Nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây khu vực Tây Nguyên

CSVNO – Ngày 28/4, tại Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, VRG đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch nông nghiệp 2021 và Quy trình kỹ thuật năm 2020 về chuyên đề “Các giải pháp nâng cao năng suất – chất lượng vườn cao su và hiệu quả sử dụng đất” tại khu vực Tây Nguyên. Ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG chủ trì hội nghị.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng xen cà phê

Ông Phạm Hải Dương – Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật VRG đã trình bày báo cáo chính về việc “Đánh giá hiện trạng và năng lực sản xuất vườn cây cao su khu vực Tây Nguyên, các giải pháp nâng cao năng suất – chất lượng vườn cây và hiệu quả sử dụng đất”.

Báo cáo cho biết, những năm qua, 12 công ty khu vực Tây Nguyên đã nỗ lực sản xuất và đạt được những kết quả cao. Tuy nhiên, việc canh tác cao su ở khu vực Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, dịch bệnh làm giảm sản lượng mủ cao su. Nhận thấy những dấu hiệu trên, thời gian qua các đơn vị ở khu vực Tây Nguyên đã nỗ lực triển khai các giải pháp, mô hình hay để nâng cao hiệu quả, năng suất vườn cây.

Ông Cao Văn Quang – Giám đốc Công ty Phân bón Tiến Nông Gia Lai giới thiệu về công dụng của máy bón phân 3 trong 1 cho vườn cây cao su

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe 8 báo cáo tham luận của các đơn vị trên địa bàn và 2 báo cáo của chuyên đề “Triển vọng trồng xen canh cây gỗ lớn, cây nguyên liệu trên đất cao su tái canh Tây Nguyên và đề xuất canh tác” của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ do Tiến sỹ Nguyễn Thị Hải Hồng trình bày và “Tác động của vườn cây cao su trong bảo vệ môi trường và triển vọng phát triển mô hình trồng xen cao su “gỗ-mủ” nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và ổn định nguồn nguyên liệu” của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam do Tiến sỹ Trần Thanh trình bày.

Tham quan vườn cây năng suất 2 tấn/ha của Nông trường K’dang

Kết luận hội nghị, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG cho rằng: Trong số các giải pháp được trình bày tại hội nghị thì có 3 giải pháp là: “Tác động của vườn cây cao su trong bảo vệ môi trường và triển vọng phát triển mô hình trồng xen cao su “gỗ-mủ” nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và ổn định nguồn nguyên liệu” của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam; Giải pháp “Triển vọng trồng xen canh cây gỗ lớn, cây nguyên liệu trên đất cao su tái canh Tây Nguyên và đề xuất canh tác” của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ và Giải pháp “Nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây cao su kiến thiết cơ bản và kinh doanh” của Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang sẽ được Tập đoàn đưa vào áp dụng ở tất cả các đơn vị trồng và sản xuất cao su trong thời gian tới.

Ông Phạm Hải Dương – Trưởng ban QLKT VRG trình bày báo cáo chính của hội nghị

Ngoài ra, ông Tú cũng giao cho Ban QLKT chậm nhất đến vụ tái canh năm 2022 phải ra được quy trình trồng xen để hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện và triển khai có hiệu quả.

Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh dù trồng cây gì thì trồng nhưng chủ lực vẫn là cây cao su và đề nghị các công ty sớm có báo cáo về thực trạng vườn cây của đơn vị mình một cách chi tiết hơn từ cơ cấu giống, năng suất, sản lượng… và tầm nhìn 10 năm, 20 năm sau.

Trước đó, ngày 27/4 các đại biểu của 12 công ty trên địa bàn Tây Nguyên về tham dự đã đi thăm 5 mô hình tiêu biểu của Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang đó là mô hình trồng xen cà phê, mô hình phun phấn trắng, mô hình trồng xen cây cà phê – hòa màu, mô hình về giống mới…

Đại diện Cao su Chư Sê trình bày tham luận tại hội nghị

Nhân dịp này, Công ty CP phân bón Tiến Nông Gia Lai đã tổ chức buổi trình diễn máy bón phân 3 trong 1 tại vườn cây của Nông trường Đoàn Kết. Sau khi xem trình diễn, nhiều đại biểu đã đánh giá cao sáng kiến của Công ty Tiến Nông Gia Lai trong việc tích cực nghiên cứu áp dụng cơ giới hóa vào khai thác và chăm sóc vườn cây cao su.

Ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG kết luận hội nghị

VĂN VĨNH