CSVN – Là bố, mẹ tuyển thủ U23 và đội tuyển Quốc gia Việt Nam Lương Duy Cương, nhưng cả chị Nguyễn Thị Nhung – Công nhân khai thác tổ 3 và anh Lương Văn Cử – Bảo vệ tổ 2, Nông trường Đoàn Kết – Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang không được nhiều người biết đến cho đến khi Đội tuyển U23 Việt Nam giành Huy chương vàng (HCV) SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 6 – 22/5/2022.
Chúng tôi bắt đầu câu chuyện với anh chị về niềm hạnh phúc của bậc làm cha, làm mẹ khi có người con tạo nên sự tự hào cho hàng chục triệu trái tim với chức vô địch SEA Games 31 của Đội tuyển U23 Việt Nam tổ chức ngay trên quê hương mình, đó là trung vệ Lương Duy Cương.
“Hết sức vinh dự và tự hào. Chúng tôi không nghĩ Cương sẽ có một ngày như thế, bởi chúng tôi chỉ nghĩ là cháu đam mê bóng đá, không nghĩ cháu theo con đường bóng đá chuyên nghiệp và cũng thật sự quá bất ngờ, hạnh phúc với những thành tích mà Cương đã làm được”, anh Cử chia sẻ.
Hành trình trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp của Lương Duy Cương hết sức gian nan, vất vả. Theo chị Nhung: “Khi mới 4 tuổi Cương đã rời xa vòng tay của chúng tôi. Cháu ở lại Thái Nguyên cùng ông bà ngoại, còn chúng tôi vào huyện Đăk Đoa làm công nhân cao su. Tôi còn nhớ, Cương nó mê bóng đá lắm, đúng với từ “ăn ngủ cùng quả bóng”, nhiều khi còn nằm mơ nữa. Mới đi học mẫu giáo mà lúc nào cũng chơi với bóng”.
Theo lời chị Nhung, ở quê nhà Cương bắt đầu thực hiện ước mơ của mình từ những giải bóng đá phong trào trong trường học, ở làng xã, rồi huyện và lên tỉnh chơi cho đội tuyển năng khiếu, rồi đội bóng bị giải thể vì nhiều lý do, Cương được một người thầy giới thiệu xuống đội bóng Hà Nội FC. Tuy nhiên, trong đội Hà Nội có nhiều cầu thủ giỏi, do đây là đội bóng có cùng một ông chủ với Đội SHB Đà Nẵng là Đỗ Quang Hiển nên Cương được đưa về đội trẻ của SHB Đà Nẵng và Cương chơi bóng chuyên nghiệp từ đó đến bây giờ.
“Chúng tôi xa cách nhau từ lúc cháu còn nhỏ nên khả năng tự lập của Cương rất cao. Cháu cũng ít nói nhưng mỗi khi đá bóng thắng hay gọi về khoe. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng đi xuống Đà Nẵng xem cháu đá bóng, khi về Gia Lai thi đấu, cháu cũng gọi mời chúng tôi đến xem rồi còn cho nhiều vé, chúng tôi mời anh em trong nông trường đi xem cùng, vui lắm. Các anh chị ở nông trường cổ vũ nhiệt tình cho Cương hơn cả chúng tôi vậy, đôi khi thấy ngại vì mình ở Gia Lai mà đi cổ vũ cho đội ở Đà Nẵng, nhưng nhiều người không biết trong đội Đà Nẵng có con trai chúng tôi”, chị Nhung cười nói.
Gia đình chị Nhung thường gặp nhau đoàn viên vào những ngày cuối năm ở Thái Nguyên. Chị gái Cương cũng từng là một VĐV năng khiếu của tỉnh ở môn Vovinam, nay đã lập gia đình, sinh sống ở Thái Nguyên, còn người em út sinh năm 2016 đang sống cùng chị Nhung và anh Cử.
Anh chị vào Gia Lai lập nghiệp với nghề cạo mủ từ năm 2006 theo lời giới thiệu của một người quen. Chị Nhung chia sẻ thêm về nghề cạo mủ: “Ban đầu cứ nghĩ là đi xa làm việc một thời gian thôi, nhưng khi vào làm công nhân một thời gian, tôi thấy thích công việc này. Ngoài thu nhập từ lương cố định hàng tháng, các chế độ được đơn vị cấp phát đầy đủ, còn được tham gia thi tay nghề, một Hội thi rất đặc biệt của công nhân cạo mủ. Dù tham gia nhiều lần ở cấp cơ sở, tuy chưa có thành tích cao nhưng tôi rất thích cảm giác của những người thợ cạo mủ mỗi khi đơn vị phát động phong trào “Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi”.
GIA LINH
Related posts:
- 11 chương trình biểu diễn tại Hội thi Tiếng hát CN Cao su KV III
- Cầu thủ "đá cặp" với showbiz: Mối quan hệ "cộng sinh"?
- Video Clip Hội thi 85 năm khu vực II
- 125 năm cây cao su ở Việt Nam: Thời kỳ phát triển và các bước thăng trầm
- Tổ chức Cuộc thi ảnh báo chí – nghệ thuật “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” lần thứ VI năm 2024
- Liên hoan tuyên truyền ca khúc ngành cao su: Thi trực tuyến vẫn sôi nổi, hào hứng
- Những tấm gương sáng phụ nữ trong lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam
- LỜI CẢM TẠ
- Khai trương King Coffee đầu tiên Việt Nam tại Gia Lai
- Từ cuộc bùng nổ cao su 1910 đến cuối kế hoạch Stevenson