Sức sống cây cao su trên dải đất Bắc Trung bộ (kỳ 2)

Kỳ 2: Cao su bén rễ nơi miền nắng, gió

Kỳ 1:  Dòng nhựa trắng nuôi sống người dân vùng khó

CSVNO – Trải qua hơn 20 năm đầu tư và phát triển, cây cao su đã được VRG đầu tư theo chấp thuận lời đề nghị của các tỉnh  Bắc Trung bộ. Và, thực tế minh chứng, loài cây này đã ăn sâu bén rễ trên vùng đất khó, đem lại hiểu quả thiết thực cho các miền quê xa xôi héo lánh, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, xây dựng nông thôn mới.

Ông Văn Đức Dũng – TGĐ Cao su Quảng Trị kiểm tra tay nghề công nhân khai thác. Ảnh tư liệu.
Bỏ công vun trồng có ngày hái quả

Ngoài hàng ngàn ha cao su tiểu điền, trên dải đất Bắc Trung bộ có gần 25.000 ha cao su đại điền do VRG đầu tư tại các tỉnh: Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa. Đến nay hầu hết diện tích đã lần lượt đem vào khai thác, cho hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động.

Trong các chuyến thực tế, đến đâu chúng tôi cũng đều ghi nhận, mặc dù ở miền xuôi dịch Covid-19 đang bùng phát, hầu hết các doanh nghiệp lao đao, thế nhưng trên những cánh rừng cao su bạt ngàn nắng, gió là khí thế lao động sôi nổi. Công nhân lao động vừa thu hoạch mủ vừa thực hiện mệnh lệnh 5K chống dịch. Sự phấn đấu nỗ lực, sự vất vả của mỗi một CNLĐ đối với sự nghiệp phát triển ngành cao su thật đáng trân trọng. Đi đâu, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những rừng cây cao su bạt ngàn như những cánh rừng nguyên sinh. Một nhà khoa học nông nghiệp nói với chúng tôi rằng: Ngoài chỉ tiêu kinh tế từ khai thác mủ, cây cao su còn là cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cây lấy gỗ, cây xóa đói giảm nghèo, tất cả giá trị của cây cao su đều được đúc kết trong câu kết luận của Bộ NN&PTNT là “Cây đa mục tiêu”.

Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị – đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ảnh tư liệu.

TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị – Văn Đức Dũng, người gắn bó với cây cao su trên đất Quảng Trị hơn 30 năm thực lòng tâm sự: “Với truyền thống sản xuất, kinh doanh trong ngành cao su, chúng tôi khảng định, cây cao su là cây chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, cho đến nay chưa có cây gì vượt trội hơn, bởi những kết quả mà nó mang lại”.

Mặc dù chịu tác động rất lớn khi giá cao su xuống thấp và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số diện tích vườn cây cao su đưa vào khai thác còn ít, mật độ cây hữu hiệu còn thấp nhưng việc tiêu thụ tại các công ty vẫn diễn biến rất tốt. Sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có hàng tồn kho như những năm trước đây, tất cả các công ty trong khu vực đều thực hiện giá bán cao hơn so với giá bán bình quân của Tập đoàn. Tình hình lao động không có biến động lớn, tâm lý người lao động luôn ổn định, luôn thủy chung sắt son với nghề, với công ty, với vườn cây.

Nơi có nhiều năm gắn bó với cây cao su, cũng là đơn vị có bề dày thành tích nhất trên dải đất này phải kể đến Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị. Được thành thành lập từ năm 1984, trải qua gần 40 năm xây dựng, phát triển, Cao su Quảng Trị đã giành được nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương và địa phương. Năm 2021 đơn vị tiếp tục đạt nhiều thành tích xuất sắc. 6 tháng đầu năm (sau 2 tháng cạo mủ) Cao su Quảng Trị khai thác đạt 275,814 tấn mủ/ kế hoạch (KH) 1.100 tấn, đạt 25,07% KH Tập đoàn; phấn đấu cả năm khai thác vượt trên 10%. Sản lượng thu mua đạt 783,770 tấn/KH 700, đạt 111,97% KH. Tổng doanh thu lũy kế 29,12 tỷ đồng, trong đó doanh thu cao su 28,62 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An Phạm Trung Thái và TGĐ Nguyễn Đình Tuấn trao Quyết định bổ nhiệm giám đốc Nông trường Quế Phong Nguyễn Văn Linh, vào năm 2019.

Ở Nghệ An, dự án trồng cao su được thực hiện chủ yếu trên các diện tích đất rừng sản xuất, một số diện tích trồng keo, diện tích dây leo bụi rậm, từ một số đơn vị địa phương chuyển giao lại cho công ty tiếp quản. Sau hơn 10 năm đầu tư phát triển cây cao su trên quê hương Bác Hồ kính yêu, Công ty CP Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An đã đưa vào khai thác trên 1.500ha, cho sản lượng mủ năm 2021 sẽ đạt trên 1.000 tấn. Năm 2022, công ty sẽ đưa tổng diện tích khai thác lên 3.000ha, dự tính sản lượng mủ đạt từ 2.000 tấn mủ/năm. Giải quyết việc làm ổn định cho gần ngàn lao động trong biên chế, kể cả số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán chăm sóc, bảo vệ vườn cây.

TGĐ Cao su Nghệ An Nguyễn Đình Tuấn tâm sự: “Nếu ai đó nói rằng, trồng cao su hủy hoại môi trường sinh thái tự nhiên là thiếu cơ sở khoa học. Cây cao su có chu kỳ trồng và khai thác trên 30 năm, mật độ cây ổn định, độ tán che phủ cao, bộ rễ phát triển mạnh, nên khả năng giữ nước, giữ đất, chống xói lỡ là rất tốt. Mặt khác, đây là khu vực rừng sản xuất, nằm xen kẽ và sát với các làng bản của người dân chứ không phải là khu vực rừng tự nhiên quốc gia nên càng không phải là khu vực bảo tồn và duy trì đàn voi. Việc voi rừng ra ngoài khu vực rừng quốc gia phá hoại hoa màu, lán trại của người dân cần phải được ngăn chặn. Vấn đề này đã được báo chí phán ánh rất nhiều.”

Nhiều biến động nhưng vẫn khởi sắc

TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê – Hà Tĩnh Võ Sỹ Lực cho biết, trong tổng số quỹ đất được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho công ty quản lý, xây dựng, phát triển, trong quá trình tổ chức sản xuất công ty đã điều chuyển, theo chủ yêu cầu của tỉnh Hà Tĩnh để giao lại cho một số người dân sống trong vùng 2.500 ha. Mới đây, thực hiện đề án rà soát cơ cấu lại 3 loại rừng, đơn vị tiếp tục giao về cho địa phương thêm 310 ha số diện tích rừng tiếp giáp các khu dân cư.

“Ngoài ra, công ty chúng tôi cũng mạnh dạn thanh lý một số diện tích cao su thuộc diện phát triển chậm trên các vùng đất cực đoan, không đáp ứng yêu cầu. Hiện, công ty đang quản lý hơn 4.500 ha cao su ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó hơn 1.500 ha đã đưa vào khai thác. Tất cả diện tích đều phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập khá, ổn định cho những năm tiếp theo”, ông Lực thông tin. Cũng theo ông Lực, hiện nay toàn bộ số diện tích đất đai do công ty quản lý đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời hạn 50 năm.

Được biết, đầu năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-UBND ngày 11/1/2021 về việc công nhận quyền sử dụng đất, chuyển sang thuê đất với thời hạn 50 năm để sử dụng vào mục đích đất lâm nghiệp. Theo đó cho phép Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê – Hà Tĩnh thuê gần 9.000 ha đất lâm nghiệp và giao đất không thu tiền sử dụng đối với hơn 3.000 ha các loại rừng, trong đó có rừng tự nhiên và rừng phòng hộ.

Vườn cây KTCB phát triển tốt

Nơi mà cây cao su bén rễ khá “sâu hơn” đó là Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh. Được thành lập, bắt tay vào kiến thiết cơ bản từ năm 1997, bởi thời bấy giờ Hà Tĩnh còn rất nhiều đất trống, đồi núi trọc chưa tìm ra được cây kinh tế mũi nhọn, dẫn đến đồng bào sống ở các huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh do Tiến sỹ Đặng Duy Báu, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đoàn công tác đã vào TPHCM, tìm đến để gặp cho bằng được lãnh đạo VRG để bàn bạc, xin được đưa dự án trồng cao su ra đầu tư giúp Hà Tĩnh, nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa  tạo việc làm cho số con em nông thôn, vừa góp phần giúp Hà Tĩnh xóa đói giảm nghèo…

 Trải qua 24 năm xây dựng, phát triển Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đã gặt hái được nhiều thành quả tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo một vùng rừng núi nghèo khó trước đây nay thành những khu dân cư nông thôn mới. TGĐ công ty Nguyễn Khánh Toàn vui vẻ tâm sự: “Hiện công ty có 4.300 ha cao su, trong đó 831 ha tại được trồng tại tỉnh Bolikhamxay Lào, 2.100 ha đã và đang đưa vào khai thác. Năm 2021, đơn đang phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch Tập đoàn giao đạt trên 2.000 tấn mủ khô. Nói về đóng nộp ngân sách cho nhà nước, có những năm cao nhất đạt trên dưới 20 tỷ đồng”.

Cũng theo ông Toàn, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo VRG, cùng với chủ trương giao đất, khoán rừng cho người dân sống trong vùng dự án của UBND tỉnh Hà Tĩnh, mấy năm qua công ty cũng đã thanh lý 450 ha cao su trên địa bàn huyện Kỳ Anh, giao lại cho địa phương. Đây là diện tích gần biển nên cao su hay bị gãy đổ buộc phải thanh lý. Số còn lại 4.300 ha cao su do công ty quản lý, trong đó có 2.100 ha đưa vào khai thác đều phát triển tốt.

“Qua nhiều năm cho thấy, gió bão, nắng nóng hay rét đậm, rét hại cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp phát triển cây cao su (ngoại trừ số diện tích đã thanh lý). Đời sống người lao động giờ đây đã khá giả dần lên, bởi hiện tại giá mủ cao su tăng dần lên 37 triệu đồng/tấn thì chúng tôi có thể sống tốt rồi”, ông Toàn khẳng định.  

Các công ty đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách

Tại hội nghị tổng kết các công ty cao su miền Trung vào cuối năm 2020, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của lãnh đạo, NLĐ của các công ty đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu, kế hoạch của Tập đoàn giao.

“Cũng như những năm qua, ngành cao su chịu tổn thất nặng nề do sự tụt giảm nghiêm trọng về giá cả, năm 2020 mặc dù giá cả đã có tăng nhẹ nhưng cao su Bắc Trung Bộ phải chịu 2 khó khăn kép, đó là Covid-19 và bão lũ. Tuy là vậy, nhưng các công ty cao su nơi đây đã quyết tâm sản xuất, biến khó khăn thành động lực để có những kết quả đáng tự hào. Các công ty trên địa bàn đều vượt kế hoach VRG giao, đời sống người lao động tiếp tục được nâng lên”, ông Tú nhấn mạnh.

Chúng tôi còn nhớ, cơn bão tháng 10 năm 2017, hàng loạt cây cao su ở xã Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị (gần bờ biển) bị đổ gãy. Sau bão, các cơ quan chức năng ngồi lại bàn với dân có nên giữ cây cao su? Chị Nguyễn Thị Hồng – một hộ trồng cao su của xã khẩn khoản nói: “Xin ngành chức năng, các cấp chính quyền đừng bỏ cây cao su. Đời sống của nông dân trong xã chúng tôi đến nay có nhà lầu xe hơi, con cái được ăn học nên người, tất cả là nhờ vào gốc cao su cả. Gốc cao su với chúng tôi là hũ tiền. Ngày nào cây cao su cũng cho nhận đều đặn. Không bao giờ chúng tôi quay lưng với cây cao su”. Đây cũng là quan điểm của tất cả các hộ dân trồng cao su trên địa bàn.

                            ANH BÌNH-VĂN LÝ