được đưa đi bệnh viện tỉnh cách nông trường 30 km, với đầu máy kéo MTZ và lại nằm trên Rơ – Moóc, đường đầy ổ gà sỏi đá, nó nẩy tưng tưng. Và rồi nằm viện đâu 1 tuần sau là về, lại tiếp tục công việc hàng ngày.

Trước đó, bà xã tôi sốt từ chiều khi đi ra lô về, y tá đội có cho vài viên xuyên tâm liên uống nhưng  không  giảm,  đến  giữa  đêm  còn  nặng thêm, đành phải đi cấp cứu, mà ngày ấy không còn  phương  tiện  nào  khác  ngoài  chiếc  xe  bò duy nhất.

Thời ấy, cái thời bao cấp của thập niên 1980 của thế kỷ trước, không nói ra thì các bạn cũng biết nó thiếu thốn tới mức độ nào. Đơn vị sản xuất của tôi có chiếc xe bò để kéo phân, kéo củi đun, hoặc kéo cây cao su non ra lô để trồng… và  cũng  là  phương  tiện  duy  nhất  có  bánh  xe để đi cấp cứu công nhân một khi đau yếu mà không thể đi bộ lên trạm được nữa.

Đội tôi là một trong những đội sản xuất xa nông trường bộ, xa nhất là đội lò gạch nằm tuốt trong rừng sâu, rồi đội 4, đội 6 cũng xa tương tự, nên mỗi lần giao dịch việc gì với nông trường bộ phải đi bộ cả chục cây số mới tới.

Cái  thời  ấy  toàn  đi  bộ,  chiếc  xe  đạp  cũng không có chứ nói gì xe hơi, nông trường có đội cơ khí là hùng hậu và hiện đại nhất, có máy cày MTZ bánh hơi, bánh xích và vài chiếc Zin- khơ Liên xô thời ấy.

Vâng!  Rồi  thời  gian  cũng  nhanh  trôi,  nông trường cứ thay đổi tiến bộ theo từng năm, tuy có chậm nhưng cũng đáp ứng được mọi nhu cầu. Tuy khổ sở về vật chất, nhưng tinh thần thì rất tốt, ai cũng hăng hái lao động sản xuất, trồng mới cao su bạt ngàn, cho nhiều sản phẩm.

Đến bây giờ thì hiện đại lắm rồi, gì cũng có, điện  đường  trường  trạm  không  thiếu  gì,  phải nói dư nữa là khác, nhà nhà ai cũng có xe máy đời mới, có nhà có cả xe hơi riêng bạc tỷ, bệnh viện  trường  học  thì  gần  kề,  không  phải  đi  xa nữa, tất cả cũng nhờ cây cao su và cà phê làm thêm đấy các bạn ạ!

NGUYỄN VĂN DŨNG

(Cựu công nhân NT IaNhin – Gia Lai)