CSVN – Vào mùa này, khi những đám lúa rẫy trên khắp các sườn đồi của các huyện phía đông tỉnh Gia Lai đã ngã màu vàng óng thì bà con nơi đây cũng bắt đầu chuẩn bị cho một mùa cúng rẫy để tuốt lúa về kho. Cộng đồng người dân tộc Bahnar coi cúng rẫy là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh.
Ngay từ sáng sớm, gia đình bà Đinh Thị Dơng ở làng Mèo Lớn, xã ĐăkPLing, huyện Kôngchro đã tập trung đông đủ con cháu để đi lên nhà đầm cúng rẫy. 4 ghè rượu cần thơm ngon nhất được gùi đi, 4 con gà mập mạp cũng được chọn để mang lên nhà đầm phục vụ cho lễ cúng.
Tuy lễ cúng rẫy ngày nay đã được làm gọn nhẹ đi nhưng theo bà Dơng thì vẫn không kém phần linh thiêng. Tất cả những phần việc trong nghi lễ cúng rẫy đều được thực hiện đầy đủ và trang trọng. Trong khi những người đàn ông của gia đình chọn một vị trí cao, bằng phẳng gần nhà đầm mà từ đó có thể nhìn bao quát hết đám lúa rẫy rồi đi chặt tre, cây rừng dựng một lán trại nhỏ và làm những chiếc bàn bằng tre để đặt lễ, một số khác lo làm gà, nướng gà thì người phụ nữ là chủ gia đình sẽ đi chọn những bông lúa đẹp và nặng hạt nhất để tuốt đầy một gùi to, chuẩn bị cho phần cúng Thần lúa.
Vừa lên đến rẫy, bà Dơng đã chọn một chiếc gùi to và mới nhất đi về phía có những bông lúa nặng trĩu chín vàng và đều hạt. Bà nhẹ nhàng tuốt từng bông cho đến khi chiếc gùi đầy ắp. Bà con ở đây bao đời nay vẫn giữ tập tục tuốt lúa bằng tay vì họ tin rằng nếu dùng liềm cắt rồi đập để lấy hạt sẽ làm đau thân lúa, làm tổn hại đến linh hồn của cha ông nương mình trong đó.
Nghi lễ cúng rẫy được bà con nơi đây lưu giữ từ đời này sang đời khác như một sự linh thiêng bất biến. Con cháu sẽ không ai bỏ tập tục ngàn đời của dân tộc vì được cha ông dạy rằng mình có lễ phép với trời đất, thần linh thì sẽ được thương, được phù hộ cho no đủ
Anh Đinh Lanh, con trai của bà Dơng đã nói với tôi như vậy trên đường về khi chúng tôi đi ngang qua rất nhiều đám lúa rẫy đang diễn ra nghi lễ linh thiêng này.
Khi tất cả mọi đồ lễ đã chuẩn bị xong thì lễ cúng bắt đầu trước sự chứng kiến của tất cả các con cháu. Già Đinh Jing là anh trai của chồng bà Dơng năm nay đã 70 mùa rẫy nhưng đôi chân và con mắt vẫn khỏe nên quãng đường bộ băng đồi, lội suối dài 5 cây số để lên đến nhà đầm với ông không có gì vất vả.
Ghè rượu và con gà đầu tiên già Đinh Jing cúng ma trong dòng họ để những linh hồn không bị đói mà về quấy nhiễu. Ghè rượu thứ hai và thứ ba, già cúng mời các Yàng về uống rượu, ăn thịt để xin phù hộ cho mưa thuận gió hòa, đi săn bắn gặp may mắn.
Cuối cùng là ghè rượu cúng Thần lúa. Già Đinh Jing đặt con gà lên chiếc bàn tre cao nhất, gùi lúa đặt sát bên cạnh ghè rượu có thắp một ngọn nến được làm từ sáp mật ong rừng. Già Jing khấn mời Thần lúa cho đến khi ngọn nến tắt có nghĩa là Thần lúa đã chấp nhận lời mời về chứng kiến nghi lễ cúng rẫy của bà con.
Khi ngọn nến tắt, già bắt đầu rót rượu cần ra 4 chiếc ly được làm từ lá chuối và xé thịt gà thành từng miếng nhỏ để mời Thần lúa. Sau 4 lần rót rượu, già Jing thực hiện nghi lễ rước Thần lúa về theo chủ nhà để Thần lúa không đi lạc, ở lại cùng gia đình trong kho để mùa sau phù hộ cho đám rẫy được nhiều lúa hơn. Bà Dơng được mời ngồi bên gùi lúa và tháo chiếc vòng cườm bà đang đeo trên cổ đưa cho già Jing. Già Jing cầm chiếc vòng lên ngang tầm mắt và khấn mời Thần lúa vào chiếc vòng. Sau đó ông đeo lại vào cổ bà Dơng, coi như Thần lúa đã theo bà về nhà. Sau can rượu bà Dơng uống cùng Thần lúa thì các con cháu sẽ tập trung uống rượu cần, ăn thịt gà để mừng một mùa mới trước khi tuốt lúa về kho.
Hà Đức Thành
Related posts:
- Du Xuân ấm áp, tiết kiệm
- Những trang sử vẻ vang về truyền thống 95 năm ngành Cao su Việt Nam
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024
- Thương lắm mùi cao su của mẹ
- Bình minh trên những cánh rừng cao su
- Vẫn hát lời tình yêu
- Cao su Sa Thầy: Thăm, động viên giáo viên mầm non
- Tự hào cao su Việt Nam!
- Nhiều hiện vật giá trị lịch sử tại Nhà truyền thống Cao su Chư Prông
- Dư âm “Tiếng hát công nhân cao su” khu vực II