CSVN – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các Bộ ngành sẵn sàng ủng hộ, và Hiệp hội Cao su Việt Nam cần phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững.
“Cây cao su là cây đa mục đích, được sử dụng cho cả mục đích nông nghiệp và lâm nghiệp, cao su đã đóng góp không nhỏ trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, môi trường và quan hệ chính trị – ngoại giao. Quá trình phát triển cây cao su tại Việt Nam đã hình thành 125 năm và hiện nay phát triển hơn 30 tỉnh thành của Việt Nam và tại Lào, Campuchia.
Việt Nam hiện có khoảng 930.500 ha cao su, trong đó có 265.000 hộ trồng cao su tiểu điền, với diện tích 495.700 ha, tương đương 53,3% tổng diện tích cao su cả nước. Phần còn lại là cao su đại điền, chủ yếu thuộc các công ty cao su Nhà nước và một số ít là công ty tư nhân, doanh nghiệp FDI. Thời gian qua, ngành cao su đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 để hoàn thành nhiệm vụ.
Mặc dù vậy, ngành cao su trong nước vẫn còn tồn tại tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm, thị trường xuất khẩu, cao su tiểu điền có diện tích lớn nhưng gặp nhiều khó khăn. Bối cảnh mới cùng với những khó khăn còn tồn tại lâu nay đặt ra nhiệm vụ cho ngành cao su cần kế hoạch hành động cụ thể và định hướng chiến lược rõ ràng. VRA có trách nhiệm rất lớn trong việc thống nhất yêu cầu phát triển bền vững, cùng các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới.
Về thị trường, trong giai đoạn 2018 đến nay, lượng cao su thiên nhiên Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc luôn chiếm hơn 50% tổng lượng xuất khẩu. Trung Quốc cũng là thị trường chính của Việt Nam. Cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc và chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các thị trường khác.
Việt Nam có những doanh nghiệp sản xuất cao su có chất lượng cao, đảm bảo đạt tiêu chuẩn cao su quốc gia cao hơn tiêu chuẩn quốc tế (ISO). Thế nhưng, nghịch lý là giá bán bình quân của cao su Việt Nam xuất khẩu vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực. Nguyên nhân chính do khách hàng chưa tin cậy vào sự ổn định chất lượng và uy tín thương mại của doanh nghiệp Việt Nam; nhất là đối với nguồn cao su của tiểu điền. Nguồn này đang chiếm trên 60% tổng sản lượng cả nước nhưng chất lượng chưa ổn định, chưa đồng đều và chưa có hệ thống kiểm tra chất lượng từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh yêu cầu đảm bảo về chất lượng và uy tín kinh doanh, ngày càng nhiều khách hàng cần nguồn nguyên liệu cao su được chứng nhận sản xuất hợp pháp và bền vững bởi các tổ chức độc lập.
Không chỉ mất cân đối ở thị trường xuất khẩu (phần lớn sang Trung Quốc), ngành cao su mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu chỉ 18-20%. Sản phẩm cao su thiên nhiên vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn. Từ thành quả xuất khẩu, ngành cao su phải định hướng đến 2030, chế biến cao su phải nằm trong top 10 thế giới.
Các Bộ ngành cần có chính sách khuyến khích phát triển và sử dụng nhiều hơn sản phẩm cao su sơ chế để sản xuất ra sản phẩm công nghiệp trong nước. Nghĩa là cơ cấu sản phẩm cần phù hợp hơn. Bởi vì, nhu cầu trong nước chỉ mới sử dụng 20-30% cao su thiên nhiên. Phần còn lại là xuất khẩu và giá trị gia tăng chưa cao.
Hiện nay, diện tích cao su đạt chứng chỉ bền vững chỉ mới đạt hơn 10% và đa số là diện tích của các đơn vị thuộc các VRG. Ngành cao su cần phải tìm cách mở rộng diện tích đạt chứng chỉ rừng bền vững ra các doanh nghiệp ngoài Tập đoàn, nhất là ở diện tích cao su tiểu điền.
Từ vấn đề chất lượng cao su, cho đến chứng chỉ bền vững hiện vẫn đang xoay quanh tiểu điền. Đây là bài toán mà VRA và các cơ quan quản lý cần sớm tháo gỡ. VRA cần phối hợp các ban ngành xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn, từng bước chuyển tiểu điền sang đại điền và nâng cao năng lực cho nông hộ. Quốc hội đang tiến hành sửa đổi Luật Hợp tác xã (HTX) để phát triển tốt hơn mô hình kinh tế tập thể. Khi liên kết tốt hơn trong HTX, các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước sẽ đến được với nông hộ cao su tiểu điền tốt hơn. Cả nước mới chỉ có 36 HTX ở các tỉnh thành trồng cao su. Việc giúp nông hộ liên kết trong HTX là định hướng đúng.
Hiện nay, khâu quy hoạch không còn quy hoạch riêng từng ngành, mà nhập vào quy hoạch kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên, từ những đóng góp lớn lao đối với kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng, ngành cao su cần có một cơ sở pháp lý cụ thể để phát triển dài hơi; cụ thể là phải định hướng phát triển đến 2030, tầm nhìn 2045. Các Bộ ngành sẵn sàng ủng hộ và VRA cần phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững”.
TUỆ LINH (thực hiện)
Related posts:
- "Dù trong hoàn cảnh nào cũng chăm lo tốt đời sống người lao động"
- Ông Lê Đức Hân giữ chức Bí thư Đảng ủy Cao su Kon Tum
- Công tác phối hợp giữa VRG và địa phương ngày càng tốt hơn
- Phước Hòa tuyên dương 58 gia đình công nhân
- Xử lý nước thải không dùng hóa chất
- VRG làm tốt công tác thi đua khen thưởng
- Không để bệnh hại lây lan gây ảnh hưởng đến sản lượng
- Cao su Đồng Nai: Nhiều giải pháp giữ chân người lao động
- Cao su Krông Buk đề ra 9 giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022
- Cao su Bình Long: Lương bình quân tháng 9 đạt 7,2 triệu đồng