CSVN – Tuy đời sống của người lao động đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, song họ không thiếu nguồn lực để phát triển kinh tế gia đình. Cái thiếu là họ chưa biết phát huy, tận dụng hết nguồn lực sẵn có như trồng xen, tận dụng đất đai nhàn rỗi của gia đình để cải thiện đời sống.
Kỳ 1: Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm kinh tế” cho bà con vùng biên
Tích cực xen canh, tăng gia
Trong bộn bề lo toan, khi thu nhập giảm sút vì giá bán mủ thấp, đại dịch Covid -19 bùng phát…NLĐ ở các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên phải tìm cách xoay sở nhằm đảm bảo cuộc sống. Trong điều kiện đó, xen canh hay tăng gia là một giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề.
Niềm nở đón tiếp chúng tôi bên căn nhà mái Thái đang xây dựng dở dang, cặp vợ chồng người dân tộc Thái, anh Hà Văn Cừ và chị Hà Thị Trường đều vào làm công nhân cho Nông trường Bãi Lau – Cao su Sa Thầy từ năm 2013.
Chia sẻ về cuộc sống của gia đình mình từ ngày vào làm công nhân cao su, anh Cừ cho hay: “Vợ chồng chúng tôi vào làm công nhân từ năm 2013, ban đầu cuộc sống hết sức vất vả, nhưng nhờ sự hỗ trợ của công ty cho chúng tôi trồng lúa trong cao su non và khuyến khích chúng tôi phát triển cây điều ở bờ lô hợp thủy. Do vậy, cuộc sống gia đình chúng tôi nhanh chóng được ổn định”.
Không chỉ tranh thủ làm thêm kinh tế dưới tán rừng cao su, chị Trường còn dẫn chúng tôi đến thăm ao cá ngay bên cạnh nhà, vừa đi chị Trường vừa cho biết: “Đây là ao cá đã giúp gia đình chúng tôi rất nhiều vào lúc khó khăn về thực phẩm những năm dịch Covid – 19 bùng phát, nhờ nó và cùng với việc trồng lúa xen trong cao su mà gia đình chúng tôi đã sống tốt trong những ngày tháng khó khăn”.
Với NLĐ ở các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, việc tăng gia sản xuất để cải thiện điều kiện sống cho gia đình giờ đây không còn là chuyện của mỗi gia đình, nó đã trở thành phong trào ở nhiều công ty, là mô hình tiêu biểu trong các tổ sản xuất, là cách để NLĐ vượt qua khó khăn.
Từng được biết đến là thủ phủ hồ tiêu, huyện Chư Sê được xem là địa phương giàu có của tỉnh Gia Lai.
Nhưng khi hồ tiêu rớt giá, nhiều gia đình điêu đứng, trong đó không ít gia đình công nhân cao su.
Để giúp NLĐ từng bước vượt qua khó khăn, Công đoàn và các tổ chức đoàn thể ở các công ty đã đẩy mạnh việc phát động các phong trào làm kinh tế gia đình, tăng gia sản xuất cải thiện cuộc sống, nổi lên trong số đó có phong trào “Vườn rau sạch gia đình” của Cao su Chư Prông, hay phong trào “Giúp nhau làm kinh tế gia đình” ở Cao su Chư Sê…
Trong dòng chảy đó, chúng tôi đến tìm hiểu về sự đổi thay trong đời sống người công nhân dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế gia đình ở tổ khai thác 7, Nông trường Ia Ko thuộc Cao su Chư Sê, nơi 100% lao động là đồng bào dân tộc Jarai và hầu hết đều sinh sống ở làng Su A của xã Ia Ko, huyện Chư Sê.
Chị tổ trưởng Nguyễn Thị Hiền Lương vui vẻ tiếp chuyện và giới thiệu với chúng tôi về anh Rơ Mah Duông, sinh năm 1991 là một gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình với 6 sào lúa, hơn 1ha cà phê và nuôi 6 con bò, 10 con dê.
Trong câu chuyện về làm kinh tế gia đình để vượt qua khó khăn, thoát nghèo, anh Duông chia sẻ: “Lúc mới đi làm công nhân, mình cũng chưa biết làm kinh tế gia đình hay trồng xen lúa, đậu trong cao su tái canh và cũng không biết chăn nuôi thêm đâu, chỉ biết ra lô cạo mủ thôi. Nhưng từ ngày giá mủ thấp, Công đoàn, Đoàn Thanh niên vận động anh em đi trồng xen, nuôi thêm con bò, con gà ở nhà, mình làm theo và sau nhiều năm đàn gia súc, gia cầm nhà mình tăng lên, lúa trong nhà lúc nào cũng có nên cuộc sống từng bước được cải thiện”.
Tận dụng nguồn lực nhàn rỗi
Tận dụng khuôn viên chừng gần 100m² đất trống bên hông nhà, anh Kpă A ở Nông trường Đoàn Kết, Cao su Chư Prông tranh thủ trồng vài luống rau muống, rau ngót, mồng tơi, bầu bí, hành tím…nhằm cải thiện bữa cơm cho gia đình trong điều kiện thu nhập ngày càng eo hẹp do giá mủ thấp.
Kpă A chia sẻ: “Trước đây gia đình mình thường có thói quen hái rau ngoài nương rẫy, nhưng từ ngày Công đoàn công ty phát động phong trào “Vườn rau sạch gia đình” mình đã tích cực tham gia và đến nay vườn rau nhà mình luôn có đủ các loại rau phục vụ bữa cơm gia đình”.
Trong lần đi tiếp xúc công nhân ở Nông trường Bờ Ngoong, Cao su Mang Yang, chúng tôi được chứng kiến anh em tập thể tổ sản xuất 5 tích cực tăng gia trồng rau để cải thiện bữa cơm ca. Vườn rau tuy nhỏ, nhưng khá nhiều loại và có thể đảm bảo rau ăn mỗi ngày cho hơn 20 lao động của tổ.
Nói về việc tận dụng quỹ đất nhàn rỗi để cải thiện bữa ăn, chị Hyun cho hay: “Nhờ có vườn rau xanh mà chất lượng bữa ăn ca của anh chị em chúng tôi được nâng lên. Bữa cơm ngon, no và chất lượng, chúng tôi rất yên tâm mỗi khi ra lô làm việc”. Đây là mô hình hay, tiện lợi làm nâng chất lượng bữa ăn ca lên rất nhiều, mô hình này cũng được nhiều nông trường, công ty áp dụng để cải thiện bữa cơm ca cho công nhân trong điều kiện khó khăn khi giá bán mủ đang ở mức thấp.
Hầu hết, các vườn rau được thiết kế trên diện tích đất nhàn rỗi, trồng đủ các loại rau theo mùa vụ, tưới bằng nguồn nước sạch, không sử dụng thuốc kích thích, không sử dụng thuốc trừ sâu… Nhiều đơn vị như Cao su Chư Prông, Mang Yang, Chư Sê đã xây dựng được nhiều vườn rau sạch, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình công nhân, nhất là công nhân đồng bào dân tộc thiểu số đã hình thành thói quen tự trồng rau tại nhà để chủ động thực phẩm sạch phục vụ bữa ăn.
Không chỉ tận dụng quỹ đất nhàn rỗi, Đoàn Thanh niên các công ty cũng tích cực vào cuộc hỗ trợ đoàn viên của mình từng bước thoát nghèo với những mô hình đơn giản nhưng hiệu quả, như Đoàn Thanh niên Cao su Mang Yang đã hỗ trợ nhiều thanh niên phát triển kinh tế gia đình, trong đó mô hình nuôi heo sọc dưa của anh A Yung là một điển hình.
A Yung, một đoàn viên thanh niên người Bana vào làm công nhân của Nông trường Hòa Bình từ năm 2005, nay đang công tác tại Phòng Thanh tra Bảo vệ quân sự. Dù đã ngoài 30 tuổi nhưng anh vẫn chưa lập gia đình, mải mê làm kinh tế để mong thoát nghèo nhưng chưa biết hướng đi. Biết được trăn trở đó, sau khi tìm hiểu về ý định nuôi heo sọc dưa lai heo rừng của anh, năm 2021 Đoàn Thanh niên công ty quyết định hỗ trợ 30 triệu đồng để thực hiện mô hình.
A Yung cho hay: “Đến nay, mình đã có đàn heo giống và nhiều heo thịt, bán cho các nhà hàng, quán nhậu và anh em trong công ty mỗi khi gia đình có công việc cần đến, thu nhập cũng khá tốt. Lúc trước mình thật sự không biết định hướng cho đến khi có sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên công ty”. Ngoài A Yung phát triển mô hình nuôi heo sọc dưa, Đoàn Thanh niên Cao su Mang Yang còn hỗ trợ anh Phó Đức Tiến, Nông trường K’dang nuôi 100 con gà giống để nuôi gà thả vườn …
Rõ ràng, NLĐ là đồng bào dân tộc thiểu số không thiếu nguồn lực, vấn đề còn lại là biết khơi dậy và hỗ trợ để họ biết cách tận dụng, phát huy nguồn lực nhàn rỗi ngay trong gia đình mình thì chắc chắn đời sống sẽ nhanh chóng được cải thiện.
VĂN VĨNH
(Xem tiếp kỳ 3: Vươn lên làm giàu)
Related posts:
- Cao su Quasa – Geruco tặng sách vở, áo quần mới cho trẻ em vùng khó khăn
- VRG quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu cao hơn năm 2021
- Cao su Mường Nhé - Điện Biên: Nhỏ nhưng nhiều cái "nhất"
- Tinh thần đoàn kết hóa giải khó khăn và thách thức
- Ông Nguyễn Thanh Chung phụ trách Hội đồng Thành viên Cao su Krông Buk
- "Tổ chức sản xuất an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm v...
- Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Mạnh, nhưng đừng... yểu!
- Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020 được chứng nhận cấp Quốc gia: Khẳng định vai trò chủ lực của ...
- Lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Cao su Tân Biên vượt 73,39%
- Trả lương tối thiểu vùng: Khó khăn trong tổ chức thực hiện