Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam

CSVNO – Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục gây ra những khó khăn cho việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Để “gỡ khó” cho vấn đề này đòi hỏi ngành NN&PTNT, các doanh nghiệp cần nắm chắc diễn biến của các thị trường nhập khẩu trọng điểm cũng như cần có những biện pháp để giảm bớt chi phí cho sản xuất, lưu thông

Tác động của đại dịch COVID-19 đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam (Ảnh minh họa: KD)
Nắm chắc tình hình các thị trường trọng điểm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu tính theo từng thị trường, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á ước tăng 18,2%, đạt 8,05 tỷ USD; thị trường châu Mỹ tăng 56,7%, đạt 4,73 tỷ USD; thị trường châu Phi tăng 11,8%, đạt 249 triệu USD; thị trường châu Đại Dương tăng 29,2%, đạt 239 triệu USD. Xuất khẩu sang khu vực châu Âu xấp xỉ bằng với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,72 tỷ USD.

Tuy nhiên, trước thực trạng diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang làm ảnh hưởng tới các hoạt động xuất, nhập khẩu tại nhiều quốc gia đòi hỏi ngành NN&PTNT cũng như các doanh nghiệp cần nắm chắc tình hình và nhu cầu của các thị trường nhập khẩu để có điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp.

Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, hiện đang kiểm soát tốt dịch bệnh, do đó, thị trường nông sản sẽ hoạt động phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng và Trung Quốc dự báo vẫn là thị trường lớn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã chuyển biến tích cực, đạt hơn 5,5 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,023 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2020, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều tăng.

Qua các đợt dịch tại Việt Nam, các địa phương đã chủ động và có các sáng kiến để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu vừa đảm bảo phòng, tránh dịch bệnh COVID-19. Cụ thể với các biện pháp như: Thành lập đội lái xe trung chuyển chuyên biệt để thông quan nông sản, hàng hóa tại cửa khẩu; tích cực trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để nới rộng thời gian thông quan; khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nắm tình hình và giãn đưa hàng về cửa khẩu, tăng lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường sắt.

Hiện nay, các điểm biên giới trọng điểm đã lấy lại đà tăng trưởng trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tiêu biểu, theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn, trong 4 tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu của tỉnh diễn ra ổn định và sôi động hơn so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn trong tháng 4 ước đạt 430 triệu USD, lũy kế 4 tháng đạt 1.290 triệu USD, đạt 41,9% kế hoạch, tăng 57,3% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, nhu cầu thị trường tiêu thụ thủy sản, nông sản 4 tháng đầu năm 2021 của phía Trung Quốc tăng mạnh nên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua Móng Cái – Đông Hưng. Cụ thể, tại cửa khẩu Bắc Luân II, xuất khẩu đạt 76.394 tấn hàng hóa, tăng 32,01% so với cùng kỳ năm 2020. Lối mở Km3+4 Hải Yên qua Cầu phao đạt 14.445 phương tiện, chở 374.904 tấn hàng hóa, tăng 317% so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời, xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản qua địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu Lục Lầm đạt 1.508 tấn, trong đó, nông sản (gồm khoai lang, chanh leo, roi,…) và hải sản (gồm ngao, hàu, cua biển, cá), đạt kim ngạch 550 nghìn USD.

Đối với thị trường của EU, trong 3 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 937,1 triệu USD sang thị trường này (giảm 3,7%). Các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU như: cà phê, rau quả, hạt điều có xu hướng giảm với tốc độ lần lượt là -24,2%, -4,1% và -21,2%.

Với thị trường Mỹ, tính trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường này đạt 4,3 tỷ USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới, xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản sang Mỹ dự báo sẽ gặp khó khăn, bên cạnh tình trạng khan hiếm container, còn do cước vận chuyển từ châu Á sang Mỹ vẫn không ngừng tăng lên. Theo thống kê của Freightos Baltic, tuyến từ châu Á đến Bờ Tây nước Mỹ ở mức hơn 4.000 USD/container 40 feet và giá cước vận chuyển từ châu Á đến Bờ Đông nước Mỹ ở mức hơn 6.000 USD/container 40 feet. Đây là mức cước phí cao nhất từ trước đến nay.

Với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, với những nỗ lực chống dịch cùng với các biện pháp đảm bảo lưu thông hàng hóa, nâng cao các biện pháp an toàn cho công dân di chuyển, tình hình xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong quý I/2021 tăng trưởng tốt với mức tăng 5,9% và 7,2%. Các chuyên gia dự đoán Nhật Bản và Hàn Quốc về cơ bản sẽ khống chế được dịch bệnh trong quý II/2021 nhờ nguồn cung vắc-xin dồi dào và các biện pháp quản lý hiệu quả hơn của Chính phủ. Do vậy, thị trường xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng ổn định.

Tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam đang lan rộng tại nhiều địa phương. Trong khi đó, các địa phương có dịch đều chung một đặc điểm, đó là có nhiều đường giao thông huyết mạch chạy qua, án ngữ những con đường vận tải hàng hóa quan trọng về Hà Nội, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại của miền Bắc.

Cụ thể gồm: Quốc lộ 1A nối Hà Nội – Bắc Ninh – Lạng Sơn, đường cao tốc nối sân bay quốc tế Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long; quốc Lộ 2 và cao tốc Nội bài – Lào Cai; quốc lộ 10 nối Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông sản đang vào mùa vụ thu hoạch và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính các sản phẩm như: vải, nhãn, thanh long,…do vậy, có nguy cơ gây áp lực lưu thông hàng hóa để đưa lên các tỉnh biên giới xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.

Không chỉ vậy, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp dẫn đến tình trạng khan hiểm container vẫn tiếp tục diễn ra ở các tuyến vận tải biển từ châu Á sang Mỹ và EU trong khi đó vận tải bằng đường không có chi phí quá lớn đối với biên độ lợi nhuận của hàng nông sản nói chung.

Đi cùng với những khó khăn trên, do những tác động của dịch bệnh COVID-19 có nhiều điểm khác so với năm 2020 khiến các nước trên thế giới đồng loạt áp dụng các biện pháp phong tỏa làm ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Đối tượng bị ảnh hưởng trong xã hội cũng thay đổi và thu hẹp, tập trung vào các ngành du lịch, dịch vụ, vận tải. Thị trường trong nước đã dần hồi phục, sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì tốt và thói quen tiêu dùng có những chuyển hướng nhất định.

Bên cạnh đó, do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn. Lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh, do đó, áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn. Bên cạnh đó, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì (nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản) và vốn tồn ứ đọng hàng hóa.

Hiện nay, tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu dịch bệnh nguy cơ cao thì tốc độ thông quan sẽ chậm do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch.

Trước những khó khăn trên, Bộ NN&PTNT đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các gói tín dụng đặc thù đối phó COVID-19. Cụ thể, thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, dãn nợ, miễn giảm lãi vay), tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh thuộc diện chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Triển khai chính sách ưu đãi lãi vay vốn đối với các doanh nghiệp logistics, chế biến bảo quản nông sản để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa nông lâm thủy sản trong suốt thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Với Bộ Tài chính, cần triển khai nhanh chóng những giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm. Đồng thời, miễn thuế, miễn tiền thuê bến bãi, tiền điện, dịch vụ kho lạnh, bảo quản,…cho các doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Về việc thuận lợi hóa thông quan, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài Chính (Tổng cục Hải quan), UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các trạm kiểm dịch, hải quan tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc.

Riêng về hạ tầng logistic, Bộ Công Thương cần phối hợp Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam rà soát tổng thể năng lực lưu kho, bảo quản của hệ thống kho lạnh, container phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản; có chính sách giá điện ưu đãi áp dụng cho việc vận hành kho lạnh.

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ phí, cước vận chuyển đường hàng không và đường biển đối với các thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Đông để tăng năng lực cạnh tranh và giảm chi phí giá thành cho doanh nghiệp.

Đối với các tỉnh, thành phố, cần thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đồng thời, áp dụng nhanh chóng các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản lạnh; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp và sử dụng hiệu quả các cơ sở bảo quản lạnh trên địa bàn để sử dụng khi nông sản tiêu thụ khó khăn.

Ngoài ra, cần thành lập các trung tâm thu mua nông sản cơ động tại các tỉnh; kiểm soát thu mua từ các hợp tác xã để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu khi dịch đã được kiểm soát./.

theo dangcongsan.vn