CSVN – Với mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào các hoạt động của CĐ ngành, CĐ Cao su VN đã triển khai thí điểm thành công việc họp trực tuyến nhằm tăng tính hiệu quả đồng thời tiết kiệm, giảm chi phí.
Họp trực tuyến: Bước đầu phát huy hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Khánh – UV BTV, Chánh văn phòng CĐ Cao su VN, cho biết: “Vừa qua, CĐ ngành đã triển khai thí điểm thành công họp trực tuyến “Hội thảo về việc xác định ngày thành lập CĐ Cao su VN và Hội thảo đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình trong CNVC LĐ tại 4 điểm cầu: TP.HCM (Cơ quan CĐ), Đồng Nai, Dầu Tiếng, Bình Long. Về chất lượng nội dung, hình ảnh âm thanh lẫn hiệu quả của việc họp trực tuyến được các đơn vị cơ sở đánh giá rất cao”.
Ông Khánh cho biết, kinh phí đầu tư ban đầu khoảng từ 50-90 triệu cho một hệ thống CNTT trực tuyến, gồm màn hình tivi, micro, camera, loa, âm ly… Kinh phí này các CĐ tự đầu tư. Hiện CĐ ngành đang thuê đường truyền của Bưu chính Viễn thông với mức 1 triệu đồng/tháng/1 điểm cầu, đảm bảo có thể họp bất cứ lúc nào. Hạ tầng này có thể phục vụ các buổi hội thảo, hội nghị giao ban trực tuyến mang quy mô vừa phải, với lượng đại biểu tầm khoảng 25-30 người.
Ngoài ra, còn có thể tận dụng mở các lớp tập huấn, tuyên truyền, giáo dục một chiều… “Quan trọng là người điều hành cuộc họp và các bên tham gia phải chuẩn bị nội dung trước, điều hành theo kịch bản để tiết kiệm thời gian, hiệu quả cao”, ông Khánh cho biết thêm.
Nhiều tiện ích, giảm chi phí
Việc tổ chức họp trực tuyến là một bước tiến lớn giúp con người có khả năng giao tiếp với nhau, không còn bị cản trở bởi khoảng cách địa lí. Họ có thể liên lạc trực tiếp mặt đối mặt từ hai nơi cách xa hàng trăm cây số và thậm chí cho phép những người tham dự tại nhiều địa điểm từ những nơi khác nhau có thể nhìn thấy, trao đổi trực tiếp với nhau qua màn hình tivi như đang họp trong cùng một hội trường.
Lợi ích mà họp trực tuyến đem lại là hạn chế được việc di chuyển, không những tốn thời gian, chi phí của mỗi cá nhân mà còn tiêu tốn thời gian, chi phí của cả cơ quan, đơn vị đó mỗi khi tổ chức các cuộc họp. Ý kiến tại cuộc họp trực tuyến được phát biểu công khai, minh bạch, thông tin chỉ đạo điều hành xuyên suốt, kịp thời, hiệu quả, rõ ràng không bị “tam sao thất bản”.
Đặc thù của ngành cao su là nhiều đơn vị ở vùng xa xôi, miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, ở nước bạn Lào, Campuchia…
Vì vậy, việc tổ chức họp trực tuyến sẽ góp phần giảm thiểu đi lại, chi phí, tiết kiệm thời gian và hiệu quả công việc cao. Tuy nhiên, việc họp có được duy trì thường xuyên hay không, máy móc có phát huy hiệu quả hay không, hiệu quả sử dụng đường truyền như thế nào, phụ thuộc chính vào con người, mà trực tiếp ở đây là lãnh đạo đơn vị.
Tại cuộc họp trực tuyến do CĐ ngành vừa tổ chức, ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch CĐ Cao su VN cũng nhấn mạnh về hiệu quả của việc họp trực tuyến. Ông Hùng khẳng định, tới đây CĐ ngành sẽ nhân rộng việc họp trực tuyến tại các khu vực khác như Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Trung nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian đi lại, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào các hoạt động của CĐ theo chủ trương của Tổng LĐLĐ VN.
Bài, ảnh: Minh Tâm
Related posts:
- Vui trung thu đầm ấm, ý nghĩa
- Đôn đốc tổ chức hội nghị người lao động
- Cao su Mang Yang bàn giao nhà Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên khó khăn
- “Mái ấm Công đoàn” - Niềm hạnh phúc của người lao động khó khăn
- Vai trò Công đoàn trong cổ phần hóa: Cần năng động hơn
- Công đoàn CSVN trao giải hai cuộc thi chào mừng 90 năm truyền thống ngành
- Cái tâm của một chủ tịch Công đoàn giỏi
- Công đoàn Cao su Mang Yang: 6 tháng trao 4 nhà Mái ấm CĐ
- Công đoàn cơ quan VRG: Trao nhà kết nghĩa cho công nhân cao su Chư Sê
- Cao su Chư Păh tặng 270 phần quà cho các gia đình chính sách và hộ nghèo