Một số tồn tại trong công tác trị bệnh nấm hồng trên vườn cây cao su

CSVN – Bài viết được thực hiện nhằm phân tích những tồn tại trong thực tiễn sản xuất và giới thiệu một số giải pháp, kinh nghiệm đã được thực hiện thành công trong quản lý bệnh nấm hồng trên vườn cây cao su tại một số đơn vị.

Biểu hiên bệnh nấm hồng trên cây cao su

Bệnh nấm hồng, do nấm Corticium salmonicolor gây ra, là loại bệnh phổ biến, quen thuộc nhưng có khả năng gây chết tán cây nhanh nhất trong các loại bệnh do nấm hại cây cao su. Tác hại của bệnh làm cây cụt ngọn, ảnh hưởng đến suốt chu kỳ kinh tế. Trong những năm gần đây, vấn đề thiếu hụt lao động đã tác động rất lớn đến hiệu quả trị bệnh nấm hồng tại nhiều công ty trong ngành.

Những hạn chế tồn tại trong công tác trị bệnh xuất phát từ những nguyên nhân khách quan như sự thiếu hụt lao động, thời tiết khí hậu thuận lợi cho bệnh, diện tích vườn cây mẫn cảm bệnh cao,… nhưng chính yếu tố chủ quan đã làm cho mức độ bệnh thêm nghiêm trọng.

Bài viết được thực hiện nhằm phân tích những tồn tại trong thực tiễn sản xuất và giới thiệu một số giải pháp, kinh nghiệm đã được thực hiện thành công trong quản lý bệnh nấm hồng trên vườn cây cao su tại một số đơn vị.

Yêu cầu kỹ thuật mang tính nguyên tắc trong trị bệnh

Sự phát sinh, phát triển của bệnh trên cây diễn biến rất nhanh trong thời gian ngắn, từ 10 – 14 ngày nấm đã có thể dẫn đến chết tán cây. Trong mùa mưa, nấm luôn có điều kiện thuận lợi để tấn công gây bệnh trên vườn cây, ở bất kỳ thời điểm nào cây cao su đều có nguy cơ nhiễm bệnh, số cây nhiễm mới phát sinh tăng theo thời gian. Đặc thù của bệnh nấm hồng là không phun phòng bệnh được mà chỉ phun trị khi có bệnh phát sinh.

Rõ ràng, việc đảm bảo công tác trị bệnh nấm hồng đạt hiệu quả cao trên hàng trăm vườn cây với hàng trăm ngàn cây trong giai đoạn mẫn cảm bệnh thật sự không đơn giản. Trong khi đó, vấn đề then chốt trong trị bệnh nấm hồng là phải phát hiện bệnh sớm khi bệnh còn ở mức rất nhẹ – nhẹ (cấp 1 – 2) và phun thuốc đúng cách. Tóm tắt các điều kiện cần để trị bệnh nấm hồng như sau:

(1) Phát hiện bệnh sớm, phun trị khi bệnh ở mức rất nhẹ – nhẹ (cấp 1 – 2);

(2) Phun thuốc ở thời điểm cây khô ráo;

(3) Phun thuốc phủ kín vết bệnh;

(4) Phun thuốc đúng nồng độ và đủ liều lượng;

(5) Sau khi phun thuốc phải kiểm tra, nếu chưa khỏi bệnh thì phải tiếp tục phun thuốc nhắc lại cho đến khi khỏi bệnh. Chu kỳ phun thuốc 10 – 14 ngày/lần;

Để đáp ứng các tiêu chí kể trên phải đảm bảo tối thiểu 3 yêu cầu sau: (1) thường xuyên kiểm tra vườn cây, định kỳ ít nhất 2 – 3 tuần/lần; (2) công nhân phun thuốc phải có kỹ năng nghề nghiệp (nắm rõ kỹ thuật, có sức khỏe và trách nhiệm); (3) nông trường có tổ chuyên trách bảo vệ thực vật với số lượng công nhân đủ đáp ứng diện tích vườn cây cần phun trị. Thế nhưng, nhiều đơn vị đã không thực hiện đúng đủ các yêu cầu kỹ thuật mang tính nguyên tắc kể trên với lý do thiếu lao động.

Công tác trị bệnh nấm hồng muốn đạt hiệu quả cao cần có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, triển khai một cách đồng bộ, chặt chẽ trong hệ thống quản lý kỹ thuật tại đơn vị, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt qui trình kỹ thuật trong quá trình triển khai.

Công tác chuẩn bị: Căn cứ vào diện tích vườn cây, cơ cấu tuổi cây trong giai đoạn mẫn cảm với bệnh (tuổi 3 – 8) tại đơn vị, nông trường lập kế hoạch tổ chức phun trị phù hợp. (1) Phân nhóm, phân loại vườn cây có nguy cơ bệnh cao (tuổi 5 – 7, vùng trũng thấp, có tiền sử bệnh nặng) thì ưu tiên sử dụng biện pháp “bán cơ giới”; vườn có tỷ lệ bệnh thấp thì tổ chức phun thủ công hoàn toàn; (2) Chuẩn bị đủ số lượng nhân công trực tiếp tham gia thực hiện đảm bảo chu kỳ xử lý trên vườn 2 – 3 tuần/lần, nhất là cao điểm bệnh; (3) Sắp xếp thời điểm phun trị hợp lý, ưu tiên những vườn cây có nguy cơ nhiễm bệnh cao phun trước, sau đó là những vườn cây có tỷ lệ thấp hơn.

NGUYỄN ĐÔN HIỆU và cộng sự (Viện Nghiên cứu CSVN)

(xem tiếp kỳ sau)