CSVNO – Đây là đề nghị Đoàn công tác của Ban Kinh tế TW do ông Nguyễn Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ NN&PTNT làm trưởng đoàn trong buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về tình hình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh, ngày 19/9.
Đoàn công tác đề nghị tỉnh Gia Lai cùng các công ty cao su cần khẩn trương rà soát và xây dựng kế hoạch sử dụng đất trên những diện tích đất trồng cao su trên địa bàn giai đoạn 2020-2030; trong đó phải đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như tránh sự tranh chấp về nguồn nước đối với những mô hình trồng xen.
Đối với vấn đề về tổ chức sản xuất cần có sự liên kết, đẩy mạnh chế biến sâu và điều quan trọng là phải đảm bảo đời sống cho lao động đồng bào DTTS. Với một số chính sách tín dụng cho tái canh, thuê đất trong giai đoạn cao su kiến thiết cơ bản; đoàn công tác sẽ tổng hợp trình Trung ương, Chính phủ xem xét.
Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích cao su toàn tỉnh Gia Lai là 96.289,2 ha; trong đó diện tích cao su kinh doanh chiếm gần 75% với 74.765 ha. Nếu tính về diện tích cao su cho sản phẩm trên địa bàn tỉnh, đến cuối năm 2018 đã tăng hơn 10.238 ha so với cuối năm 2015; tuy nhiên sản lượng cao su trong giai đoạn này lại tăng chậm với mức tăng 5,02%/năm so với mức tăng 5,4%/năm của giai đoạn 2011-2015, do giá mủ cao su xuống thấp.
Trước tình hình này, các công ty cao su trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh đối với một phần diện tích đất trồng cao su của đơn vị; tuy nhiên đi kèm với đó, nhiều khó khăn, vướng mắc cũng được đặt ra. Đó là vấn đề quy hoạch diện tích cao su của các công ty, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động đồng bào DTTS.
Đối với vấn đề này, đại diện một số sở, ngành của tỉnh đề xuất các công ty cao su cần xác định cụ thể lại những diện tích cao su do đơn vị quản lý; những diện tích cao su liên doanh liên kết theo pháp luật và cả những diện tích trả về cho địa phương quản lý; từ đó làm cơ sở để VRG có những cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cũng như về phía các công ty sẽ có những điều chỉnh về quy hoạch, bố trí cây trồng phù hợp khi thực hiện trồng xen trên những diện tích cao su trồng tái canh; đồng thời sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo đại diện VRG, hiện nay Tập đoàn cũng đang có những kiến nghị với Chính phủ về một số vấn đề như: Hỗ trợ đóng bảo hiểm cho lao động DTTS, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tiền thuê đất đối với những vườn cao su tái canh trong giai đoạn kiến thiết cơ bản…
Trước những khó khăn về giá cả cao su làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh hiện nay, về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh GIa Lai Nguyễn Đức Hoàng đề xuất VRG và Binh đoàn 15 cần sớm có quy hoạch cũng như kế hoạch sử dụng đất cao su trong tình hình mới, nhất là những diện tích cao su không hiệu quả để tạo quỹ đất trống giúp tỉnh thu hút đầu tư; riêng đối với những diện tích cao su tiểu điền, Sở NN&PTNT cần làm việc với các địa phương rà soát lại để có hỗ trợ cho người dân, đồng thời nhân rộng những mô hình trồng xen cao su hiệu quả.
Bên cạnh đó, đối với hơn 12.000 ha cao su không hiệu quả khi thực hiện dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, VRG cần quan tâm, tính toán để có hỗ trợ chuyển đổi; tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất.
HÀ ĐỨC THÀNH
Related posts:
- Cao su Mang Yang: Năm 2015 khai thác đạt 124% kế hoạch
- Hiệp định VPA/FLEGT: Thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU
- VRG tổ chức tốt công tác kiểm tra giám sát hàng năm
- Cao su Kon Tum: Điểm sáng về công tác nông nghiệp ở Tây Nguyên
- Cao su Phước Hòa chia cổ tức 30%
- Cao su Chư Sê ra quân thu hoạch mủ đầu tiên tại Tây Nguyên
- Đoàn kinh tế quốc phòng 78 tặng 1.181 suất quà trong “Mùa giáp hạt”
- Xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ và EU: khó hồi phục trong ngắn hạn
- Chậm, nhưng chắc
- VRG được hỗ trợ hơn 73 tỷ đồng cho lao động người dân tộc thiểu số