CSVN – Thực hiện Nghị quyết 6a của Công đoàn Cao su Việt Nam (CĐ CSVN), CĐ các công ty cao su khu vực Tây Nguyên đã tích cực vận động, hỗ trợ NLĐ đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, góp hàng ngàn ngày công, hàng chục ngàn cây, con giống, số lượng công nhân đồng bào dân tộc thiểu số tham gia hỗ trợ nhau ngày càng nhân rộng, giá trị tăng lên hàng năm.
Kỳ 2: Phát huy nguồn lực tại chỗ
Những mô hình kinh tế đơn giản nhưng hiệu quả
Làm công nhân cạo mủ theo diện hộ nhận khoán cho cha 8 năm, cuộc sống của gia đình Y Thảo vẫn chỉ là những ngày đủ ăn. Suy nghĩ mãi, Y Thảo quyết định xin vào làm công nhân của NT Ya Chim, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum để tìm sự đổi thay cho cuộc sống gia đình vì chồng cũng không việc làm ổn định, 2 con còn nhỏ.
Ngay năm đầu tiên, chị được làm việc trong môi trường mới, được tiếp xúc với các đồng nghiệp làm kinh tế giỏi ở tổ 14. Rồi chị được CĐ NT vận động vay 50 triệu từ ngân hàng chính sách để mua 2 con bò giống nhằm phát triển kinh tế gia đình. Giờ đây, sau 3 năm đàn bò của chị Y Thảo đã tăng lên thành 6 con.
Chúng tôi đến thăm nhà, cũng là lúc Y Thảo đi cạo về. Chưa kịp mở cửa nhà, thay y phục đón khách, Y Thảo đã nhanh chóng lấy rơm cho bò ăn. Vừa cho bò ăn, Y Thảo vừa vui vẻ trò chuyện: “Mình làm công nhân, thu nhập đủ lo cho gia đình, còn những con bò này là tài sản quý để vài năm nữa trả nợ ngân hàng, dành dụm để lo cho con đi học, sửa chữa nhà ở và mua sắm thêm đồ dùng trong nhà, phục vụ đời sống của gia đình”.
Qua tìm hiểu cuộc sống của đồng bào nơi Y Thảo sinh sống, được biết làng Ple Drual có khá nhiều thanh niên, gia đình có cao su, có người làm công nhân cho NT Ya Chim, Hòa Bình, Tân Hưng thuộc Cao su Kon Tum, nhưng ít có gia đình nào có nguồn lực kinh tế tiêu biểu, nổi trội.
Y Thảo là người ít nói, lại khá trẻ, chỉ mới sinh năm 1998 nhưng theo anh Nguyễn Khắc Hoàng Phú – GĐ NT Ya Chim, Y Thảo rất chịu khó học hỏi, siêng năng, nhất là quyết tâm làm thêm kinh tế gia đình và hiệu quả mang lại rất tốt khiến nhiều người làng Ple Drual làm theo.
Điển hình phát triển kinh tế gia đình ở địa phương
Không chỉ mô hình chăn nuôi mang lại nguồn lợi kinh tế khá giả cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, mà các mô hình khác như trồng cà phê kết hợp với chanh leo, xen hồ tiêu cũng có thể làm giàu. Điển hình là mô hình của anh Rlan Kim ở NT Hòa Bình, Cao su Chư Prông.
Anh Kim làm công nhân, rồi bảo vệ cho NT Hòa Bình từ năm 1998. Đến nay, sau 25 năm công tác anh đã tích lũy khá nhiều kinh nghiệm không chỉ trong công việc mà còn cả cách làm kinh tế cho gia đình. Nên nhiều người vẫn nói vui rằng Rlan Kim là người giàu nhất làng Mút Thong của xã Ia Băng.
Tiếng đồn cũng không quá, khi tận mắt chứng kiến cơ ngơi và tài sản của gia đình anh ở làng Mút Thong. Đến thăm vườn cà phê xen chanh leo của anh Kim, chúng tôi mê mẩn với cây cà phê sai trĩu quả, phía trên là những dây leo của chanh chằng chịt quả. Đưa tay hái quả chanh leo trên cây cà phê, anh Kim cho hay: “Đây là năm thứ 2 gia đình mình thu hoạch chanh leo, năm đầu giá chanh leo cao, 17 – 18 ngàn đồng/ký, lời nhiều nên gia đình mình vui lắm, nhưng năm nay giá có thấp, tuy vậy vẫn là nguồn thu tốt để cải thiện cuộc sống cho cả gia đình”.
Nhà anh Kim có tổng cộng 3 ha đất, trong đó anh dành 2 ha để trồng cao su, hiện đang thu hoạch năm thứ 5, số đất còn lại anh trồng cà phê, quanh bờ rào anh trồng hồ tiêu, giữa 200 gốc cà phê anh trồng chanh leo. Vì thế, gia đình anh quanh năm có nguồn thu ngoài tiền lương, thu nhập từ việc làm công nhân của các con, từ tiền lương bảo vệ của bản thân thì mỗi năm gia đình anh có thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Chia sẻ thêm về đời sống của bà con dân tộc thiểu số ở đơn vị, anh Lưu Văn Phiên – GĐ NT Hòa Bình cho biết: “Vài năm trở lại đây, đời sống bà con vùng này khá phát triển với các mô hình kinh tế gia đình như trồng nhiều cây ăn quả trong cùng một diện tích hay nuôi gia súc, gia cầm thả vườn… Trường hợp của anh Kim không phải là hiếm, nhưng là điển hình ở địa phương”.
Nhân rộng những mô hình và gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế
Đối với NLĐ là công nhân dân tộc Kinh, việc phát triển kinh tế gia đình để làm giàu không hiếm, nhưng với lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số, đây lại là chuyện khác biệt. Vì thế, việc tuyên truyền, giao lưu để các công nhân học tập các mô hình phát triển kinh tế gia đình là hết sức cần thiết.
Trong lần dự buổi tuyên dương 26 đoàn viên thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế gia đình giỏi năm 2022, anh Phạm Đình Luyến – TGĐ Cao su Chư Păh bày tỏ tâm tư: “Cao su Chư Păh là đơn vị sử dụng nhiều lao động đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng này ở công ty chúng tôi đời sống còn nhiều khó khăn lắm, do vậy việc hỗ trợ, giúp đỡ họ làm thêm kinh tế gia đình là trách nhiệm của công ty, các tổ chức đoàn thể phải vào cuộc để làm sao từng bước nâng cao đời sống cho bà con, có vậy họ mới yên tâm gắn bó lâu dài với mình, với công ty và giữ gìn vườn cây, tài sản của đơn vị như tài sản của chính gia đình mình”.
Trên địa bàn Tây Nguyên, không ít các mô hình kinh tế tiêu biểu đã được hình thành và phát triển mạnh. Tuy nhiên, để tìm được mô hình phát huy hiệu quả như mô hình nuôi heo sọc dưa của anh A Yung (Cao su Mang Yang), vay vốn chăn nuôi bò của chị Y Thảo (Cao su Kon Tum), mô hình trồng nhiều loại cây ăn quả trong cùng một diện tích như anh Rlan Kim (Cao su Chư Prông)… vẫn chưa phổ biến đối với một bộ phận là NLĐ đồng bào dân tộc thiểu số.
Ở Cao su Chư Păh hàng năm đều tổ chức tuyên dương các đoàn viên làm kinh tế giỏi để biểu dương, khen thưởng là một hình thức tuyên truyền hiệu quả để NLĐ phát huy thế mạnh, nguồn lực sẵn có, sức sáng tạo và tinh thần quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Trong khi, Cao su Chư Prông cũng có các hoạt động tương tự là phát động và đẩy mạnh phong trào “Vườn rau sạch gia đình”, đây là mô hình khá hay để NLĐ tận dụng quỹ đất nhàn rỗi cải thiện bữa ăn gia đình… Thiết nghĩ, ở mỗi đơn vị cũng cần chọn cho mình một phong trào điển hình, hình thức tuyên truyền đặc trưng, mô hình kinh tế hiệu quả để nhân rộng, đồng thời thường xuyên biểu dương, khen thưởng những cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế của các tập thể và cá nhân.
Như vậy, NLĐ có thể sẽ có thêm một “hậu phương” vững chắc hơn để gắn bó lâu dài với đơn vị, bởi họ chính là “tài sản” là “nguồn sống” để doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững cho hôm nay và mai sau.
VĂN VĨNH
Related posts:
- 234 thiếu nhi tham gia trại hè ngành cao su năm 2024
- VRG hỗ trợ tỉnh Hà Giang 200 triệu đồng khắc phục thiệt hại bão số 3
- Cây cao su về bản
- Kỷ niệm một mùa Xuân
- Ông Huỳnh Kim Nhựt giữ chức Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam
- Kế thừa truyền thống, đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm xây dựng ngành cao su phát triển bền vững
- Các đơn vị khu vực Campuchia: Ra quân khai thác sớm, dự báo một năm khởi sắc
- Lựa chọn những "người thợ cạo ưu tú nhất"
- VRG sẽ ký kết chương trình hợp tác với Hội Nhà báo TP.HCM
- "Cao su Việt Nam" - Giải thưởng của niềm đam mê sáng tạo