Triển vọng năng suất vườn cây khu vực Lào, Campuchia

CSVN – Những năm gần đây, Câu lạc bộ (CLB) 2 tấn/ha của VRG ghi nhận thêm nhiều đơn vị gia nhập, trong đó nổi bật là những đơn vị đạt năng suất 2 tấn/ha chỉ sau vài năm khi đưa vườn cây vào khai thác ở khu vực Lào và Campuchia. Có thể kể đến những điển hình như Cao su Việt Lào, Cao su Bà Rịa  Kampong Thom, Cao su Chư Sê  Kampong Thom.

Tổng diện tích cao su của các đơn vị trực thuộc VRG tại Lào và Campuchia hơn 114.615 ha, trong đó diện tích khai thác là 95.846 ha. Với những điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng và cơ cấu giống trồng phù hợp, vườn cây cao su tại khu vực Lào và Campuchia đạt năng suất như kỳ vọng.  

Vườn cây cao su tại Lào.
Nhiều điều kiện thuận lợi giúp vườn cây đạt năng suất cao

Vườn cây cao su đầu tiên của Công ty CPCS Việt Lào bắt đầu chính thức được trồng tại nước bạn Lào. Đây cũng là dự án đầu tiên của VRG đầu tư ra nước ngoài. Từ dấu mốc này, các dự án khác lần lượt được triển khai, đến năm 2010, diện tích cao su của VRG tại Lào ổn định ở mức khoảng 26.000 ha. Đây cũng là thời điểm Cao su Việt Lào đưa vườn cây vào khai thác, 5 năm sau, công ty là đơn vị đầu tiên ở nước ngoài tham gia CLB 2 tấn/ha của VRG.

Tính đến thời điểm này, ngoại trừ các diện tích dự án nhỏ khu vực Bắc – Trung Lào thì hầu hết gần 20.000 ha của toàn khu vực đã nằm trong giai đoạn đầu nhóm 2 thu hoạch mủ (có tuổi cạo từ 10 – 14). Đây là giai đoạn năng suất đỉnh điểm của toàn chu kỳ kinh doanh cao su 17 – 23 năm. Trong định hướng kế hoạch sản xuất 2022 – 2030, Lào vẫn đang là khu vực có năng suất bình ổn ở mức cao tương đối những năm đầu, xong việc giữ vững năng suất trong giai đoạn chuẩn bị tái canh chu kỳ 2 là nhiệm vụ khó khăn cho những năm cuối.

Các dự án cao su trực thuộc VRG tại khu vực Campuchia triển khai thực hiện chậm hơn dự án tại Lào 3 năm. Năm 2007, vườn cây cao su bắt đầu trồng ở Cụm 1 – Tân Biên Kampong Thom, năm 2008 ở Cụm 2 – Đồng Nai Kratie và Đồng Phú  Kratie, cao điểm là từ 2010 – 2013, ổn định ở mức 85.000 ha cao su. Đến năm 2019, Cao su Bà Rịa  Kampong Thom là thành viên CLB 2 tấn.

Hiện nay, hơn 10.000 ha cao su kinh doanh của các đơn vị khu vực Campuchia bước vào giai đoạn năng suất cao, hầu hết vẫn đang ở giai đoạn cuối nhóm I thu hoạch mủ (tuổi cạo từ 7 – 9 ) vẫn còn tiềm năng năng suất cao của chu kỳ kinh doanh cao su 17 năm. Tầm nhìn đến năm 2030, Cụm 1 Kampong Thom đang là khu vực thuận lợi nhất và có chiều hướng sớm đạt tiệm cận năng suất cao của chu kỳ kinh doanh, đây cũng là khu vực có tổng diện tích vườn cây cao su trên 50.000 ha cao su (chiếm 60% diện tích cao su khu vực Campuchia).

Lãnh đạo, các ban chuyên môn Tập đoàn và các công ty cao su khu vực Campuchia tham quan mô hình Đội 3, NT Ou Tuek Thla, Cao su Bà Rịa Kampong Thom vào tháng 12/2021

Ông Phạm Hải Dương – Trưởng ban Quản lý kỹ thuật VRG cho biết: “Ngoài yếu tố thực hiện chăm sóc, quản lý và khai thác vườn cây theo đúng QTKT VRG ban hành thì các đơn vị ở khu vực Lào và Campuchia có những điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng đất đai, khí hậu tương đối phù hợp với vùng truyền thống phát triển cao su giúp cho năng suất vườn cây ở chu kỳ đầu tiên có thể đạt mức tốt. Bên cạnh đó, công tác quản lý sản xuất thu hoạch mủ đông tại lô (khác với hình thức thu mủ nước trước đây) là cơ hội cho hệ thống kỹ thuật có điều kiện ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhanh nhất và phù hợp với tập quán của NLĐ địa phương, giúp tổ chức quản lý thu hoạch đúng tiềm năng sản lượng vườn cây tại vùng dự án mới phát triển, trong điều kiện đã có kinh nghiệm phát triển cao su truyền thống trước đây”.

Phải đảm bảo “cơ cấu vàng”

Việc xây dựng và giữ gìn, nâng cao năng suất vườn cây không phải chỉ thực hiện trong thời gian ngắn mà cần một sự chuẩn bị chu đáo và quá trình lâu dài. Do đó, VRG đã có những định hướng cụ thể cho hai khu vực tại nước ngoài này. Các đơn vị phải chủ động xây dựng lộ trình khai thác và tái canh vườn cây sớm, trong đó chấp nhận một số diện tích tái canh sớm trước khi hết khấu hao chu kỳ 1 để đảm bảo tỷ lệ cơ cấu vàng của khu vực, cụ thể diện tích tái canh từ 3 – 5%, KTCB 30% và khai thác 70%.

Từ thực tế những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Lào và Campuchia khác so với ở Việt Nam, qua nửa chu kỳ đầu tư, các đơn vị phải cần có nghiên cứu rút kinh nghiệm, chọn giống để tái cơ cấu chu kỳ 2 hợp lý và hiệu quả hơn.

Định hướng chung của việc phát triển cao su tại Lào và Campuchia của VRG đó là thực hiện 2 chu kỳ cao su hiệu quả với diện tích đã hợp đồng tô nhượng với địa phương có thời gian cho thuê đất ít nhất từ 40 năm trở lên để đảm bảo hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, định hướng các đơn vị ứng dụng ngay các giải pháp kỹ thuật tiên tiến mới nhất theo QTKT năm 2020 và Bộ cơ cấu giống 2021 – 2026, định hướng đến 2030 VRG đã ban hành để có vườn cây chất lượng ngay từ đầu trong chu kỳ 2.

Nhằm đảm bảo tiêu chí quan điểm phát triển bền vững, ban chuyên môn cũng định hướng các đơn vị tại hai khu vực này tái canh bằng mô hình xen đai bảo vệ, xen cây gỗ lớn phù hợp để vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa xây dựng diện tích tỷ lệ cây rừng xen phủ đảm bảo tính ổn định về cân bằng đa dạng sinh học cho môi trường và thêm nhiều sản phẩm (gỗ – thân thiện môi trường) có giá trị đóng góp cho phát triển xã hội tương lai.

Về nhóm giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng: Đối với khu vực Lào, với 50% diện tích kinh doanh ở tuổi 8 – 10 (chủ yếu là Cao su Việt Lào), cần có kế hoạch chuyển úp hiệu quả với một số vườn tuổi 8 có thể tận thu tái canh theo phương án đã hoạch định nhằm đạt mục tiêu tái cơ cấu diện tích vườn cây cho chu kỳ 2 nhưng vẫn đảm bảo duy trì năng suất – sản lượng ổn định hàng năm (đặc biệt là các diện tích bị ảnh hưởng gió lốc đổ gãy…). Với các diện tích cao su giống PB 260 có dấu hiệu năng suất thấp tại Cao su Dầu Tiếng Việt Lào và Quasa – Geruco phải xây dựng chế độ khai thác linh hoạt nhằm tái cơ cấu vườn chu kỳ 2 sớm với giống và điều kiện thổ nhưỡng thích hợp cho sinh trưởng, phát triển cây cao su.

Các đơn vị tại khu vực Campuchia cần xây dựng chế độ chuyển mặt BO2 từ năm thứ 5 – 6 và úp HO1 từ năm 9 để tái cơ cấu vườn cây chu kỳ 2 hiệu quả và ổn định năng suất – sản lượng. Với các diện tích giống PB 260 có thể rà soát độ cao miệng tiền cách đất trên bảng cạo BO – 1 úp sớm từ tuổi 8 – 9 (chu kỳ kinh doanh 17 năm) xây dựng lộ trình tái canh sớm với giống thích hợp hơn. Trong công tác bón phân, do đặc tính tỷ lệ đất pha cát cao nên lưu ý luân chuyển bón hữu cơ để cải thiện điều kiện lý, hóa tính của đất.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý kỹ thuật VRG cũng khuyến khích các đơn vị tiếp tục áp dụng các giải pháp, biện pháp tổ chức quản lý linh hoạt phù hợp điều cụ thể của từng đơn vị để tiếp tục nâng cao năng suất lao động, là yếu tố then chốt trong công tác thu hoạch mủ. Do tính đặc thù khu vực, nhiệt độ không khí buổi sáng tăng cao khi mặt trời xuất hiện, ảnh hưởng dẫn đến việc hạn chế dòng chảy mủ do đó cần quy định thời gian kết thúc cạo hợp lý. Trong điều kiện thiếu lao động, cần có xây dựng kế hoạch chủ động chia phần cây theo giảm nhịp (D4), nhưng tổ chức khai thác theo nhịp D3 (tăng số cây cạo/lao động/ ngày), nhằm linh hoạt giải quyết vấn đề thu nhập cho công nhân cạo.

MINH NHIÊN

Nâng cao năng suất, chất lượng http://tapchicaosu.vn/2022/03/10/nang-cao-nang-suat-chat-luong-vuon-cay/vườn cây

Tối ưu hóa năng suất vườn cây tái canh: Cần những yếu tố gì?