CSVN – Từ khi còn nhỏ, mỗi lần được Mẹ chở trên chiếc xe đạp đi ngang vườn cây cao su. Tôi luôn hỏi Mẹ, cây cao su có tự bao giờ mà trải rộng bạt ngàn và kết thành như một đường hầm dài hun hút. Mẹ luôn ân cần bảo: “Cây có từ thời Pháp rồi con. Ông bà ngoại cũng là công nhân cao su, rồi bây giờ đến Mẹ…”.
Khi tôi bắt đầu đi học cũng là lúc theo chân Mẹ vào lô lượm hạt cao su để lấy tiền mua sách vở… Nhớ những hôm được ngồi ăn cơm chung với Mẹ, dưới tán rừng cao su, tiếng “tóc-tóc” từ hạt cao su nổ vang khắp một khu rừng, hương thơm bay thoang thoảng, tuy canh rau đạm bạc nhưng những bữa cơm ấy ngon một cách kỳ lạ, vẫn còn in đậm trong trí nhớ tôi cho đến tận bây giờ…
Tôi nhớ thời đó, lương còn thấp lắm, nhưng bằng sự gói gém, bữa cháo, bữa rau, Mẹ đã nuôi các anh chị và tôi lớn lên từng ngày. Nhiều đêm cả gia đình quây quần trong gian nhà tranh vách đất. Bên nồi cháo nấm mối thơm lừng, Mẹ thường nói “Cả đời của Mẹ đã gắn liền với cây cao su. Nghề công nhân cao su tuy vất vả, cây cao su tuy hút hơi người nhưng thực ra nó hiền. Rừng cao su đã bao bọc cho cả gia đình mình. Sau này, tụi bây đứa nào theo được thì theo…”. Mẹ nói vậy thôi nhưng tôi biết, Mẹ mong mấy anh chị tôi có người sẽ nối nghề của Mẹ, đặc biệt là kế thừa những con dao cạo mủ “báu vật” được Mẹ nâng niu từng ngày. Và như một truyền thống, phần đông các anh chị tôi lớn lên đều gắn liền với rừng cao su, người thì làm công nhân, người thì làm bảo vệ… và tôi cũng không thể bước ra ngoài “lằn ranh” truyền thống đó.
Tính ra cho đến giờ, cuộc đời tôi phần nhiều đều gắn liền với rừng cao su, tuy cũng có đôi lần “tung tăng” để tìm công việc và cảm giác khác nhưng thấy “thiếu thiếu” rồi vẫn phải quay trở về chốn cũ. Nay đã hơn 40 tuổi nhưng tôi vẫn thích cái cảm giác được đi giữa “đường hầm cao su” mát rười rượi, vẫn thích được tận hưởng nhổ nấm mối trong rừng cao su hay bị “lạc hồn” khi rừng cao su vào mùa thay lá. Đặc biệt, vẫn thích được ngồi ăn cơm chung với Mẹ trong rừng cao su nhưng chắc chắn không bao giờ thực hiện được…
Tròn hai mươi năm gắn bó với nghề, đã đôi lần nhìn thấy từng rừng cây cao su ngả xuống, những mầm xanh mới mọc lên như một vòng tuần hoàn của con người, đôi lần được chung vui cùng các bạn trẻ nên duyên dưới tán rừng cao su, đôi lần nhìn thấy các thế hệ tiếp nối truyền thống gia đình để trở thành công nhân cao su…giúp cho góc nhìn cuộc sống của mình cũng chậm lại hơn, an nhiên, tự tại như rừng cao su đung đưa theo gió.
Và cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, sự kết nối phẳng giữa các quốc gia, dưới tán rừng cao su bây giờ không chỉ trồng để lấy mủ, lấy gỗ, lấy hạt mà thay vào đó còn được trồng xen thêm hoa màu, chuối… Hơn thế nữa, rừng cao su đã nhường chỗ cho các Khu công nghiệp để tăng hiệu quả sự dụng đất và đem lại nguồn lợi kinh tế cho nước nhà.
Nhìn những khu công nghiệp mới được mọc lên trên đất cao su, nhìn những người công nhân cao su năng động bước chân vào các xí nghiệp, nhà máy, nhìn những quả dưa hấu, quả gấc căng tròn được trồng xen giữa rừng cao su… một niềm vui len nhẹ vào lòng. Cuộc sống vốn dĩ luôn vận động và rừng cao su cũng vậy. Và dù cho có bao nhiêu sự đổi thay trên đất rừng cao su thì những ký ức xưa vẫn luôn còn lưu lại trong tâm trí mỗi người. Nó như là một sợi dây kết nối các thế hệ công nhân cao su, dù đi đâu, về đâu thì vẫn nhớ, ở một nơi nào đó, luôn có một rừng cao su đang chờ chúng ta trở về.
MỘC THẠCH
(Cao su Phước Hòa)
Related posts:
- Kế thừa tình yêu cao su qua 4 thế hệ
- Mẹ con mình là một phần của truyền thống!
- Cao su Mang Yang: Trang bị 26 tủ lạnh cho các tổ sản xuất
- Cao su Điện Biên: Người lao động được hỗ trợ gần 230 triệu đồng
- Giá cao su thiên nhiên tăng mạnh nhất trong vòng hơn 40 năm
- Đong yêu thương, thêm cảm xúc
- Công đoàn Cao su Chư Sê tổ chức Đại hội điểm khu vực Tây Nguyên
- Hội thao CNVC – LĐ VRG: Giao lưu, chia sẻ, học hỏi
- Hiến kế giữ chân người lao động
- Phong bao