Đầu năm 2022, khi phân tích đánh giá thị trường cao su năm 2022, lãnh đạo Tập đoàn dựa trên xu hướng thị trường phục hồi tích cực của năm 2021, đặc biệt dựa trên phân tích các số liệu dự báo về các yếu tố cơ bản (Fundamental) như: Xu hướng cung cầu cao su, giá dầu, thị trường cao su năm 2022 ngoài dự báo xu hướng đồng USD mạnh lên có thể tác động hạn chế sự phục hồi của giá cao su, các yếu tố cơ bản còn lại được dự báo tương đối thuận lợi không chỉ riêng cho năm 2022 mà sẽ tiếp tục thuận lợi cho những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, diễn biến địa chính trị trên thế giới ngày càng phức tạp và có tác động đến mọi mặt từ quân sự, chính trị đến kinh tế xã hội trên quy mô toàn cầu. Hệ quả của diễn biến địa chính trị này là tình hình lạm phát tăng mạnh và lan rộng trên toàn cầu. Lạm phát tại Mỹ và Châu Âu tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm. Để
chống lạm phát, làn sóng tăng lãi suất bắt đầu lan rộng ở hầu hết các quốc gia. Đặc biệt, Cục dự trữ liên bang Hoa kỳ (FED) liên tiếp tuyên bố tăng lãi suất chưa từng có. Động thái này khiến cho đồng USD tăng giá cao hơn rất nhiều so với dự kiến trước đó. Đồng USD tăng giá khiến cho giá cả hàng hóa nói chung chịu áp lực giảm. Diễn biến này dẫn đến một nguy cơ tiếp theo sẽ là suy thoái kinh tế. Điều này đã tác động tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu cơ khiến cho giá cả tiếp tục chịu áp lực.
Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục kiên định chính sách zero Covid, ngay cả sau Đại hội Đảng của nước này, chính sách vẫn tiếp tục duy trì bất chấp hệ quả tác động đến nền kinh tế của Trung Quốc. Ngoài ra, trên thị trường trong nước, ngoài chính sách siết chặt tín dụng của chính phủ, chính sách hoàn thuế VAT cũng đã gây trở ngại không ít đến hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.
Do đó, bất chấp các yếu tố cơ bản như giá dầu cao và tình hình cung cầu cao su tương đối cân bằng, các yếu tố phi cơ bản (Non-fundamental) như lạm phát, suy thoái kinh tế, chính sách zero Covid… đã lấn át các yếu tố cơ bản khiến cho nhu cầu đầu cơ cũng như nhu cầu sản xuất sụt giảm đáng kể. Hệ quả là thị trường cao su chịu áp lực giảm liên tục, đặc biệt là từ tháng 8 đến cuối tháng 11. Giá cao su bình quân năm 2022 đã sụt giảm đáng kể so với năm 2021, trong khi chi phí sản xuất tăng đã khiến cho lợi nhuận thấp hơn so với dự kiến.
Mặc dù thị trường cao su diễn biến không như dự báo, công tác tiêu thụ đã có những khó khăn nhất định do nhu cầu yếu, giá giảm, hoạt động thương mại trong nước khó khăn nhưng lãnh đạo Tập đoàn đã rất chủ động thông qua công tác theo dõi, phân tích, dự báo hàng tuần để có chính sách điều chỉnh giá một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp với xu hướng thị trường, không bị động, bất ngờ, đồng thời vận dụng nhiều chính sách khác để hỗ trợ đối tác, khách hàng và hỗ trợ công tác tiêu thụ của các công ty thành viên.
Kết quả năm 2022, Tập đoàn vẫn bảo đảm kế hoạch tiêu thụ gần 500.000 tấn cao su, bảo đảm mức tồn kho hợp lý, cũng như giải tỏa khó khăn về tài chính, bảo đảm tiền lương và đời sống của NLĐ. Tuy vậy, mặc dù doanh thu giảm do giá bán giảm đã được bù đắp một phần nhờ chủ động tăng tiêu thụ sản lượng khai thác vượt kế hoạch nhưng lợi nhuận cao su thấp hơn dự kiến do giá bán giảm.
Như trên đã phân tích, thị trường cao su năm 2022 đang bị tác động chủ yếu bởi các yếu tố phi cơ bản như lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế, đồng USD tăng giá và các chính sách vĩ mô khác lấn át các yếu tố cơ bản thuận lợi khác như cán cân cung cầu cao su đang hướng đến giai đoạn cân bằng và thiếu hụt, giá dầu duy trì ở mức cao, nhu cầu phục hồi sản xuất rất cao là những yếu tố hỗ trợ cho giá cao su.
Điều đó có nghĩa rằng, thị trường cao su năm 2023 sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến của các yếu tố phi cơ bản nói trên. Yếu tố lạm phát trên thế giới hiện nay có vẻ như đang đạt đỉnh và thị trường đang hướng tới một hệ quả tiếp theo là nguy cơ suy thoái kinh tế được dự báo sẽ rơi vào năm 2023. Bên cạnh đó, tình hình diễn biến địa chính trị trên thế giới vẫn còn phức tạp nên diễn biến của các yếu tố phi cơ bản là không thể lường trước. Cũng vì vậy mà rất khó đánh giá đối với thị trường cao su năm 2023.
Tuy nhiên, theo logic thông thường, miễn là lạm phát được kiềm chế, tình hình địa chính trị không diễn biến theo xu hướng phức tạp hơn, chính sách tiền tệ sẽ hướng đến giai đoạn kích thích tăng trưởng để chống nguy cơ kinh tế suy thoái. Theo đó, mặc dù bối cảnh kinh tế nói chung không mấy tích cực nhưng sẽ là một xu hướng tốt hơn cho thị trường khi nhu cầu sản xuất được hỗ trợ, kích thích tâm lý của các nhà đầu cơ.
Đối với thị trường cao su, các yếu tố cơ bản như đã đề cập là tương đối thuận lợi. Đó cũng là lý do thị trường cao su năm 2022 không giảm sâu hơn trong bối cảnh khó khăn như đã đề cập. Thực tế cho thấy, mức giá cao su trung bình năm 2022 mặc dù sụt giảm đáng kể so với năm 2021 nhưng vẫn cao hơn so với năm 2020.
Từ các phân tích trên đây, có thể thấy rằng thị trường cao su năm 2023 vẫn còn chịu áp lực trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung không mấy tích cực. Tuy nhiên, đối với ngành cao su, các yếu tố cơ bản thuận lợi sẽ hỗ trợ không khiến cho thị trường cao su sụt giảm sâu hơn. Thị trường cao su có cơ hội phục hồi khi các yếu tố phi cơ bản chuyển biến tốt hơn. Nếu xét riêng các yếu tố cơ bản, thị trường cao su sẽ có cơ hội bước sang thập niên của chu kỳ phục hồi sau chu kỳ suy giảm vừa qua.
Hầu hết các đơn vị thành viên của VRG trong quá trình SXKD đã từng trải qua các giai đoạn thăng trầm của thị trường cao su nên hầu hết cũng tích lũy những bài học kinh nghiệm, nên biết cần phải làm gì để tồn tại và phát triển một cách bền vững. Đối với các đơn vị thành viên mới vừa hoàn thành giai đoạn KTCB và bước vào giai đoạn kinh doanh gần đây cũng đã có sự chia sẻ thông tin trong nội bộ VRG cũng như sự hỗ trợ, chỉ đạo tích cực từ lãnh đạo VRG.
Ở đây xin nhấn mạnh thêm một khía cạnh góp phần quan trọng trong vấn đề nâng cao khả năng thích nghi với các biến động của thị trường, đó là khả năng tiếp nhận thông tin phân tích, dự báo. Về bản chất, mọi thông tin phân tích, dự báo được đầu tư rất nghiêm túc cũng chỉ dựa trên hiện trạng của xu hướng và giả định một số yếu tố được xem là biến số cơ bản, không thể bao gồm nhiều biến số khác.
Do đó, thông tin phân tích cần phải được cập nhật thường xuyên và điều chỉnh dự báo trên mối quan hệ logic khi các biến số khác xuất hiện. Điều đó sẽ giúp cho lãnh đạo các đơn vị chủ động các chính sách thích nghi một cách kịp thời, không bị động, bất ngờ khi thị trường thay đổi. Thái độ quá lạc quan với dự báo sẽ bị động khi thị trường diễn biến không như dự báo, ngược lại, quá bi quan sẽ làm mất cơ hội nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh khi thị trường diễn biến tốt hơn.
Ngoài ra, không có một công thức chung cho tất cả các đơn vị thành viên của VRG trong việc xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh. Mỗi đơn vị cần có đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của đơn vị mình để tập trung xây dựng thế mạnh của đơn vị nhằm định vị thương hiệu của đơn vị mình trên thị trường.”
TRẦN HUỲNH (ghi)
Related posts:
- VRG sẽ vinh danh tuyến đầu chống dịch
- 20/10 - Vui như nữ Sa Thầy
- Cơ khí Cao su chia cổ tức 6%
- Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên: Xanh - sạch - thân thiện với môi trường
- Kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid -19
- Dự báo giá cao su tiếp tục phục hồi
- “Mẹ truyền con nối” 20 năm cống hiến, gắn bó với nghề
- Mục tiêu đến năm 2030: Sản xuất gỗ tinh chế quy mô lớn
- 12 chỉ đạo của Tổng giám đốc Tập đoàn ngay từ đầu năm
- Rừng cao su: nơi sinh tồn của nhiều động thực vật
Bài viết rất hay, xin cảm ơn