(tiếp theo kỳ trước)
CSVN – Tháng 7/1958, Ngô Đình Diệm – Tổng thống miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ có chuyến khảo sát tới các đồn điền của Công ty Đồn điền Đất Đỏ, Lai Khê và Đồn điền Dầu Tiếng của Công ty Michelin. Ông Diệm đã khen ngợi kỹ thuật mới để đánh đông mủ và việc sử dụng máy ủi của hãng Caterpillar để phát quang. Chuyến đi của ông Diệm nhằm quảng bá chương trình cho vay vốn để khuyến khích người Việt gia nhập ngành công nghiệp này, nhưng rốt cuộc lại đầu tư quy mô cho các đồn điền người Pháp.
Công nhân bãi công để đòi quyền lợi
Dưới thời đệ nhất Cộng hòa của Ngô Đình Diệm, đồn điền cao su vượt trội, một phần do các đồn điền đóng vai trò nòng cốt trong việc tái định cư cho hàng ngàn người di cư từ Bắc vào. Đầu tháng 7/1954, ông Diệm thành lập nội các, theo Hiệp định Geneva được ký kết, đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và miền Nam Việt Nam đồng ý cho phép người dân tự do di chuyển ra Bắc hoặc vào Nam trong vòng 300 ngày. Suốt thời kỳ di cư và tập kết này, cả hai bên nỗ lực để tạo ra ảnh hưởng đến dòng di dân. Đầu tháng 8, hàng ngàn dân Công giáo di cư từ Bắc vào Nam, đồng thời cán bộ, binh lính của VN Dân chủ Cộng hòa tập kết từ Nam ra Bắc. Tài sản của các đồn điền bị tịch thu từ những đối thủ bị đánh bại đã cung cấp cho ông Diệm một phương tiện để xử lý dòng người di cư khổng lồ tới VN Cộng hòa.
Ông Diệm không quan tâm đến tình trạng công nhân và y tế tại các đồn điền. Tuy vậy, công nhân cao su đã sớm đưa ra các yêu cầu của mình thông qua những cuộc đình công vào tháng 10/1954. Sau chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, phong trào công nhân tách thành nhiều hội đoàn, một số hội chỉ tập trung vào đòi quyền lợi cho công nhân trong khi một số khác lại xem hoạt động của mình là một phần của công cuộc cách mạng XHCN. Dù theo đảng phía chính trị nào, các công nhân đều đưa ra những yêu cầu này đối với giới chủ: Xây trường học cho con em của họ, giảm số lượng cây khai thác, thay gạo lứt bằng gạo trắng, giảm giờ làm, cung cấp quần áo như đã hứa, tăng lương thưởng.
Theo một nghiên cứu, có không dưới 28 cuộc biểu tình đã diễn ra từ tháng 8/1954 đến tháng 11/1959 với số lượng công nhân tham dự trung bình khoảng 600 người, kéo dài trên dưới 3 ngày. Những cuộc biểu tình này nhắm vào khu vực đồn điền, như cuộc biểu tình kéo dài 1 ngày vào 11/9/1955 lôi cuốn 38.941 công nhân, và một cuộc biểu tình đòi tăng lương trong dịp gần Tết Nguyên đán 1956 lôi cuốn 44.000 công nhân các đồn điền phía Nam. Những cuộc biểu tình này nhắm đến yêu cầu đòi cải thiện điều kiện sống, kể cả các yêu sách như cung cấp thuốc paludrine để chữa bệnh sốt rét như đã hứa, cải thiện chất lượng gạo và tăng lương, giảm giờ làm, thả những người bị bắt vì say rượu. Từ góc nhìn của một nhân viên sứ quán Mỹ, những cuộc biểu tình này khởi phát từ “sự vận động của công nhân nhằm chống lại giới chủ, đuổi việc thiếu công bằng, điều kiện làm việc tồi tệ” chứ không có sự xâm nhập của những người cộng sản.
Mối bận tâm của công nhân tập trung vào tình trạng sức khỏe của họ và khả năng chu cấp cho gia đình và những mối lo này tiếp tục gây xáo động trong nửa sau thập niên 1950. Đầu năm 1956, công nhân cùng các tổ chức của họ bắt đầu hối thúc về bản thỏa ước tập thể, trong đó luật hóa các điều kiện ở đồn điền và cho phép công nhân thương lượng với chủ thông qua người đại diện của mình. Tháng 5/1957, công nhân Công ty Đồn điền Đất Đỏ gởi bản yêu cầu gồm 11 điều khoản đến giới chủ. Quản lý đồn điền và công nhân đạt thỏa hiệp 8/11 yêu cầu gồm mức lương, trả công tương đương công việc, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, phương tiện di chuyển, tiền bồi thường cho thôi việc, tiền thuyên chuyển. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) cố gắng hòa giải những bất đồng còn lại.
Bất đồng đầu tiên là về giờ nghỉ trưa, công nhân chỉ ra rằng 30 phút sẽ không đủ thời gian để họ về nhà và rằng nếu quản lý muốn họ ăn tại nơi làm việc thì phải xây một chỗ phù hợp cho điều đó. Bất đồng thứ hai là về khoản trợ cấp cho gia đình, vốn đã bị quản lý giảm từ 8 xuống 5 đồng, cùng cơ hội được thưởng dựa trên sản phẩm. Thỏa thuận đã được thực hiện để kết thúc biểu tình ở Công ty Đồn điền Đất Đỏ trong dịp Tết năm 1958, trong đó, do sức ép của Chính phủ VNCH, công nhân và quản lý đồng ý với mức lương cơ bản là 37 đồng, một khoản thưởng 7 đồng trong một ngày, một khoản thưởng Tết và thưởng khuyến khích 0,4 đồng cho mỗi ký cao su khô.
Một phần do Chính phủ sẵn sàng ủng hộ yêu sách của công nhân nên căng thẳng giữa chính quyền VNCH và chủ đồn điền người Pháp ngày càng tăng. Trong một lá thư với lời lẽ gay gắt, phó Chủ tịch Hiệp hội Những người trồng cao su Pháp cho rằng, những yêu cầu của công nhân đang đe dọa tương lai của đồn điền qua việc làm tăng giá thành sản phẩm chủ yếu vì tăng lương và các khoản trợ cấp xã hội. Theo quản lý đồn điền Phú Riềng của Michelin, một phu khai thác lành nghề có thể kiếm được 41 đồng/ngày, thợ ghép lành nghề kiếm được 60 đồng/ngày. Tổ chức này tuyên bố rằng mức sống của họ khá hơn 9 triệu người miền Nam còn lại.
Ký kết Khế ước với nhiều quyền lợi cho công nhân
Trong một bức thư gởi phó Tổng thống VNCH và Bộ trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Lao động Huỳnh Hữu Nghĩa cho rằng lập luận của Hiệp hội người trồng cao su Pháp đã xuyên tạc tình hình một cách thô thiển. Ông Nghĩa đã chứng minh rằng chi phí nhân công chiếm cao nhất chỉ khoảng 25% tổng doanh thu. Hơn nữa, tất cả các bằng chứng đều phủ nhận tuyên bố cho rằng công nhân đồn điền có mức sống cao. Ông Nghĩa đặt vấn đề với các chủ đồn điền là tại sao dù không có lời, nhưng họ vẫn ở lại VN. Ông Nghĩa kết lại rằng ông chỉ yêu cầu các đồn điền phải tuân thủ pháp luật, mà luật ở đây cơ bản giống những quy định được ban hành năm 1927.
Ngày 29/12/1959, một cuộc bãi công bắt đầu ở các đồn điền Xa Cát và Lộc Ninh thuộc Công ty Cao su Viễn Đông diễn ra, vì công nhân tuyên bố rằng chủ đồn điền đã không làm theo thỏa thuận được lập. Công nhân bị đói và bãi công, việc này gây thiệt hại cho công ty 30.000 USD/ngày. Chính quyền VNCH bắt đầu tìm cách kết nối lợi ích của mình – giới chủ – công nhân. Các quan chức VNCH quan tâm nhiều đến việc ổn định tình hình tại các đồn điền để thực hiện chương trình phát triển cao su.
Ngày 12/3/1960, đại diện ban quản lý đồn điền người Việt Nam và người Pháp, Tổng Liên đoàn Lao công VN, Liên hiệp Công đoàn VN đã ký Cộng đồng Khế ước Lao động Cao su. Khế ước gồm 92 trang và 257 mục, mô tả chi tiết điều kiện làm việc ở các đại điền, khẳng định quyền tự do phát biểu ý kiến và lập hội, xác nhận quyền hiến định của công nhân về biểu tình và thương lượng tập thể thông qua các hội đoàn.
Bản thông cáo của quan chức lãnh sự Hoa Kỳ Joseph Rosa đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khế ước này với lịch sử lao động VN: “Không hề quá khi nói rằng khế ước này một mặt đã giải phóng công nhân đồn điền, mặt khác là bước tiến lớn trong mối quan hệ giữa công nhân người Việt và giới quản lý. Khế ước này là bản thỏa thuận tập thể đầu tiên trong toàn bộ ngành công nghiệp được ký kết ở Việt Nam và được coi là hình mẫu trong tương lai đối với những thỏa thuận tương tự. Sự chuẩn bị sẵn sàng đang được thực hiện đối với những khế ước tương tự giữa ngành ngân hàng với nhân viên, cho các công nhân xăng dầu, điện lực, nước mắm và cá hộp”.
Ngày 19/5/1960, VNCH phê chuẩn khế ước này. Ngành công nghiệp cao su biến đổi từ một trong những ngành chậm tiến nhất trở thành một ngành cấp tiến nhất ở VN, làm hình mẫu cho các ngành công nghiệp khác.
HÀ KHUÊ
(trích từ sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB Tổng hợp TP.HCM, tháng 6/2023)
(Kỳ sau: Vượt qua chủ nghĩa thực dân)
Related posts:
- Học và làm theo Bác là việc làm thường xuyên, tự giác
- “Nghệ sỹ khôngchuyên” ngành cao su
- "Nhiếp ảnh gia" ngành cao su
- Chị Phạm Thị Thái làm Trưởng Ban liên lạc hưu trí Cao su Chư Păh
- Vững tin nhé thành phố của tôi!
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- “90 năm, Cao su Dòng chảy cuộc sống”
- Cao su Bình Long: Nông trường Xa Trạch nhất toàn đoàn hoạt động thể thao năm 2023
- Tháng 9 và những sự kiện lịch sử
- Kỳ đại hội khó quên