Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử – sinh thái (1897 – 1975)

LTS: Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975) của tác giả Michitake Aso có cách tiếp cận khác với những công trình, sách nghiên cứu viết về cây cao su tại Việt Nam trước đây. Trong cuốn sách này, tác giả đã xem xét cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử gắn liền với Sinh thái học. Cây cao su với tư cách là một giống thực vật ngoại lai, khi được di nhập và trồng thành công ở Việt Nam, cây cao su đã tạo ra những biến đổi sâu sắc về môi trường tự nhiên, đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, tác động sâu sắc đến đời sống và phong trào đấu tranh của công nhân các đồn điền cao su ở nước ta. Cao su Việt Nam lược đăng những nội dung đặc sắc của tác phẩm.

Kỳ 1: Những con đường khai hóa

Đường sá – yếu tố quan trọng hình thành những đồn điền cao su vào đầu thế kỷ XX

Từ giữa thế kỷ XIX, cao su đã được gắn với những biểu tượng mạnh mẽ nhất về các phương tiện di chuyển hiện đại: giày, xe đạp, xe hơi và máy bay. Theo kiểu quan hệ tương hỗ, sự gia tăng số lượng các phương thức vận chuyển này đã thúc đẩy sự gia tăng liên tục nhu cầu của thị trường thế giới đối với cao su tự nhiện và cao su tổng hợp. Ở cấp độ địa phương, việc thành lập các đồn điền cao su vừa phụ thuộc vừa khuyến khích sự phát triển mạng lưới giao thông và kết nối liên lạc miền Đông Nam kỳ với thế thời bên ngoài.

Các chủ đồn điền đã thúc đẩy những phương thức vận chuyển nhất định trong khi hạn chế những phương thức khác trong khuôn khổ đế quốc rộng lớn. Các nhóm xã hội khác nhau đã sử dụng những hình thức lưu động và bất biến khác nhau để làm lợi cho mình; các đồn điền đã cố gắng điều chỉnh dòng chuyển động và bất biến để kiếm lời; các quan chức thuộc địa nỗ lực quản lý dòng người luân chuyển trong phạm vi Đông Dương để cai trị tốt hơn và cho dù chỉ có chút ít quyền trong hệ thống, nhưng công nhân Việt Nam đã tận dụng những cơ hội trao cho mình, tránh những hậu quả tồi tệ nhất từ những khuôn mẫu mới của dòng lưu biến và bất biến.

Các tuyến đường bộ, đường thủy sẵn sàng cho việc vận chuyển hàng hóa và con người là những yếu tố quan trọng để hình thành nên những đồn điền cao su vào đầu thế kỷ XX. Nhà sử học David del Testa lập luận: “Ban đầu người Pháp không cải thiện giao thông, thay vào đó, họ dựa vào những tuyến đường bộ và đường sông đã có từ trước”.

Trước năm 1880, những quan chức Nam Kỳ luôn tìm cách gia tăng sự lưu chuyển của hàng hóa, các ý tưởng, con người ở thuộc địa. Vì nơi đây được xem là vùng hay xảy ra nạn trộm cướp nên vấn đề an ninh chính là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển một nền kinh tế xuất khẩu. Để ngăn chặn tình trạng cướp bóc, chính quyền thuộc địa bắt đầu mở rộng mạng điện tín – một phương cách liên lạc chủ yếu kết nối Sài Gòn và các tỉnh lị.

HÀ KHUÊ (trích đăng)

(Xem tiếp kỳ sau)