Thời kỳ vàng son nhờ kế hoạch Stevenson

(tiếp theo kỳ trước)

Các  đồn  điền  lớn,  trung  bình  và  nhỏ  đều gặp khó khăn và dần dần các cơ sở có cách giải quyết riêng của mình. Những người sản xuất nhỏ (người bản xứ) thì ngưng cạo mủ cao su và đi tìm công việc khác.

Đối với các “chủ cao su ngày chúa nhật” thì là một tai vạ; người làm công không được trả lương vì cao su không bán được vì chủ không có tiền, nên một số sở đành phải bỏ hoang hóa, mà vườn cao su không có người trông nom chăm sóc thì dễ dàng bị điêu tàn vì cỏ dại, nhất là cỏ tranh lấn át, hỏa hoạn xảy ra. Nhiều đồn điền của ngoại kiều, loại nhỏ và vừa bị đóng cửa hay bán đổ bán tháo cho các dồn điền lớn bên cạnh hay cho người Việt Nam hay Hoa kiều muốn thử thời thử vận.

Người Pháp giám sát công nhân ở nhà máy chế biến

Trong lúc này, vay tiền ngân hàng rất khó khăn. Ngân hàng lo mất vốn một phần, nhưng chủ yếu là ngân hàng không có vốn dự trữ do phải cung ứng cho quốc phòng.

Thế đấy, sau 1910 người Sài Gòn hồ hởi vì cao su bao nhiêu thì bây giờ “ê ẩm” vì cao su bấy nhiêu. Trước đây, làm ông chủ, bà chủ đồn diền cao su là oai lắm, bây giờ mọi người đều chán ngấy với cao su!

Các đồn điền lớn thì bình tĩnh hơn, nhờ có các nhóm tài phiệt làm hậu thuẫn, nhờ họ dựa vào nhiều thế lực ở chính quốc cũng như ở thuộc địa. Họ cũng kêu cứu và xin chính phủ giúp đỡ về tài chính. Họ viện chứng trường hợp của các đồn điền cao su Malaysia trong cơn nguy khốn, sắp bị phá sản, thì chính phủ nước này cho các đồn điền vay với lãi suất thấp 3% một năm. Nhờ đó mà các đồn điền cao su Malaysia tiếp tục đứng được trước cơn phong ba. Ở Nam Kỳ, chính quyền thuộc địa và chính phủ Pháp đều thấy nguy cơ sụp đổ của một số đồn điền, nhưng sau chiến tranh nước Pháp suy yếu đang nhờ vào các thuộc địa dể hàn gắn vết thương chiến tranh, nên do dự. Cuối cùng sau 2 năm cứu xét, chính quyền đứng ra bảo lãnh để Nhà băng Đông Dương cho các đồn điền vay với lãi suất 5%/năm. Tiếp sau, Nhà nước còn đặt ra chế độ cho vay có hoa hồng cho cao su xuất khẩu, lãi suất 3%/năm. Nhờ sự giúp đỡ không lớn của Nhà nước, các đồn điền, nhất là đồn điền lớn sống được để chờ cao su lên giá.

Kế hoạch Stevenson ra đời, Hà Lan từ chối không tham gia. Việc Hà Lan vì lợi riêng mà phản  lại  quyền  lợi  chung  của  các  nước  sản xuất  cao  su  thiên  nhiên  đã  làm  cho  kế  hoạch Stevenson suy yếu ngay từ đầu. Mặc dù Hà Lan và các thuộc địa của họ làm giàu trong khi các nước  khác  phải  thắt  lưng  buộc  bụng  hạn  chế xuất khẩu cao su của mình, người ta đánh giá thấp thái độ cơ hội của nước này.

Kế hoạch Stevenson có nhiều mặt yếu kém, nhưng nó cũng đã mang lại hiệu quả tích cực mà mọi người đều mong chờ (kể cả chính phủ Hà  Lan  và  Indonesia)  là  nâng  dần  giá  cao  su lên, bắt đầu từ năm 1922, đạt đỉnh cao nhất năm 1925. Tại thị trường Paris, giá cao su năm 1921 là 2,40 Francs 1 kg, vọt lên 8,10 Francs năm 1925 tức là tăng trên 3 lần.

Kế hoạch Stevenson không đụng chạm đến cao su Việt Nam vì lúc ấy sản lượng cao su của Việt Nam mới đạt 8000 – 9.000 tấn. Trái lại kế hoạch Stevenson đã tạo cho cao su Việt Nam (và Đông Dương) một thời kỳ vàng son, một giai đoạn khởi sắc thực sự trong lịch sử cao su trên đất nước này.

Ở Việt Nam, “không khí cao su” lại nóng lên nhất là ở Sài Gòn – Chợ Lớn.  Những sở cao su loại vừa và nhỏ trụ lại được sau đợt tụt giá thảm hại vừa qua, đang làm cho mọi người dòm ngó, vừa khâm phục, vừa ghen tị. Các cơ sở này có tác dụng hâm lại nhiệt huyết của dân Sài Gòn – Chợ Lớn đối với cây cao su. Người nào cũng muốn trở thành ông chủ, bà chủ đồn điền cao su. Đâu đâu người ta cũng bàn về sự hồi sinh của các đồn điền cao su và phen này người ta tin rằng làm cao su là ăn chắc. Có thể nói những người “ê ẩm” vì cây cao su đầu thập kỷ 20, bây giờ là người hăng hái nhất.

Người ta tìm mua đồn điền cao su, xấu tốt gì cũng mua, mắc rẻ gì cũng mua. Mua cho được vì giá cao su cứ tăng lên. Nhờ đó mà cây cao su có giá, nhờ đó mà các sở cao su ở “vùng sâu vùng xa” cũng được người thành phố đến thăm và hỏi giá. Các ông chủ, bà chủ cao su “ngày chúa nhật” lại xuất hiện đông đảo hơn xưa.

Người  ta  tìm  cách  kiến  tạo  đồn  điền  cao  su,  vì vậy  đất  hoang  có  giá.  Các  cơ  quan  quản  lý  và  xét cấp  quốc  gia  công  thể  trước  đây  vắng  như  “chùa bà Đanh”, bây giờ tấp nập như phiên chợ sắp đông. Nhưng các người Pháp có vốn, đã chán ngán cái thủ tục lề mề của chính quyền thuộc địa, một năm chỉ xét đơn một lần, nên họ chạy đi đấu thầu mua đất rừng và đất còn hoang hóa do Nhà nước quản lý để trồng cao su. Những tay “lính Tây” người Pháp giải ngũ tại Việt  Nam  được  Nhà  nước  Pháp  trả  ơn  bằng  cách cấp không 50 ha đất quốc gia công thể dã có dịp thu được món “lộc trời cho”. Người ta giành giật nhau để mua đất theo cách đấu thầu, có khi đến 30 đồng Đông Dương,  thậm  chí  50  đồng/1  ha,  trong  khi  đất  Nhà nước cấp theo tô nhượng chỉ mất có 0,2 đồng Đông Dương/ ha tức là cao hơn 150 đến 250 lần. Đắt thì đắt, người ta cứ nhảy vào vì không ai muốn một lần nữa mình lại “nhỡ” con tàu… làm giàu ! Trong nhóm người này, người ta thấy có Ngân hàng Đông Dương, nhóm tài chính Octave Homberg, nhóm SICAF, nhóm Công ty Thương mại Viễn Đông…

Các công ty cao su và đồn điền lớn tồn tại và đang hồi phục. Họ đang ung dung chờ đợi sự phồn vinh sau khi đã chịu đựng nhiều gian khổ. Các cổ phiếu đồn  điền  tăng  vọt.  Công  ty  Nông  nghiệp  Suzannah thành lập với cổ phần mệnh danh 100 Francs năm 1907, tháng 6 năm 1925 bán ra với giá 2040 Francs và 6 tháng sau đã tăng lên 7950 Francs. Tháng 12 năm 1925 Công ty cao su Đông Dương bán cổ phiếu mệnh danh 100 Francs với giá 2340 Francs, Công ty Terres Rouges 1463 Francs, Công ty cao su An Lộc 2250 Francs… Vốn của các công ty tăng từ 14 đến 22 lần.

Nhưng dần dần người ta trở nên bình tĩnh hơn, một phần cũng do giá cao su tụt so với năm 1925, nhờ đó giá cổ phiếu giảm đến mức phải chăng. Năm 1927 giá cổ phiếu của công ty An Lộc chỉ còn 1230 Francs, Công ty Terres Rouges 965 Francs, Công ty cao su Đông Dương 1780 Francs… Nhiều người “phát” nhờ cổ phiếu, cũng như nhiều người tán gia bại sản vì cổ phiếu. Một điều chắc chắn là cao su Việt Nam (và Đông Dương) đã được lên ngôi, địa vị của cây cao su đã được củng cố. Các nhà tư bản ở tận nước Pháp đã nắm bắt được nguồn lợi nhuận kết xù này của các nước thuộc địa Đông Dương mà từ lâu họ đã không quan tâm lắm: các đồn điền cao su.

Khi kế hoạch Stevenson bắt dầu có hiệu lực, giá cao su cũng bắt đầu nhích lên, vốn đầu tư vào cao su từ 2 nguồn, tại chỗ và chính quốc, cũng phần nào dồi dào hơn. Chúng tôi không có số liệu chính xác về diện tích cao su trồng mới ở Đông Dương (và Việt Nam)  trong  giai  đoạn  thực  thi  kế  hoạch  Stevenson (1/11/1922 – 1/11/1928), mà chỉ dựa vào số liệu của H. Berland, trong bài L’ Heveaculture en Indochine (Les CAHIERS de L’ IRCI – Tập. II – 1946) để tìm hiểu tầm vóc sự khởi sắc của cao su Đông Dương (và Việt Nam), tầm vóc của thời kỳ vàng son của ngành cao su trong giai đoạn thi hành kế hoạch Stevenson.

Năm 1925, diện tích cao su Đông Dương là 40.000 ha, như vậy trong năm này, diện tích trồng mới có thể lên đến 14.000 ha.

Năm 1926 diện tích cao su đạt: 52.300ha Năm 1927 diện tích cao su đạt: 66.700ha Năm 1928 diện tích cao su đạt: 75.700ha Năm 1929 diện tích cao su đạt: 83.500ha

Trong 4 năm (1926 – 1929), diện tích cao su trồng mới đạt 43.500 ha. Có thể nói đây là thời kỳ trồng mới lớn nhất của cao su Đông Dương, trong 4 năm đã trồng bằng 20 năm về trước. Và nếu đối chiếu với số diện tích cao su năm 1934 (trước khi bước vào thời kỳ cấm trồng mới của Công ước 1934) là 125.000 ha, thì trong thời gian thực thi kế hoạch Stevenson, trong 4 năm, diện tích trồng mới bằng 1/3 diện tích của toàn bộ cao su Đông Dương lúc bấy giờ. Đó là một mặt tích cực của kế hoạch Stevenson đối với nước ta và Campuchia.

Nhưng đối với chúng ta, thời kỳ vàng son do kế hoạch Stevenson tạo ra rất ngắn ngủi. Giá cao su thế giới được nâng lên nhờ các nước trồng cao su trừ Indonesia  hạn  chế  xuất  khẩu.  Hoa  Kỳ  là  nước  tiêu thụ nhiều cao su nhất đã phản đối kịch liệt kế hoạch Stevenson và đe dọa một cuộc chiến tranh về nguyên liệu với đế quốc Anh. Đế quốc Anh, tuy có tiếng là “lạnh  như  tiền”  cũng  bắt  đầu  lo  và  cuối  cùng  Anh quốc là nước chủ xướng kế hoạch Stevenson chiều ngày 4/4/1928, trước Quốc hội Anh, đã đơn phương tuyên bố đình chỉ hoạt dộng của kế hoạch này, kể từ 1/11/1928.

Trước  thời  điểm  này,  từ  tháng  4  năm  1926,  giá cao su đã bắt đầu tụt dài cho đến tháng 4 năm 1928, chỉ còn bằng giá cao su thời cao điểm năm 1925. Tình hình trở nên hỗn loạn.

(còn tiếp)

CSVN

(trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”)

Từ cuộc bùng nổ cao su 1910 đến cuối kế hoạch Stevensonhttp://tapchicaosu.vn/2022/06/23/tu-cuoc-bung-no-cao-su-1910-den-cuoi-ke-hoach-stevenson/