Kỳ 1: Yêu cầu kỹ thuật mang tính nguyên tắc trong trị bệnh
Triển khai thực hiện: Phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng) trong sử dụng thuốc BVTV đối với bệnh nấm hồng:
- Đúng thuốc: Sử dụng thuốc validamycin (Validacin 5L, Vivadamy 5SL,… nồng độ 1,5% – 2,0%). Pha với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 1,0%.
- Đúng lúc: phun thuốc khi cây nhiễm bệnh ở mức rất nhẹ – nhẹ (cấp 1 – 2).
- Đúng cách: Phun thuốc ở thời điểm cây khô ráo, phun ướt đều phủ kín vết bệnh, chu kỳ 10 – 14 ngày/lần cho đến khi khỏi bệnh. Sau khi phun, phải kiểm tra, đánh dấu cây bệnh để xử lý lại nếu bệnh chưa khỏi.
- Đúng liều lượng: Tùy thuộc vào kích thước vết bệnh, đảm bảo ướt đều vết bệnh kể cả phần vỏ phía trên và dưới vết bệnh 20 cm.
Tồn tại trong thực tiễn sản xuất
Trong thực tiễn sản xuất, công tác trị bệnh nấm hồng tại các nông trường đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập vì đã không tuân thủ nghiêm túc những yêu cầu mang tính nguyên tắc nêu trên.
Về công tác chuẩn bị: Nhiều nông trường thiếu kế hoạch tổ chức, sự chuẩn bị chưa chu đáo, số lượng công nhân lành nghề không đáp ứng tương xứng với diện tích vườn cây cần trị bệnh.
Về tuân thủ nguyên tắc đúng thuốc: Hầu hết các đơn vị tuân thủ nguyên tắc này.
Về tuân thủ nguyên tắc đúng lúc: Do thiếu sự chuẩn bị nên thường triển khai trị bệnh trễ, dẫn đến tình trạng nhiều vườn cây có tỷ lệ bệnh cao > 20% với nhiều vết bệnh nặng – rất nặng (cấp 4 – 5) nên hiệu quả trị bệnh không cao. Đối với những cây bệnh cấp 4 – 5 thì việc phun thuốc trị bệnh đã không còn ý nghĩa. Lúc này, tác động của thuốc là diệt nấm nhưng đã mất cơ hội bảo toàn sinh trưởng bình thường của cây, nhiều cây đã chết tán, sau đó cụt ngọn.
Về tuân thủ nguyên tắc đúng cách: Tình trạng sử dụng lực lượng công nhân không biết kỹ thuật phun trị nấm hồng, chưa qua đào tạo, tập huấn là rất phổ biến tại nhiều nông trường.
Về tuân thủ nguyên tắc đúng liều lượng: Nhiều công nhân phun trị bệnh nấm hồng tại các nông trường không đảm bảo yêu cầu của nguyên tắc này.
Trong các đợt khảo sát vườn cây, cán bộ kỹ thuật Phòng Nghiên cứu BVTV-Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam thường xuyên tập huấn cho cán bộ quản lý cấp tổ và công nhân trực tiếp phun thuốc trị bệnh tại các nông trường. Mục tiêu các buổi tập huấn nhằm giúp cho công nhân nắm vững các bước trong quy trình trị bệnh nấm hồng, biết cách nhận diện triệu chứng bệnh. Tập trung hướng dẫn kỹ thuật phun trị, phân tích các sai sót còn tồn tại để công nhân nâng cao kỹ năng phun trị. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại tùy thuộc vào mức độ ổn định của lực lượng công nhân tại nông trường.
Thực tế ghi nhận, những đơn vị ít biến động về lực lượng phun thuốc thì việc tổ chức phun trị bệnh khá bài bản theo khuyến cáo của Viện và đạt kết quả khá tốt. Trong khi đó, những đơn vị mà lực lượng phun thuốc biến động, thiếu hụt và không nắm bắt cơ bản về kỹ thuật phun thuốc thì không đạt hiệu quả (vườn cây thường xuyên nhiễm bệnh với tỷ lệ cao, mức độ bệnh nặng, tỷ lệ cây chết và cụt ngọn do bệnh cao).
Trong vài năm qua, thiếu hụt lao động trở nên gay gắt, một số nông trường có tỷ lệ công nhân cơ hữu đảm nhận phun trị bệnh nấm hồng từ 90 – 100 ha/người, cá biệt có nơi lên đến 150 ha/người. Mùa cao điểm bệnh nấm hồng thường xảy ra cùng lúc với mùa vụ tái canh trồng mới. Bên cạnh đó, các công việc chăm sóc vườn cây như diệt cỏ, bón phân, tỉa chồi,… cũng cần phải thực hiện nên đã tạo áp lực rất lớn về công lao động. Nhiều nơi vì thiếu hụt lao động đã không tổ chức phun trị bệnh nấm hồng kịp thời, một số vườn cây chỉ được phun trị từ 1 – 2 lần trong năm vào thời điểm tháng 10 – 11 hoặc thậm chí không phun trị.
Ngoài ra, cần đề cập đến vai trò của người đứng đầu đơn vị, không ít cán bộ lãnh đạo nông trường chưa xác định đúng tầm mức các yếu tố cấu thành trong hệ thống kỹ thuật. Đơn cử như vấn đề chất lượng tay nghề công nhân trực tiếp phun trị bệnh, yêu cầu phải có đủ sức khỏe và kỹ năng (có sức khỏe để đi kiểm tra từng cây trên vườn, họ phải mang bình thuốc trên vai; có kỹ năng trong nhận diện bệnh, có kỹ thuật phun thuốc đảm bảo phủ kín vết bệnh) nhưng nhiều nơi đã bỏ qua yếu tố quan trọng này. Những tồn tại mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm qua chỉ có thể giải quyết khởi đầu từ sự cải biến quan niệm “về bệnh nấm hồng”, khi mà những người lãnh đạo thực sự “thấy rõ” và “thừa nhận” công tác trị bệnh nấm hồng là công việc thường xuyên, đòi hỏi công nhân phun trị bệnh phải là “người thợ” thực thụ.
NGUYỄN ĐÔN HIỆU và cộng sự
(Viện Nghiên cứu CSVN)
(xem tiếp kỳ sau)
Related posts:
- Cảnh báo bệnh Corynespora thời điểm giao mùa
- Giải pháp thu hoạch mủ trong điều kiện bất thuận
- Công nhận phòng Kiểm nghiệm cao su tham chiếu trong VRG
- Phát hiện 2 bệnh mới trên cây cao su tại Indonesia và Malaysia
- Nhu cầu cao su silicon lỏng tăng cao
- Công nghệ chẩn đoán bệnh rễ trắng trên cây cao su dựa trên phân tích hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo ...
- Giải pháp truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu EUDR
- Nhiều tập thể và cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị nông nghiệp Cao su Mang Yang
- Chủ động phun phòng bệnh phấn trắng trên vườn cây Tây Nguyên
- Phát triển chip chỉ thị phân tử để cải tiến giống cây cao su