CSVN – Tại Lễ kỷ niệm 93 năm truyền thống ngành (28/10/1929 – 28/10/2022) có 13 cá nhân được nhận giải thưởng Cao su Việt Nam, trong đó có 4 công nhân trực tiếp trên vườn cây. Điều đặc biệt là cả 4 tấm gương điển hình đó đều là công nhân cao su của Nông trường Túc Trưng, TCT Cao su Đồng Nai. Đó là chị Nguyễn Thị Lệ Quyên, chị Đỗ Thị Hà, anh Quách Thanh Bình và anh Bùi Văn Được.
Vượt sản lượng cao hàng năm
Các anh chị có tuổi nghề từ 8 – 17 năm. Tuy thời gian gắn bó với ngành cao su khác nhau nhưng cả 4 anh chị đều là công nhân tiêu biểu trong lao động sản xuất. Dù trong hoàn cảnh nào các anh chị đều nỗ lực phấn đấu trong công tác, tranh thủ ra lô sớm, khai thác đúng quy trình kỹ thuật, khắc phục mọi khó khăn về thời tiết, cạo hết cây, trút hết mủ, nên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài ra còn tích cực học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp, học tập nâng cao kỹ thuật tay nghề, áp dụng quy trình kỹ thuật khai thác mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Tham gia vào các phong trào thi đua của đơn vị nhất là phong trào luyện tay nghề. Nhờ đó, các anh chị luôn về đích trước kế hoạch, sản lượng khai thác hàng năm vượt cao và năng suất lao động đứng top đầu trong đơn vị.
Trong giai đoạn 2017 – 2022, chị Lệ Quyên khai thác vượt 33% kế hoạch, năng suất lao động bình quân đạt 11,2 tấn, đặc biệt năm 2021 đạt 15,7 tấn. Anh Bình khai thác vượt 36% kế hoạch 5 năm, năng suất lao động năm 2021 đạt hơn 19,1 tấn. Chị Hà vượt 32%, năng suất bình quân đạt hơn 11 tấn/năm. Anh Được vượt 16% kế hoạch sản lượng và năng suất lao động đạt hơn 13,5 tấn/ năm.
Nói về 4 công nhân xuất sắc của đơn vị, anh Lưu Quốc Phong – Giám đốc Nông trường Túc Trưng cho biết: “Là những công nhân trực tiếp trên vườn cây, bằng sự nỗ lực và không ngại gian khó, các anh chị là hạt nhân tiêu biểu trong phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi, Thi đua nước rút 4 tháng cuối năm. Các anh chị đã có những đóng góp to lớn vào việc giúp nông trường cán đích sản lượng top đầu trong toàn TCT, đồng thời giúp nông trường nhiều năm liền được vinh danh là thành viên Câu lạc bộ 2 tấn của VRG. 4 anh chị nhận được giải thưởng Cao su Việt Nam là phần thưởng xứng đáng của cá nhân, đó cũng là niềm tự hào của nông trường, là những công nhân trực tiếp của TCT nhận giải thưởng quý giá này”.
Những “cây” sáng kiến của đơn vị
Từ thực tế công việc trên vườn cây, cả 4 anh chị đều có 3 – 4 sáng kiến được áp dụng trong công việc. Mỗi sáng kiến đều làm lợi cho đơn vị 100 – 300 triệu đồng. Sáng kiến Làm bộ máng mái che mưa chống ẩm mặt cạo bằng cách nạo lớp vỏ da bui, bôi lên 1 lớp keo khô (so với trước đây là keo ướt hiệu quả không cao) sau đó dán máng cặp theo phía trên miệng cạo, dùng Arap bấm vào thân cây là một trong những sáng kiến nổi bật nhất của chị Lệ Quyên. Nhờ áp dụng sáng kiến này trong những ngày gặp mưa công nhân vẫn cạo được bình thường. Mặc dù có nhiều cơn mưa lớn nhưng cây vẫn khô và cạo sớm bình thường, tận thu tốt sản lượng. Với cách làm này rất có hiệu quả, ước tính tăng khoảng 20% lượng mủ tinh, giá trị làm lợi trên 300 triệu đồng.
Từ thực tế các vật tư cũ thường bị bỏ sau khi kết thúc mùa cạo, anh Được đã tận dụng các vật tư cũ như máng mái che mưa của năm trước sau khi kết thúc mùa cạo thu về làm vệ sinh cắt bỏ phần bị hư tiếp tục trang bị lại cho vườn cây vào mùa cạo sau. Dùng các vỏ lon sữa bò cắt thành máng dẫn mủ, tận dụng làm vệ sinh chén tại vườn cây sau mùa cạo. Tránh việc di chuyển nhiều làm vỡ và hư hao. Việc làm này tuy đơn giản nhưng góp phần tiết kiệm được trên 60% bộ máng mái cho năm sau, tiết kiệm trên 30% máng hứng mủ sử dụng trong năm, làm lợi trên 100 triệu đồng cho đơn vị.
Anh Bình dùng bình xịt để bôi dầu cho vườn cây có miệng cạo cao, hạn chế dăm và dầu bắn vào mắt. Sáng kiến của anh thoạt nghe có vẻ đơn giản với việc dùng bình xịt nước, cho dầu vào bình, dùng một dây dẫn gắn một đầu vào bình xịt và một đầu còn lại gắn ở đầu cọ. Khi cần bôi chỉ cần bóp cần xịt thì lập tức lượng dầu vừa bóp sẽ được bơm lên dây dẫn và truyền đến đầu cọ. Như vậy quá trình bôi dầu được thực hiện dễ dàng hơn tiết kiệm được thời gian và công sức. Sáng kiến này đã góp phần giảm được công hao phí, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Chị Hà áp dụng biện pháp chằng dây nơ dẫn mủ đối với vườn cây nhóm 3 có miệng cạo cao giúp cho những ngày mưa bão cây vẫn khô vẫn cạo được bình thường ước tính tận thu trên 15 % sản lượng thực hiện, giá trị làm lợi gần 300 triệu đồng. Với những sáng kiến hữu ích trong công việc và thành tích xuất sắc, 4 anh chị đều được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền, được tỉnh Đồng Nai, Bộ NN&PTNT, VRG trao tặng bằng khen.
Trong buổi họp xét các hồ sơ tham dự giải thưởng Cao su Việt Nam, ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG đánh giá cao hồ sơ của 4 công nhân trực tiếp của TCT Cao su Đồng Nai. Ông nhấn mạnh: “Cả 4 tấm gương lao động đều xứng đáng nhận giải thưởng Cao su Việt Nam. Việc trao giải thưởng cho 4 công nhân khai thác trên vườn cây không chỉ ghi nhận, biểu dương những đóng góp của anh chị em đối với sự phát triển của ngành mà còn góp phần thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo ngày càng mạnh mẽ trong toàn VRG”.
Chia sẻ cảm xúc sau khi được nhận giải thưởng, chị Lệ Quyên cho biết: “Tôi vào làm công nhân cao su được 17 năm, trong suốt thời gian công tác, tôi luôn nỗ lực để hoàn thành tốt công việc của mình. Sự cống hiến của tôi cũng như NLĐ trong ngành đều được lãnh đạo VRG và Công đoàn CSVN ghi nhận bằng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý. Điều này giúp chúng tôi có thêm niềm tin, tình yêu lao động và tiếp tục cống hiến”.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Yokohama tạo ra cao su chống nứt bằng công nghệ hạt nano
- Nữ công nhân "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà"
- Campuchia xuất khẩu cao su từ tháng 1 đến tháng 5 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái
- Tấm gương điển hình trong xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật
- Các đơn vị khu vực Đông Nam bộ thắng lợi trên các lĩnh vực
- VRG mong muốn hợp tác cùng Đại học Nông Lâm trong nhiều lĩnh vực
- Góc nhìn khác về một con người tận tâm vì công việc
- Lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp có kết quả kinh doanh vượt trội
- "Khát" mưa!
- Vinh quang thuộc về người thợ