Xây dựng kế hoạch dài hạn nâng cao năng suất – chất lượng vườn cây khu vực Tây Nguyên

CSVN – Xây dựng kế hoạch dài hạn là một trong những chỉ đạo của ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG tại Hội nghị nông nghiệp VRG được tổ chức tại Cao su Mang Yang. Hội nghị đã trao đổi, chia sẻ các giải pháp nhằm nâng cao năng suất – chất lượng vườn cây khu vực Tây Nguyên.

Đại biểu tìm hiểu máy bón phân 3 trong 1 trình diễn tại hội nghị.
Vườn cây kinh doanh sắp tới sẽ thuộc “cơ cấu vàng”

Về tổng thể, vườn cây Tây Nguyên đang chuyển sang giai đoạn nâng cao năng suất sản lượng, tỷ lệ vườn cây KTCB và tái canh hợp lý để giữ ổn định về sản lượng trong giai đoạn tới. Theo ông Phạm Hải Dương – Trưởng Ban QLKT VRG, việc canh tác cao su ở khu vực Tây Nguyên trong thời gian qua phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, dịch bệnh làm giảm sản lượng mủ cao su.

Nhận thấy những vấn đề trên, các đơn vị đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả, năng suất vườn cây. Tây Nguyên sắp tới sẽ có vườn cây kinh doanh trong “cơ cấu vàng” với tỷ lệ diện tích giai đoạn 2021 – 2030 toàn khu vực sẽ đạt 60 – 65%, đây là tỷ lệ tuổi khai thác thuận lợi nhất. Vì vậy, các công ty cần thực hiện tốt Quy trình kỹ thuật năm 2020 để duy trì đà tăng trưởng về năng suất và chất lượng vườn cây.

Hiện nay, tỷ lệ diện tích ở Tây Nguyên có năng suất dưới 1 tấn/ha chiếm gần 15% và khoảng 29,6% có năng suất bình quân thấp hơn 1,5 tấn/ha trong tổng diện tích kinh doanh là yếu tố cơ bản kéo giảm năng suất bình quân. Chính vì thế, các công ty cần tập trung thêm nhiều giải pháp tổng thể và thực hiện quyết liệt để giảm tỷ lệ vườn cây năng suất thấp.

Những mô hình, cách làm chủ yếu của các đơn vị vẫn là tập trung vào công tác phòng phấn trắng, trang bị máng mái che mưa cho vườn cây khai thác, quản lý tốt công tác bón phân, phun phân, nhất là đào tạo và nâng cao tay nghề cho công nhân. Tiêu biểu trong số đó là tại Cao su Mang Yang sau nhiều năm ngưng đầu tư một lượng lớn diện tích cao su kém hiệu quả, nay đã cải thiện được chất lượng vườn cây thông qua việc tiếp tục đầu tư cho một số vườn cây có thể phục hồi và đưa vào khai thác được.

Ông Hoàng Trung Hưng – Phó TGĐ Cao su Mang Yang cho biết: “Công ty có trên 251 ha kém chất lượng, trồng từ năm 2009 được VRG cho phép ngưng đầu tư từ năm 2017. Nhận thấy, việc ngưng đầu tư sẽ làm mất vốn, vì vậy đơn vị đã xử lý bằng cách trồng xen cây keo lai trên 50 ha, chuyển mục đích sử dụng đất 40,5 ha.

Số diện tích còn lại tiếp tục chăm sóc, phát cỏ, phun phòng phấn trắng, bón phân NPK + phân HCSH AGN để cải tạo bộ lá. Kết quả, đa số diện tích ngưng đầu tư đó đã có sự cải thiện về bộ lá và mức độ sinh trưởng, lá không còn bệnh, giảm bệnh khô ngọn khô cành, cây phục hồi tốt và năm 2021 sẽ đưa vào mở miệng được hơn 66,9 ha, chiếm 27,35% tổng diện tích ngưng đầu tư”.

Ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ Cao su Kon Tum cho rằng để vườn cây kinh doanh cho năng suất và chất lượng tốt thì cần thực hiện 7 giải pháp: “Thực hiện tốt công tác trang bị vật tư cho vườn cây sớm; Công tác quản lý lao động chặt chẽ, không để vườn cây bị bỏ trống; Thực hiện việc giao khoán cho công nhân sát với năng lực vườn cây; Chú trọng công tác đào tạo tay nghề cho đội ngũ thợ cạo; Công tác phun phòng phấn trắng đúng lúc, kịp thời…”.

Với ý nghĩa thực tiễn cao, các giải pháp trong 3 tham luận, bao gồm: “Tác động của vườn cây cao su trong bảo vệ môi trường và triển vọng phát triển mô hình trồng xen cao su gỗ – mủ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và ổn định nguồn nguyên liệu” của Viện Nghiên cứu CSVN; “Triển vọng trồng xen canh cây gỗ lớn, cây nguyên liệu trên đất cao su tái canh Tây Nguyên và đề xuất canh tác” của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ và “Nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây cao su KTCB và kinh doanh” của Cao su Mang Yang sẽ được VRG đưa vào áp dụng ở tất cả các đơn vị trồng và sản xuất cao su trong thời gian tới.

Mô hình trồng xen dứa tại Cao su Mang Yang
Cần giải pháp bền vững nâng cao hiệu quả

Lợi thế của vườn cây nhóm I cũng như tiềm năng về năng suất sản lượng đang trên đà đi lên. Ngoài ra, diện tích khai thác đến năm 2030 toàn vùng có tổng diện tích 44.600 ha và tỷ lệ dịch chuyển từ cuối nhóm I sang nhóm II và III <10% nên năng suất bình quân chung của khu vực sẽ ở mức 1,5 tấn/ha.

Chính vì thế, rất cần những giải pháp bền vững và nâng cao được hiệu quả sản xuất. Tại hội nghị này, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG đề nghị các đơn vị phải xây dựng kế hoạch dài hạn để nâng cao năng suất vườn cây. Theo đó: “Tiếp tục đẩy nhanh việc ứng dụng giống mới, thích hợp với các tiểu vùng, trong đó ưu tiên loại giống lấy mủ – gỗ cho diện tích trồng thuần cao su. Đối với cao su gỗ – mủ thì nên trồng xen trên những diện tích định hướng cho trồng cây gỗ lớn”.

“Với vườn cây KTCB thì cần nâng cao chất lượng cây con, đồng thời ưu tiên phân bón và bảo vệ thực vật, khuyến khích phun phòng phấn trắng cho vườn cây từ tuổi 5 – 6 trở lên. Riêng vườn cây kinh doanh thì cần tuân thủ nghiêm ngặt việc quản lý, thu hoạch mủ theo đúng quy trình kỹ thuật 2020, xây dựng phương án và lộ trình tái canh phù hợp với từng đơn vị. Cùng với đó, cần chú trọng đến việc nâng cao năng suất lao động bằng các giải pháp cơ giới hóa, số hóa trong quản lý và ứng dụng nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”, ông Tú chỉ đạo.

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất khi năng suất bình quân toàn vùng khó đạt 1,8 tấn/ha

Việc năng suất toàn khu vực đạt bình quân 1,8 tấn/ha là hết sức khó khăn, tuy nhiên bài toán mà các nhà quản lý, chuyên gia đặt ra là vườn cây phải đạt năng suất 1,8 tấn/ha trở lên thì mới mang lại hiệu quả kinh tế. Do vậy, thời gian qua việc nâng cao giá trị sử dụng đất bằng cách trồng xen được các công ty hết sức chú trọng sau khi VRG có chủ trương đồng ý cho trồng xen canh trên vườn cây tái canh.

Hiện nay, tổng diện tích giãn hàng cao su cho xen canh là trên 5.405 ha, trong đó giãn hàng đơn 136 ha, hàng kép 4.360 ha và hàng 3 trồng thử nghiệm là hơn 910 ha. Diện tích xen canh chủ yếu là cây hàng năm, dược liệu chiếm 2.570 ha, tiếp đến là cây cà phê với 2.335 ha, cây ăn quả 482 ha và cây lâm nghiệp trên 167 ha.

Báo cáo của Ban QLKT cũng khẳng định, với vườn cây của Tây Nguyên “nếu không sử dụng giải pháp nào khác thì năng suất bình quân toàn khu vực tối ưu nhất cũng chỉ ở mức 1,55 tấn/ha”. Chính vì thế, xen canh được xem là giải pháp nâng cao giá trị sử dụng đất hiệu quả nhất. Đây là giải pháp để giảm suất đầu tư, tăng cường cho công tác chăm sóc vườn cây KTCB, góp phần quan trọng vào hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi đơn vị.

Vài năm trở lại đây, việc hợp tác trồng xen với các cá nhân, tổ chức trên cao su tái canh đã mang lại hiệu quả lớn cho các công ty cao su, nhất là trồng khoai lang. Khi thực hiện việc này doanh nghiệp được hưởng lợi kép vừa thu về nguồn lợi kinh tế vừa tạo điều kiện để cao su phát triển tốt, có thể xem đây là phần bù cho thiếu hụt về năng suất thay vì trồng thuần sản lượng tốt nhất cũng chỉ 1,55 tấn/ha nay cộng thêm phần xen canh có thể đạt hiệu quả kinh tế ở mức 1,8 tấn/ha.

VĂN VĨNH