(tiếp theo kỳ trước)
Đầu tiên bà con quan sát địa thế, hướng gió và xác định điểm tiến công. Và chọn vài cây tre tốt nhất ngoài bìa để chặt làm cây thang. Các cây tre này được chặt khá dài, trên thân còn để lại các “cựa gà” để làm chỗ đứng. Người ta áp cây tre lên bụi tre và chặt trên ngọn trước, sau đó mới xuống thang và chặt dưới gốc, để chừa trên mặt đất một đoạn dài. Thân cây tre dài khoảng 4 mét, được rút ra và sắp đống lại. Ngọn cây vừa chặt dính với ngọn các cây tre khác nên không rơi xuống đất. Và tuần tự như vậy, người ta thay đổi vị trí của cây thang và tiếp tục chặt trên ngọn rồi chặt dưới gốc.
Người ta tiến công từ 4 phía, từ ngoài vào và lần lần đi vào tới giữa bụi tre. Tất cả sức nặng của các ngọn tre đã chặt dần dần dồn vào các cây tre còn nguyên vẹn, chưa bị cây sà gạt đụng đến. Sau khi định hướng, người ta chặt nốt số 5 – 7 cây tre cuối cùng, thế là cả tán của bụi tre đổ về một phía. Phải mất 5-7 ngày mới hạ được một bụi tre to. Và phải đợi 5-10 ngày cho tre khô trước khi đốt.
Đồng chí Trung nhớ lại rằng người ta có cảm tưởng như là một trận tấn công của giặc. Lửa cháy rần rần, khắp nơi sáng cả một khoảng trời. Tiếng tre nổ như tiếng súng. Tất ca đều bị đốt sạch. Vài ba ngày sau, chỉ còn một lớp tro xám trên mặt đất, dấu vết của lùm tre đã sống nơi này trên nhiều chục năm. Bà con được trả công bằng gạo, muối, cá khô và vải. Tất cả đều quy thành tiền.
Đồng chí Trần Việt Trung đã từng được Tây thuê khai hoang trên vùng Xuân Lộc; đồng chí “bái phục” tài khai hoang rừng tre của đồng bào Thượng, và khẳng định:
“Không có đồng bào Thượng làm công tác khai hoang các rừng tre ở Biên Hòa và ở Thủ Dầu Một, vào thời kỳ đầu, thì không thể xây dựng được các đồn điền cao su trên vùng đất đỏ”.
Ông Ba Chuẩn, nguyên Trưởng phòng kỹ thuật của Công ty Cao su Đồng Nai đã về hưu, năm 1939 đi phu công tra vào đồn điền An Lộc cũng có nhận định như đồng chí Tư Trung: nếu không có đồng bào dân tộc thì không thể nào giải quyết nổi các rừng tre ở Biên Hòa để mở đồn điền cao su.
Đồng chí Trần Liên Hiệp, nguyên Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, vào làm kỹ thuật viên dạy nghề trồng cao su và cạo mủ trong Công ty Michelin cuối năm 1929 và Giám đốc Nông trường quốc doanh cao su Quản Lợi sau ngày giải phóng đã khẳng định: “Không có đồng bào dân tộc với cây xà gạt va cây rựa quắm thì làm gì “chơi” nổi biển tre! Không kể đâu xa nếu không có họ thì chúng tôi cũng không “trị” nổi các bụi tre mọc chen trong cao su, trong thời gian khôi phục các vườn cây hoang hóa của Trà Thanh, Đakia”
Chứng ta có thể trao đổi với các công nhân người dân tộc đang nghỉ hưu trong các nông trường quốc doanh cao su đất đỏ để hình dung công việc khai hoang ngày xưa trong các đồn điền. Một số công nhân người Châu Ro về hưu ở Cẩm Mỹ kể lại: đến năm 1958 – 1959, đồn điền Courrtenay vẫn tiếp tục công việc khai hoang vùng Cam Tiêm (thuộc Courrtenay chứ không phải Cam Tiêm của Ông Quế). Đại bộ phận là rừng tre nên phải sử dụng người dân tộc Châu Ro là chính, vì công việc nặng nhọc và nguy hiểm nên công nhân người Kinh tham gia rất ít. Dụng cụ khai hoang chủ yếu của đồng bào Châu Ro là cái rựa. Những người công nhân có công đầu trong việc khai mở những diện tích đầu tiên của một đồn điền (nhất là đại điền trên đất đỏ) là những người được tuyển mộ tại địa phương, có người ở miền Đông Nam Bộ, có người từ các tỉnh gần của đồng bằng Sông Cửu Long. Trong số công nhân đầu tiên có khá đông đồng bào dân tộc sống trên vùng đất này mà đồn điền đã lấn chiếm của họ. Nhưng một cách công bằng chúng ta phải công nhận vai trò hàng đầu của giám đốc đồn điền, người được ủy quyền xây dựng nó; Ông ta là người phải giải tỏa các khó khăn lớn và nhỏ trong bước đi ban đầu. Vào thời buổi này chưa có cách khoán “chìa khóa trao tay” mà cũng chưa có các dịch vụ như khảo sát, làm luận chứng kinh tế kỹ thuật, thiết kế đồn điền.
Công đầu là của người giám đốc
Nhưng một cách công bằng chúng ta phải công nhận vai trò hàng đầu của giám đốc đồn điền, người được ủy quyền xây dựng nó; Ông ta là người phải giải tỏa các khó khăn lớn và nhỏ trong bước đi ban đầu. Vào thời buổi này chưa có cách khoán “chìa khóa trao tay” mà cũng chưa có các dịch vụ như khảo sát, làm luận chứng kinh tế kỹ thuật, thiết kế đồn điền, cho đến làm dự thảo hợp đồng buôn bán cao su… như các Công ty tư vấn kỹ thuật Terres Rouges (Terres Rouges consultant) hay Michelin, Sodeci… đang hoạt động ở Phi Châu.
Như vây là “thượng vàng hạ cám” đều rơi trên vai của ông giám đốc đồn điền tương lai. Ông ta phải vừa làm quy hoạch, vừa làm công tác chuẩn bị đầu tư. Và cái khó nhất là quản lý lao động công trường. Thường thường ông ta thiếu người làm việc.
Cộng thêm với khó khăn này bệnh tật “ập” đến càng làm cho khó khăn trầm, trọng hơn. Chính ông ta cũng bị sốt rét vì bệnh này không tha một ai, mặc dù ông ta đề phòng đến mức cao nhất. Mặc dù mới dứt cơn sốt, miệng còn đắng ngét, nhưng phải chống ba-toong leo đồi để kiểm tra lại việc phóng đường lô hay viẹc cắt ranh giới các lô cao su tương lai. Việc khai hoang ông ta có thể yên tâm vì đã tuyển mộ được những tay xu, cai đủ tầm cỡ.
Người ta phục tài xốc vác của ông chủ trong việc chỉ huy một công trường phức tạp. Ông ta thành công trong việc chinh phục thiên nhiên, “cắt gọt” không gian thiên nhiên và biến nó thành một không gian địa lý có tên tuổi và địa danh, một địa điểm dân cư, một cơ sở sản xuất. Ông ta đã thành công trong việc thay các cây cổ thụ và rừng tre vô tổ chức bằng các lô cao su ngay hàng thẳng lối, cây đứng thẳng tấp như những hàng lính trên bãi tập.
Bên cạnh thành tích chinh phục thiên nhiên, ông ta còn có thành công thứ hai là việc xây dựng một cơ sở kinh doanh có trật tự, có kỷ luật và hiệu quả. Về nghiệp vụ chuyên môn ông ta được những qui định về nghề nghiệp của công ty hướng dẫn, nhưng về mặt tinh thần ông có công rèn dũa người giúp việc của mình trong việc tôn trọng răm rắp các qui định của cấp trên nếu họ không muốn bị xử phạt.
Đồn điền của ông ta là một kim tự tháp tôn ti trật tự: trên chóp là giám dốc đồn điền, dưới giám đốc là phụ tá giám đốc, là thầy xu – xếp, thầy xu thường, dưới thầy xu là thầy cai; dưới cai là tầng lớp công nhân. Đồn điền của ông ta còn là một cơ sở hành chính khép kín, trong đó giám đốc (ông chủ) có mọi thứ quyền, cả cái quyền bắt giam công nhân và đánh đập họ. Có đồn điền còn có nhà giam tội phạm riêng. Đồn điền nào cũng đều có lính canh gác ngày đêm. Ngay từ đầu, với phong cách “thuộc địa” của mình, ông ta tìm cách xây dựng đồn điền thành “một quốc gia trong một quốc gia” như bọn cai trị ở thuộc địa thường nói.
(xem tiếp kỳ sau)
CSVN
(trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”)
Cao su đại điền – Hình thành và phát triển
Related posts:
- Khai mạc hội diễn "Tiếng hát công nhân cao su" khu vực II
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- “Nghệ sỹ khôngchuyên” ngành cao su
- Nét độc đáo ngôi chùa Tổng thống Obama ghé thăm
- Hương sắc vùng cao ở cao su Đồng Phú
- Lẩu trâu: Món ngon nhớ lâu
- Cao su Bà Rịa tổ chức giải bóng đá mừng Xuân 2022
- Nơi lưu giữ nhiều hiện vật về cao su
- Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam
- Hội diễn tạo động lực thi đua lao động sản xuất