CSVNO – Tại Hội thảo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững do Hiệp hội Cao su Việt Nam phối hợp cùng Bộ NN&PTNT và VRG tổ chức vào ngày 8/11, các doanh nhiệp đã phản ánh thực tế về những khó khăn do cơ chế, chính sách gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành cao su Việt Nam.
Ngành cao su Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách. Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Cao su VN (VRA), cho biết, 4 chính sách hiện nay doanh nghiệp ngành cao su đang gặp vướng mắc lớn, bao gồm: Chính sách thuế (Thuế giá trị gia tăng và Thuế thu nhập doanh nghiệp). Chính sách tài chính đối với đất đai (Tiền thuê đất đối với diện tích đất cao su trồng tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản). Chính sách môi trường (Chính sách môi trường trong chế biến cao su). Chính sách về phát triển thương hiệu ngành cao su.
“Cây cao su là cây đa mục đích, được sử dụng cho cả mục đích nông nghiệp và lâm nghiệp, cao su đã đóng góp không nhỏ trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, môi trường và quan hệ chính trị – ngoại giao. 4 chính sách thuế, tài chính đối với đất đai, môi trường, phát triển thương hiệu gây vướng mắc và nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cao su. Vì vậy, việc tăng cường đối thoại giữa các bên vì vậy trở nên vô cùng thiết yếu nhằm phản ánh thực tế về những khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, hướng tới định hướng những kiến nghị phù hợp, hỗ trợ việc đảm bảo, nâng cao lợi thế cạnh tranh về giá thành, chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững ngày càng khắt khe của ngành cao su Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế” – ông Trần Ngọc Thuận, nhận định.
Theo ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA, sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên sẽ trở nên gay gắt hơn về giá thành. Chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững ngày càng khắt khe.
Mặt khác, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc. Việt Nam chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu của các thị trường khác. Vì thế, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn khác như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Trong nước, cơ chế chính sách chưa đồng bộ cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngành cao su. Một số chính sách thuế gây vướng mắc và nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cao su như: phải kê khai thuế giá trị gia tăng đối với cao su sơ chế trong khâu kinh doanh thương mại, chưa được hưởng chính sách như các sản phẩm trồng trọt khác, chính sách thuế thu nhập từ gỗ cao su trên vườn cây như thu nhập bất thường. Mặt khác, việc xây dựng thương hiệu ngành cao su chưa nhận được sự hỗ trợ phát triển đồng bộ từ các cơ quan Bộ ngành.
Một trong những vấn đề gây bức xúc là doanh nghiệp xuất khẩu cao su phải nộp thuế giá trị gia tăng. Mặc dù doanh nghiệp sẽ được hoàn lại sau khi xuất khẩu, nhưng thời gian chờ phải từ 4-9 tháng; đã có trường hợp còn lâu hơn, có doanh nghiệp còn tồn đọng thuế hoàn cả trăm tỷ đồng. Điều này gây tốn kém chi phí để trả lãi suất vay ngân hàng cho số vốn tạm nộp thuế giá trị gia tăng. Khó khăn này càng lớn khi doanh nghiệp xuất khẩu càng nhiều. Do vậy, một số doanh nghiệp đã giảm xuất khẩu cao su hoặc chuyển sang nông sản khác.
Nếu khó khăn này không được tháo gỡ, xuất khẩu cao su sẽ không đáp ứng được tiềm năng sản lượng của hơn 265.000 hộ tiểu điền (chiếm trên 60% sản lượng cả nước), trong bối cảnh giá thấp kéo dài và nhu cầu cao su sụt giảm.
Trên cơ sở ghi nhận ý kiến các đơn vị, VRA đề nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thu hoạch gỗ cây cao su thanh lý như với các sản phẩm trồng trọt khác. Bởi vì, cao su cũng là một nông sản như những mặt hàng nông sản khác. Việc trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và thanh lý cây cao su được thực hiện theo một chu kỳ liên tục.
Việc thanh lý cây cao su cũng giống như các loại cây trồng, vật nuôi khác, khi thanh lý có giá trị thu hồi. Tuy nhiên, các loại cây trồng, vật nuôi khác được hưởng chính sách miễn thuế trong khi cây cao su lại phải chịu mức thuế cao. Sự thiếu đồng bộ về chính sách thuế đã tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản và thủy hải sản.
Với chính sách tài chính đối với đất đai, VRA đề nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất trồng của vườn cây cao su tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản. Cao su là cây trồng lâu năm, giai đoạn xây dựng cơ bản kéo dài khoảng 6 – 8 năm. Sau 20 – 25 năm thu hoạch mủ, cây cao su sẽ được khai thác gỗ để trồng lại và tiếp tục chu kỳ tiếp theo.
Để tái canh, các doanh nghiệp cao su cần tập trung vốn đầu tư cho công tác phục hoang, trồng mới, chăm sóc trong 6 – 8 năm. Dự án trồng cao su tái canh là dự án độc lập với dự án trồng cao su chu kỳ trước đó.
Trong thời gian xây dựng cơ bản ở chu kỳ mới, diện tích cao su tái canh chưa có sản phẩm, nên chưa có doanh thu, lợi nhuận. Doanh nghiệp khi đó không có nguồn để nộp tiền thuê đất. Để thực hiện nghĩa vụ tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản của diện tích cao su tái canh chưa có nguồn thu, doanh nghiệp buộc phải vay vốn, càng gây thêm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp.
Mặt khác, tiền thuê đất sẽ hạch toán vào chi phí đầu tư của vườn cao su tái canh, tính khấu hao vào giá thành sản phẩm, làm tăng giá thành trong khi giá bán cao su hiện nay rất thấp. Như vậy, việc nộp tiền thuê đất trong giai đoạn này làm tăng thêm chi phí đầu tư cũng như làm giảm tính cạnh tranh của cao su Việt Nam so với các nước khác.
Thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu thông qua hình ảnh nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam đã được bảo hộ ở nhiều quốc gia tiêu thụ cao su lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ. VRA đề nghị Bộ NN&PTNT cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tham gia để góp phần phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam thành thương hiệu nông sản quốc gia. Có các chính sách hỗ trợ trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh, và đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài tương tự như các nông sản khác.
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính… đồng tình với những báo cáo của VRA về xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong tương lai và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc được nêu tại hội nghị; đồng thời, cam kết sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian tới để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN & PTNT, nhận định: “Qua buổi hội thảo, các Bộ ngành đã ghi nhận, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp ngành cao su. Thời gian tới, VRA sẽ là cầu nối doanh nghiệp cao su với các Bộ ngành liên quan để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, giúp ngành cao su phát triển ổn định. Bên cạnh đó, VRA và VRG phối hợp cùng Bộ NN & PTNT hoàn thiện đề án chiến lược ngành cao su Việt Nam định hướng đến năm 2023 và tầm nhìn đến năm 2045”.
TRẦN HUỲNH – VŨ PHONG
Related posts:
- Cơ khí Cao su sẽ đẩy mạnh cải tiến công nghệ sản xuất
- Nông trường 7 giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Lộc Ninh
- Cao su Mang Yang khen thưởng 2 tổ hoàn thành kế hoạch
- Hội thi "Bàn tay vàng": Còn đó những dư âm
- Hăng hái ra quân đầu năm
- Các dự án cao su tại Campuchia đã phát huy hiệu quả
- Góp sức xây dựng nền sản xuất cao su thiên nhiên bền vững
- Ông Trần Ngọc Thuận tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Cao su VN
- Trao nhà tình nghĩa cho "Bàn tay vàng" ngành cao su 2014
- VRG Bảo Lộc đạt kỷ lục các chỉ tiêu