CSVNO – So với các đơn vị khu vực Đông Nam bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên thì các đơn vị miền núi phía Bắc gặp rất nhiều khó khăn. Vườn cây đang ở thời kỳ KTCB, thời tiết không thuận lợi, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, lãnh đạo các đơn vị và lãnh đạo các tỉnh có cao su đứng chân đã cố gắng, nỗ lực quan tâm chăm lo đời sống NLĐ. Dịp Tết nguyên đán Bính Thân 2016, các đơn vị cũng bằng mọi biện pháp, cân đối để có quà Tết cho NLĐ.
Từ ngày 17/1 đến 26/1, chúng tôi có dịp tháp tùng đoàn công tác của lãnh đạo VRG chúc Tết các tỉnh có các công ty trực thuộc VRG đứng chân. Trên cung đường di chuyển, đoàn cũng đã đến thăm và chúc Tết CBCNVC – LĐ các công ty.
Những ngày cuối năm, TP. Móng Cái (Quảng Ninh) nhộn nhịp hơn bao giờ hết, các mặt hàng phục vụ dịp Tết được trưng bày đẹp mắt thu hút sự quan tâm của những người ghé thăm. Điều đó càng làm cho mọi người nôn nao, chờ mong đến Tết, mong đợi nhất vẫn là tiền thưởng cuối năm để mua sắm, trang trải cho các nhu cầu khi Tết đang về thật gần.
Những năm qua, các chế độ chính sách đối với NLĐ luôn được Công ty CP Thương mại – Dịch vụ & Du lịch Cao su thực hiện đầy đủ, kịp thời. Ông Ngô Văn Ân – TGĐ Công ty cho biết: “Để CBCNVC – LĐ đón Tết vui vẻ và khích lệ động viên tinh thần của mọi người sau một năm làm việc vất vả. Dù năm 2015, Công ty cũng gặp không ít khó khăn do giá mủ cao su rơi liên tục nhưng Công ty vẫn cố gắng để có thưởng Tết cho anh em 1 tháng lương”
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, dù cây cao su mới định hình trên vùng cao và gắn bó với người dân bản địa được 8 năm nhưng những gì chúng tôi ghi nhận được đó là sự ủng hộ nhiệt tình của các địa phương và sự gắn bó, tin tưởng của NLĐ. Dù khó nhưng NLĐ vẫn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của ngành cao su. Bởi, trước đây người dân bản địa chỉ quen với việc trồng lúa, trồng ngô, nuôi gà… thì nay họ cũng dần dần thích nghi với việc trồng cao su. Nhờ đó, đời sống của NLĐ dần ổn định hơn nhờ thu nhập mỗi tháng.
Ngoài phần quà do VRG, Đoàn thanh niên VRG hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì các Công ty chủ động cân đối, cố gắng có phần quà thưởng Tết cho CBCNVC – LĐ như: Công ty CPCS Hà Giang thưởng Tết bình quân 3 triệu đồng/người, Công ty CPCS Điện Biên, Công ty CPCS Lai Châu 2 thưởng bình quân gần 2 triệu đồng/người… Nhiều người khi được hỏi, với mức thưởng này liệu có đủ trong dịp Tết ?. Đa số các anh chị đều cho rằng: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Dù ít nhưng cũng không làm mất đi không khí ngày Xuân, mà đó là nguồn động viên đối với NLĐ chúng tôi. Tin rằng, sau này khi đưa vườn cây vào khai thác thì mức lương, thưởng Tết sẽ cao hơn”.
Đến thăm Công ty CPCS Lai Châu, một cán bộ Công ty hỏi nhỏ chúng tôi rằng: “Cô phóng viên thấy không khí đón Xuân ở các đơn vị phía Bắc như thế nào” ?. Chúng tôi cười và trả lời: “Rất vui, chân tình và ấm áp anh ạ”. Không tự nhiên mà chúng tôi hồi đáp như vậy. Bởi lẽ, những CBCNV các Công ty phía Bắc đều là những anh em từ Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ tình nguyện ra phía Bắc công tác, nỗ lực nhiệt huyết hết mình, chung tay góp sức vì sự phát triển của VRG bền vững. Có nhiều anh chị lập gia đình nơi quê hương mà họ gọi là thứ hai này. Cứ thế thêm niềm gắn kết và nhiều người chắc chắn rằng: “Dù ngành cao su có khó khăn như thế nào đi nữa thì chúng tôi, những người nhờ có cao su mới được như ngày hôm nay sẽ một lòng gắn bó với ngành, với nghề đã chọn”.
Chúng tôi tin vào lời khẳng định đó và càng tin hơn nữa khi biết được rằng dù ngày Xuân đang cận kề nhưng các anh chị vẫn miệt mài với công việc, chỉ khi hoàn thành nhiệm vụ họ mới yên tâm sắp xếp hành lý về quê đón Tết.
Đến những công ty miền núi phía Bắc mới thấy được sự nỗ lực không mệt mỏi của tập thể CBCNVC – LĐ của đơn vị. Khó về giao thông, khó về thời tiết, khó về mọi mặt nhưng tất cả những điều đó cũng không làm khó được tâm huyết của mọi người. Chính sự bản lĩnh của Ban lãnh đạo Công ty, sự phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của CNVLĐ mà màu xanh cao su đang dần khẳng định vị thế trên vùng cao.
“Khó thì khó đấy nhưng trời không phụ lòng người” – Đó là chia sẻ của lãnh đạo một đơn vị miền núi phía Bắc. Anh nói: “Ngày trước có ai dám tin được nơi vùng đất còn nhiều gian khó này cao su sẽ phát triển được. Nhưng rồi chúng tôi nghĩ rằng trời không phụ lòng người, có cố gắng, dám nghĩ dám làm thì không gì là không thể. Bằng chứng là sau 8 năm triển khai, người dân bản địa rất tin tưởng và gắn bó với cây cao su. Dù cho lương thời kỳ KTCB không cao, dù mức thưởng Tết “khiêm tốn” hơn những khu vực khác nhưng không vì thế mà làm giảm sụt được niềm tin nơi chúng tôi”.
Bài, ảnh: Minh Nhiên
Related posts:
- Màu xanh cao su tô thắm tình hữu nghị keo sơn
- Thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia
- Cao su Phước Hòa chia cổ tức 59,5%
- Khúc tráng ca cao su Tây Bắc: [Bài 3] Tiếng reo vui ở Mường Trời
- Các đơn vị tại Lào phải chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2022
- Các doanh nghiệp gỗ khu vực Tây Nguyên nỗ lực “xoay sở” trong khó khăn
- Khối thi đua số 2 tổ chức học tập mô hình kinh tế hiệu quả tại Cao su Sa Thầy
- Cao su Chư Sê Kampong Thom phấn đấu vượt sản lượng từ 10% trở lên
- Cao su Chư Prông tiêu thụ trên 111,6% kế hoạch
- Cao su Hòa Bình về trước kế hoạch 25 ngày