CSVNO – Hành trình cao su lên Tây Bắc càng gian khó lại càng thấy trân quý những giá trị ngày hôm nay, một cái kết có hậu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, việc VRG đầu tư phát triển cao su tại khu vực Tây Bắc được xem là một cuộc cách mạng làm thay đổi nếp làm việc, thay đổi phong tục tập quán trong sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương.
Thực tế sau gần 15 năm, “cuộc cách mạng” mà Tổng Bí thư nhắc đến có thể khẳng định đã thành công. Tỉnh Lai Châu là một minh chứng điển hình.
Hành trình xây dựng lòng tin
Lai Châu bây giờ là thủ phủ cao su với diện tích khoảng hơn 13.000 ha, lớn nhất các tỉnh trong khu vực Tây Bắc. Kể từ Lễ mở miệng khai thác 72 ha mủ cao su ở Nông trường Lùng Thàng vào năm 2016 để “khơi dòng vàng trắng đầu tiên chảy trên đất Lai Châu” rồi sau đó là là nhiều diện tích khác lần lượt bước vào chu kỳ khai thác đã là một sự đảm bảo về sự thành công của cây cao su nơi mảnh đất cuối trời Tây Bắc.
Tuy nhiên, 15 năm cuộc hành trình của cây cao su ở Lai Châu không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh tế.
Nếu Lai Châu là thủ phủ cao su của Tây Bắc thì Sìn Hồ là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh, xấp xỉ 10.000 ha cao su đại điền. Xuôi theo bờ những dòng sông Nậm Na, sông Đà của 11 xã vùng thấp huyện Sìn Hồ hôm nay là những bản làng người Mông, người Thái, người Dao, người Khơ Mú nằm san sát ven sông, dưới chân những đồi cao su bạt ngàn, xanh thẫm. Khang trang, yên bình và no đủ. Rất nhiều xã tái định cư nhờ cao su trở thành những xã nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần đồng bào nơi đó tốt hơn nhiều lần so với nơi ở cũ.
Ông Lê Trọng Quảng, người có hơn 10 năm làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, rất tâm huyết và có nhiều đóng góp để đưa cây cao su lên với đồng bào chia sẻ: Đó mới là thành tựu lớn nhất mà “cuộc cách mạng” cao su ở Tây Bắc mang lại. Tất nhiên đã gọi là cách mạng thì chắc chắn phải gian lao, khổ ải rồi, nhưng thành quả cũng vì thế mà hết sức vẻ vang.
Trong ký ức của ông Quảng, Lai Châu những năm 2007 đến 2009, mới chỉ sau mấy năm tách ra từ Điện Biên, vẫn là tỉnh xa xôi nhất, nghèo khó gian khổ nhất đất nước. Đặc biệt là ở những vùng dọc hai bờ sông Đà và sông Nậm Mu, nơi sinh sống của hàng vạn đồng bào người Thái, người Khơ Mú, người Mảng, người Dao, người Cống, người Si La…
Cơ sở hạ tầng không có, đời sống đồng bào chủ yếu vẫn theo lối nguyên thủy, du canh du cư, phát nương làm rẫy cùng với những mùa đói triền miên. Mỗi bận cán bộ xuống bản công tác phải cơm nắm cơm gói đi bộ mất vài ngày. Cũng băn khoăn, trăn trở lắm, nhưng làm gì để đời sống đồng bào đỡ khó khăn, vất vả, ổn định sản xuất vẫn là bài toán treo lơ lửng năm này qua năm khác.
Nhất là thời điểm công trình thủy điện Sơn La khởi công. Lúc ấy “bài toán” đã không còn là của riêng Lai Châu mà còn là của Điện Biên, Sơn La, cao hơn là của Đảng, của Chính phủ, Quốc hội. Hơn 23.000 hộ, mấy mươi vạn dân phải nhường quê hương bản quán, nhường đất đai canh tác cho công trình lịch sử của quốc gia. Nơi ở mới, sinh kế, cuộc sống của đồng bào phải giải quyết ra làm sao?
“Nhắc nhớ xa xôi một tí để khẳng định rằng sứ mệnh của cây cao su lên Tây Bắc không chỉ là bài toán kinh tế đơn thuần mà nhiệm vụ chính là gắn với tái định cư, ổn định đời sống đồng bào. Chính vì vậy, dù có nhiều ý kiến trái chiều thậm chí là phản đối, chỉ trích của không ít lãnh đạo Trung ương, các nhà khoa học, các nhà phản biện, nhưng đó là chủ trương không thể không làm và phải làm bằng tinh thần của một cuộc cách mạng”, ông Quảng nhớ lại.
Có lẽ lời ông Quảng không có gì là quá, bởi nếu không phải “làm bằng tinh thần của một cuộc cách mạng” chắc chắn không thể nào vượt qua nổi quá nhiều gian lao như thế.
Ông Quảng kể, mới có chủ trương thôi mà ‘họ” đã phản đối loạn lên rồi. Nào là cao su Tây Bắc không có trong quy hoạch chung, địa hình, thời tiết Tây Bắc không trồng cao su được… Thậm chí khi có chủ trương dẫn các nhà phản biện sang bên kia biên giới phía Bắc, nơi người Trung Quốc đã trồng cao su thành rừng trên điều kiện đất đai, khí hậu tương đồng với Tây Bắc thì cũng có ý kiến “chắc là họ trồng để phủ xanh đất trống đồi trọc thôi”.
Những năm đầu cao su lên Tây Bắc, đất đai là vấn đề khó khăn. Ngay khi cả hệ thống chính trị của tỉnh Lai Châu đang căng sức để cùng với các công ty cao su vận động đồng bào góp đất thì ngay trên sóng phát thanh quốc gia người ta mở một cuộc đối thoại về chính sách. Họ mời lãnh đạo Tập đoàn Cao su, lãnh đạo tỉnh ngồi cùng “mổ xẻ” với các nhà phản biện. Có một ông tiến sĩ nói ngay trên sóng “nếu tôi là đồng bào sẽ không đời nào góp đất trồng cao su bởi vì cây cao su không thể nào thành công trên đất Tây Bắc được”. Giận tím người nhưng cũng phải cắn răng vì thực tế vẫn đang còn dang dở. Thực tế rồi sẽ là câu trả lời thỏa đáng với các ông.
Khó khăn “vặt” như thế cũng chưa là gì bởi trồng cao su Tây Bắc là quyết tâm chính trị, xây dựng niềm tin với đồng bào mới gian nan. “Cách mạng” là ở chỗ này. Tổ chức một hình thái kinh tế hoàn toàn mới, trong một không gian sinh sống rộng lớn của đồng bào quả thật là vấn đề không hề đơn giản.
Có những mùa mưa Tây Bắc, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng với anh em cao su dựng lán lều giữa rừng, không điện, không nước, không sóng điện thoại để đi vận động đồng bào góp đất, cuốc hố, làm công nhân cao su. Chỉ tiêu trên giao trồng 1.000 ha năm đầu tiên nhưng đến nhà nào dân cũng lắc đầu từ chối. Tập quán của đồng bào miền núi rất khác. Bao đời nay làm nương, làm rẫy, đồng bào thích thì làm không thích thì nghỉ, làm ngày nào phải có tiền ngày đó, cuối ngày rủ nhau làm trận rượu, say nhòe mất mấy hôm. Bây giờ vận động họ đi làm công nhân, vào nề nếp, quy củ quả là gian khó.
Người đồng bào cứ phải thấy tận mắt thì mới tin. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Minh Quang phải ra chủ trương đưa cán bộ, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang đi trồng cao su để đồng bào thấy. Có những thời điểm hàng mấy nghìn người bám trụ giữa núi đồi hàng tháng trời, năm nào cũng phải huy động một vài tiểu đoàn năm sáu trăm quân lên hỗ trợ. Mùa mưa cuốc hố, vận chuyển vật tư, giống má, phân bón, leo đường đất nhầy nhụa lên đồi trồng cao su, chỉ mấy cây số thôi mà mất cả ngày mới tới. Mùa hạ nóng như nung, gió Lào bỏng rát, đêm đêm muỗi nhiều như trấu vẫn phải cố nhắm mắt mà trụ, những trải nghiệm khó có gian khổ nào bằng.
Phải mất vài năm, những mùa xuân sau đó, khi những chồi non cao su mọc lên mơn mởn giữa đất trời, người đồng bào mới lác đác xin vào làm công nhân thử xem sao. 15 năm, cả Tây Bắc bây giờ đã có khoảng gần 5.000 công nhân cao su, hơn 95% trong số họ là đồng bào dân tộc bản địa, cùng với đó là hàng nghìn, hàng vạn người góp đất đang sống khỏe nhờ cao su.
Cái kết có hậu
Ông Lê Trọng Quảng nhiều lần nhấn mạnh với tôi, hành trình cao su lên Tây Bắc càng gian khó mới thấy trân quý những giá trị ngày hôm nay. Một cái kết có hậu.
Công ty Cổ phần cao su Lai Châu có hơn 1.200 công nhân, trải đều trên 6 nông trường: Phong Thổ, Lùng Thàng, Nậm Tăm, Noong Hẻo, Căn Co, Nậm Quẩy. Gần 100% là người đồng bào tại chỗ. Theo kế hoạch của năm 2022 này công ty sẽ nâng tổng số diện tích khai thác đạt hơn 5.800 ha và sản lượng 7.000 tấn mủ, tổng doanh thu dự kiến hơn 258 tỷ. Năm vừa rồi đã chi trả 17 tỷ đồng tiền góp đất và 63 tỷ đồng tiền lương công nhân cạo mủ trong chu kỳ, dự kiến năm nay mức lương công nhân sẽ tăng lên khoảng 4,7 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, với tổng chi phí gần 730 tỷ đồng đã đầu tư vào Lai Châu, đến nay Công ty Cổ phần cao su Lai Châu II đã có hơn 4.700 ha cây cao su đứng, hơn 1.000 công nhân lao động là đồng bào dân tộc tại chỗ với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tiền lương theo doanh thu, tiền phần trăm góp đất, người lao động còn có các nguồn thu nhập khác từ tiền thưởng, chăn nuôi, trồng xen, làm kinh tế trang trại, góp phần tăng tổng thu nhập và từng bước ổn định đời sống. Năm nay công ty sẽ khai thác hơn 3.300 ha với sản lượng lượng dự kiến 3.150 tấn mủ, doanh thu khoảng hơn 113 tỷ đồng.
Tôi theo chuyến xe của Công ty Cổ phần cao su Lai Châu II chở đúng một bao tải tiền từ thành phố Lai Châu vượt gần 100 km Tỉnh lộ 128, xuôi bên dòng Nậm Na xuống mạn thủ phủ cao su Sìn Hồ.
Hôm ấy là ngày công ty chi trả tiền góp đất và tiền lương cho công nhân đồng bào. Người Mông trên Tủa Sín Chải, Làng Mô, Tả Phìn xuống, người Thái dưới Chăn Nưa lên thành không khí không khác gì ngày hội. Nguyễn Hữu Phước, Phó Tổng Giám đốc công ty nói, muốn biết đổi thay của cao su Tây Bắc như thế nào anh cứ xuống những bản làng quanh các nông trường Chăn Nưa, Pú Đao, Nậm Nhùn, Nậm Na là rõ nhất.
Phóng chiếc xe máy mới tinh còn chưa lắp biển vào sân Nông trường Chăn Nưa, Vàng A Lầu, người Mông trên bản Phi Én, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ hồ hởi điểm chỉ vào danh sách nhận tiền góp đất, tiền công nhân của tháng cạo mủ đầu tiên trong năm. Với đồng bào trồng cao su trên đây, A Lầu là người nổi tiếng vì tròn 10 năm trước gã là người chặn xe ô tô ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Lai Châu II lúc đó để… xin tiền.
“Tại vì lúc ấy có gì đâu. Muối còn không có mà ăn đấy. Thấy xếc (sếp) vận động góp đất, đi làm công nhân cao su, không có tiền làm giấy tờ phải xin thôi”, A Lầu cười hiền. Chính từ những đồng tiền xin “xếc” ấy, A Lầu đã mua được 12 chiếc xe máy, bây giờ trong nhà có 7 người làm công nhân cao su. Mỗi bận kế toán công ty xuống phát lương, A Lầu lại ra điểm chỉ rồi xách một lúc mấy chục triệu đồng về.
Cũng nhờ góp đất trồng cao su, làm công nhân năm vừa rồi Hoàng Văn Bình ở bản Chiềng Nưa, xã Chăn Nưa được bay vào Sài Gòn dự hội nghị tuyên dương công nhân điển hình. Bình nói, cũng chính nhờ cao su mà hai vợ chồng anh có thể lo cho con đi học đại học dưới Hà Nội, mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình như xe máy, máy giặt, tủ lạnh, ti vi… Cả bản Chiềng Nưa đời sống bây giờ rất khá giả, cuối năm đa số dân bản đều có dăm bày chục triệu gửi ngân hàng. Nhà nào cũng sắm ít nhất 2 xe máy, một chiếc đi làm một chiếc đi chơi.
Rồi cả những Nậm Nhùn, Mường Tè, có những bản làng trước đây gian khổ, nghiện ngập đến mức khi vận động góp đất trồng cao su chỉ toàn phụ nữ. Đàn ông hoặc là nghiện ma túy chết sớm, hoặc say sưa tối ngày, vậy mà bây giờ nhà nào nhà nấy đều có của ăn của để.
Trân quý từng gốc cây, nhát cạo
Quanh các nông trường cao su ở Sìn Hồ giờ đây là những bản những làng gần như nhà nào cũng có người làm công nhân cao su. Những xóm nông trường. Nề nếp và qui củ. Đều đặn mỗi ngày, từ 3 – 4 giờ sáng dân bản lại kéo nhau lên đồi cạo mủ. Nhìn lịch cứ tưởng thế là vất vả nhưng hóa ra không phải. Chị Điêu Thị Hoài, công nhân người Thái ở bản Chiềng Chăn nói: Tính ra một ngày chỉ làm khoảng 4 tiếng thôi, thời gian còn lại làm việc nhà thoải mái, tính ra thu nhập còn gấp nhiều lần đi làm công nhân bên Trung Quốc.
Cây cao su đã thay đổi hoàn toàn tập quán canh tác của đồng bào rồi anh ạ, Phó tổng Nguyễn Hữu Phước tâm sự. Có nhiều bản làng trước đây tệ nạn xã hội rất nhiều, rượu chè, cờ bạc, chích hút nhưng kể từ khi làm công nhân cao su thì đều thay đổi. Như anh thấy đấy, cao su bây giờ là nguồn sống của đồng bào nên họ quý từng gốc cây, quý từng nhát cạo và kỷ cương khiếp lắm. Công ty qui định lần thứ nhất bỏ cạo sẽ bị cảnh cáo, lần thứ hai sẽ bị lập biên bản, lần thứ ba sẽ tịch thu lô. Mấy năm gần đây không có ai vi phạm cả. Cả hai xã công ty cao su đứng chân là Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) và Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn) đều là những xã nông thôn mới đầu tiên của huyện.
“Những năm trước rất nhiều đồng bào khu vực biên giới thường sang Trung Quốc làm thuê. Họ so sánh làm cao su chỉ được khoảng 170 nghìn đồng/ngày, trong khi sang bên kia kiếm được gần gấp đôi. Nhưng tính toán kỹ mới thấy người đi thường chẳng tích cóp được gì, người ở lại có của ăn của để. Thế là quay lại xin làm công nhân cao su hết”, Nguyễn Hữu Phước nói.
theo Hoàng Anh (Nông nghiệp Việt Nam)
Bài 1: 15 năm ấy biết bao nhọc nhằn
Related posts:
- VRG phấn đấu lợi nhuận năm 2022 đạt 6.480 tỷ đồng
- Cao su Dầu Tiếng tặng quà công nhân lao động ngoại tỉnh Nông trường Long Hòa
- Tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi
- Kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid -19
- Cơ khí Cao su tổ chức vui Tết cho người lao động
- Cao su Sa Thầy về đích sớm 44 ngày nhờ thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ
- Chuyên gia đề xuất cao su Malaysia cần thay đổi mô hình kinh doanh
- Cao su Bắc Trung bộ vượt lên bão lũ, ổn định sản xuất kinh doanh
- Đại hội Đảng bộ Công ty CP ĐT&PT Cao su Nghệ An lần thứ II: Nhiệm kỳ khẳng định và tin tưởng
- Xây dựng cơ chế thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới