CSVN – Chị Trần Thị Kiều Diễm, một cán bộ kỹ thuật tại Nông trường 6, Cao su Lộc Ninh là thế hệ tiếp nối thứ 4 trong gia đình có 4 thế hệ theo ngành cao su đã vinh dự được VRG tặng bằng khen và kỷ niệm chương. Với chị, đó là kỉ niệm khó quên và đầy tự hào.
Bài 1: Cháy mãi ngọn lửa truyền thống gia đình
Tự hào về một thời gian khó
Khi biết tin chúng tôi đến thăm, gia đình chị Diễm đã chờ sẵn ở cổng nhà. Căn nhà nhỏ nằm ngay thị trấn Lộc Ninh hôm nay như rộn ràng hơn bởi câu chuyện của bà Sương (Bà ngoại chị Diễm), của gia đình truyền thống 4 thế hệ cùng công tác trong ngành cao su với chúng tôi… Tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn còn rất minh mẫn, bà kể cho chúng tôi nghe về truyền thống của gia đình trong niềm xúc động hân hoan.
“Quê gốc bà ở Thái Bình, ngày xưa do cuộc sống ngoài quê khó khăn nên cha bà là ông Phạm Văn Vượng (ông cố chị Diễm) đã quyết định rời quê hương vào Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn. Năm 1939, cha bà tham gia làm việc tại đồn điền cao su của Pháp. Công việc ban đầu là cạo mủ nhưng sau đó ông chuyển sang chế biến cao su. Ông đã có thời gian rất dài làm việc trong ngành cao su, sau này do sức yếu nên ông đành phải nghỉ việc, thời điểm đó là mới vừa giải phóng. Thấy được sự tâm huyết của cha, nên năm 1973 bà cũng quyết theo giai cấp công nhân, trở thành công nhân cao su như cha đã làm trước đây. Giờ nhìn lại bà vẫn thấy mình đã chọn đúng đường”. Nhiều năm trôi qua, nhiều chi tiết đã mờ nhạt trong ký ức của bà Sương, nhưng kỉ niệm về lần chở tấn mủ đầu tiên ra miền Bắc vẫn rõ ràng và không thể phai nhòa trong tâm trí của bà. “Hồi đó khi bà bắt đầu làm công nhân cao su thì hai khu phố Ninh Phước và Ninh Hòa mới sát nhập với nhau, nhà máy chỉ có mấy chục công nhân khai thác. Nhiệm vụ thực hiện giao 38 tấn mủ ra miền Bắc đầu tiên là do là đội của bà (đội 3, NT Lộc Thắng) đảm nhận. Thời điểm đó gặp nhiều khó khăn trong sản xuất như máy móc hư hại, mủ phải cán ra thành mủ bành, lại chưa có xe đi lấy mủ, nên mình phải đào lỗ rồi đổ mủ xuống cho đông lại, sau 2 -3 ngày thì mới lấy lên. Giai đoạn đó dù cực nhưng vẫn vui, do tuổi trẻ bà cũng không quản ngại điều chi, bom đạn gì cũng không sợ hết. Cứ mỗi lần bom đạn dội thì nhảy xuống mương, qua đợt bom lại leo lên, tiếp tục công việc của mình”, bằng giọng nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, bà kể chuyện khiến chúng tôi ngồi nghe mà thán phục trước lòng dũng cảm và ý chí sắt đá của người công nhân cao su trong những năm tháng xa xưa.
Trong một thoáng hoài niệm về tuổi trẻ đã trôi qua, bà lại vui mừng chia sẻ với chúng tôi về những người con và người cháu đã kế thừa nghề cao su, mang tiếp truyền thống gia đình. Bà nói: “Bà có 4 người con gái, cả 4 người đều phục vụ trong ngành cao su. Con gái Kim Chi, Ngọc Nga là y sĩ phục vụ trong các trạm đội của nông trường cao su, bệnh viện cao su. Con gái Ngọc Diệp làm giáo viên trường làng dạy các con của công nhân cao su. Con gái Ngọc Anh hiện đang làm công nhân trực tiếp tại nhà máy chế biến cao su. Sau này đến cháu bà là Diễm cũng theo nghề cao su. Tuy mỗi người, ở mỗi đơn vị và giữ nhiệm vụ khác nhau nhưng gia đình bà 4 thế hệ đều yêu nghề, vượt khó và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành cao su, do đó bà cảm thấy vô cùng hãnh diện”.
Truyền lửa đam mê
Là một người làm việc trong nghề cao su 36 năm ông Trần Quang Hưởng (cha chị Diễm) không chỉ là người mang đam mê nghề nghiệp đến cho con cái mình mà còn là một người bạn đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ giúp con trở thành người cán bộ tốt trong công việc.
“Chú có 36 năm làm việc cho ngành cao su với nhiều vị trí công việc khác nhau như tổ trưởng, trợ lý giám đốc,… Hiện tại chú đã nghỉ hưu được 5 năm. Suốt quá trình công tác chú luôn dành hết tâm huyết và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trong quản lý chú xem công nhân như anh em của mình. Nói chuyện từ tốn, ứng xử khéo léo khi công nhân sai phạm, có sự tâm lý trong lãnh đạo,… Có lẽ nhờ những câu chuyện nhỏ đó mà ngọn lửa đam mê nghề đã tự nhiên được khơi dậy trong tâm hồn các con chú. Bắt đầu từ tình yêu và sự quý mến đối với những người làm trong ngành cao su cho đến sự thích thú với nghề cao su này”.
Một thời tuổi trẻ ông Hưởng gắn bó với nghề cao su, trải qua nhiều khó khăn và biến động, cống hiến cho ngành cao su, ông đã được công ty và Tập đoàn vinh danh bằng nhiều bằng khen. Đến nay khi tóc đã ngả màu ông Hưởng vẫn chưa hề có ý định nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng, ông vẫn ghé thăm lô làm việc để gặp lại đồng nghiệp cũ, anh em công nhân, cùng trò chuyện và hỏi thăm tình hình. Mọi người đều nói ông là người truyền ngọn lửa nhiệt huyết, đem đến nguồn cảm hứng và động lực cho các thế hệ sau.
Tiếp nối ước mơ
Từ ngày ấu thơ, chị Diễm đã được cha mẹ kể cho nghe về truyền thống ngành cao su của gia đình. Tận sâu trong tâm hồn của cô bé ngày ấy đã len lỏi một hạt mầm tình yêu dành cho ngành cao su, chờ ngày vươn mình.
Chị Diễm đã phấn đấu và nỗ lực học tập hết mình để trở thành thế hệ người kế thừa của ngành cao su. Chị nói: “Hồi học phổ thông tôi đã quyết chọn ngành trồng trọt của trường Đại học Nông Lâm TP.HCM làm mục tiêu để cố gắng. Sau bao nỗ lực tôi cũng đậu ngành mình yêu thích để tiếp tục hoàn thành ước mơ.
Học xong, năm 2004 tôi trở về quê hương và ứng tuyển cán bộ kỹ thuật tại Nông trường 6, Cao su Lộc Ninh. Đến nay tôi đã làm công việc này được 19 năm. Tôi rất vinh dự và tự hào vì mình đã thực hiện được ước mơ là trở thành thế hệ thứ 4 tiếp nối truyền thống cao su của gia đình. Từ ông bà cố, ông bà ngoại đến ba mẹ và giờ đến thế hệ của tôi”.
Với truyền thống của gia đình cùng những cống hiến không ngừng nghỉ của 4 thế hệ. Năm 2014 gia đình chị Diễm là một gia đình điển hình tại Nông trường 6, Cao su Lộc Ninh vinh dự được nhận bằng khen và kỷ niệm chương của VRG về gia đình truyền thống công nhân cao su tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam.
Chi Diễm chia sẻ đầy tự hào: “Nhận được bằng khen tôi cảm thấy rất xúc động và vinh dự. Truyền thống của gia đình luôn là động lực để tôi tiếp tục hoàn thiện mình. Tôi sẽ cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ trong công việc, tham gia tốt các phong trào của đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi mong muốn bản thân có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành cao su và tiếp tục tiếp nối lâu dài truyền thống của gia đình”.
Sự kế thừa truyền thống gia đình luôn được coi trọng từ thế hệ này sang thế hệ khác, không phân biệt ngành nghề. Và ngọn lửa truyền thống ấy sẽ tiếp tục được chị Diễm thắp sáng, đóng góp vào việc hình thành những thế hệ cao su tương lai, giỏi chuyên môn và giàu lòng nhiệt huyết.
Chia tay gia đình chị Diễm trong lòng chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn những cảm xúc vừa lắng đọng vừa tự hào về những thế hệ đã thầm lặng dành cả cuộc đời tận tâm, tận lực, gắn bó với vườn cao su dưới tán cây xanh mát.
HẰNG NY
Related posts:
- Một người lãnh đạo, một hình ảnh đẹp trong ngành cao su
- "Dĩ bất biến ứng vạn biến" quyết liệt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2020
- Thạo Cợt - gương sáng công nhân khai thác trên đất bạn Lào
- Chào năm mới với niềm vui mừng Xuân dâng Đảng
- 64 đoàn tham gia tranh tài tại Hội thi Bàn tay vàng VRG lần thứ XIII
- “Phấn đấu sản lượng thu mua cao su tương xứng với tiềm năng”
- Đoàn Thanh niên VRG đã có nhiều dấu ấn tốt đẹp trong năm 2020
- Cao su Bình Long trao 86 phần quà cho người lao động và gia thuộc bị bệnh hiểm nghèo
- Dựa vào dân, dẫu khó muôn lần cũng vượt!
- Các công ty cao su khu vực Campuchia: Tiếp tục bứt phá, đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ