CSVN – Thu lãi từ 300 – 400 triệu đồng/năm từ trang trại nuôi gà giữa rừng cao su, chị Nguyễn Thị Thanh Hà – công nhân khai thác Đội 4, Nông trường (NT) Lai Uyên, Công ty CPCS Phước Hòa là điển hình phát triển kinh tế gia đình được nhân rộng ở đơn vị vì mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định.
“Nếu ai hỏi bí quyết nào có được thành công như ngày hôm nay, tôi vẫn thẳng thắn nói rằng đó là hiệu quả sau những lần thất bại và sự tự tìm tòi học hỏi, nỗ lực không ngừng” – chị Thanh Hà mở đầu câu chuyện. Với số tiền chắt chiu từ nghề công nhân khai thác, năm 2017, vợ chồng chị Thanh Hà và anh Nguyễn Hữu Bắc đầu tư hơn 200 triệu đồng làm chuồng trại nuôi 2.000 con gà. Thời gian đầu mày mò nghiên cứu nuôi gà thương phẩm khó khăn vất vả vô cùng do chưa có nhiều kinh nghiệm. Sau 5 năm, gia đình chị Hà đã mở thêm 3 chuồng trại nuôi hơn 20.000 con gà lớn và 5.000 con gà úm.
Hiện nay, các giống gà được nuôi theo mô hình công nghiệp với chất lượng thịt thấp, mềm và bở, khiến người tiêu dùng không mấy mặn mà. Do cách nuôi bán tự nhiên của gia đình chị Hà, nên gà cho thịt chắc và ngon hơn so với gà công nghiệp thông thường. Gà thương phẩm của gia đình chị được nhiều người dân và thương lái khắp nơi mua với giá cao vì cho thịt ngon.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, chị Hà chia sẻ: “Mỗi đợt gia đình mình xuống giống khoảng 5.000 con gà con giống Minh Du – Bình Định. Gà con nuôi vất vả hơn do phải cho ăn ngày 4 – 5 lần, tiêm vaccine thường xuyên, tiêm ngừa đa số 2 vợ chồng tự làm. Sau 1 tháng ở trại úm, gà con được chuyển sang chuồng lớn nuôi khoảng 2 tháng thì xuất bán. Gà mái khoảng 2 kg, gà trống từ 2,5 – 3 kg. 1 tháng xuất bán bình quân 5.000 con gà, bình quân mỗi năm thu lãi từ 300 – 400 triệu đồng”.
Điểm đặc biệt khi bước vào trang trại gà của gia đình chị Hà là không hề có mùi hôi, do xịt khuẩn thường xuyên. Bên cạnh đó, ngay từ nhỏ gà đã được cho nghe nhạc. Theo chị Hà, gà nghe nhạc nhằm tránh được tiếng ồn bên ngoài để gà không bị giật mình mà chạy nhảy, đạp chồng lên nhau gây chết do chấn thương và ngộp.
Nhìn cơ ngơi khang trang hơn 2 ha giữa rừng cao su, chúng tôi hỏi chị sắp xếp công việc như thế nào khi vừa là công nhân khai thác hàng năm sản lượng vượt cao, vừa khai thác vườn cao su của gia đình và vừa chăn nuôi trang trại gà. Chị Hà, kể: “Hai vợ chồng mình lập nghiệp hai bàn tay trắng, nên hầu như cắm mặt làm miết. Khoảng 1 – 2 giờ sáng, mình dậy cạo cao su nhà, rồi ra lô NT, sau đó mình về vệ sinh máng cho gà uống nước khoảng hơn 1 tiếng rồi lại ra lô trút mủ. Buổi chiều mình lại loay hoay ở vườn cao su và chăn nuôi gà. Công việc ở trang trại gà do chồng mình làm chính”.
Nhờ sự cần cù, chịu khó, từ hai bàn tay trắng mà giờ đây gia đình chị Hà đã có cơ ngơi ổn định, cuộc sống đủ đầy. Còn bản thân chị Hà lại thấy, nghề này như cái duyên bản thân, mang lại cho mình công việc, thu nhập và cả những niềm vui hàng ngày. Thời gian tới, gia đình chị sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích đất, xây thêm chuồng trại để phát triển mô hình lớn hơn và hiệu quả hơn nữa.
THIÊN HƯƠNG
Related posts:
- Tập trung các giải pháp thúc đẩy sản xuất tại các công ty cao su miền Trung
- Gặp người công nhân 2 lần nhận Bằng khen Thủ tướng
- Dựa vào dân, dẫu khó muôn lần cũng vượt!
- Tháng ba nơi biên giới
- Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG): Vị thế mới, tầm vóc mới (kỳ 2)
- Chào năm mới với niềm vui mừng Xuân dâng Đảng
- VRG Khải Hoàn nâng công suất nhà máy lên 5 tỷ chiếc/năm
- Phát huy truyền thống đoàn kết, đưa nông trường vững bước đi lên
- “Vịn vào cái khó mà đứng lên”
- Chuyên cần quyết định sản lượng