Từ thực tế của đơn vị, Cao su Việt Lào đã xây dựng phương án khắc phục các khó khăn trong quá trình hoạt động tại thị trường nước ngoài để đảm bảo hoàn thành cao nhất kế hoạch SXKD năm 2022.
Đại diện lãnh đạo công ty cho biết, nhận định tình hình năm 2022 là năm có nhiều biến động. Trong đó, dịch bệnh Covid – 19 được khống chế nhưng các biến chủng mới tiếp tục xuất hiện gây ra nhiều khó khăn nhất định. Trung Quốc là nước nhập khẩu cao su hàng đầu thế giới nhưng quốc gia này thực hiện chính sách Zero Covid nên ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cao su của các doanh nghiệp, trong đó có Cao su Việt Lào. Thêm vào đó, xung đột giữa Nga và Ukraine làm ảnh hưởng đến giá nguyên, nhiên vật liệu làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng lớn đến đời sống NLĐ.
Trước tình hình đó, công ty đã xây dựng phương án khắc phục các khó khăn, tập trung vào 3 giải pháp chính. Thứ nhất, tiếp tục tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất. Cắt giảm các hạng mục đầu tư chưa cần thiết, tận thu, sửa chữa lại những công cụ có thể sử dụng được, xây dựng một số bộ định mức mới trong chế biến và chăm sóc vườn cây. Tiết giảm chi phí chế biến, thay đổi nhiên liệu chế biến từ dầu diesel sang gas hoặc hơi nhiệt để giảm bớt chi phí chế biến 500.000đ/tấn sản phẩm. Tuy nhiên, công ty đảm bảo tiền lương và thu nhập của NLĐ không bị ảnh hưởng để NLĐ an tâm công tác.
Thứ hai, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với thực tiễn. Hiện nay sản phẩm của công ty bao gồm 4 chủng loại mủ, bao gồm SVR 3L, SVR 5, SVR 10, SVR 20. Để mở rộng thị trường xuất khẩu, trong thời gian tới công ty thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Giảm bớt sự phụ thuộc vào khách hàng Trung Quốc, mở rộng thị trường ở khu vực Châu Âu.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp. Nhờ việc thực hiện tốt công tác kiểm tra chéo giữa các nông trường, đào tạo tay nghề của NLĐ thường xuyên do đó sản lượng được đảm bảo và công ty luôn nằm trong Câu lạc bộ 2 tấn/ha của VRG từ năm 2015 đến nay. Công ty cũng mạnh dạn đề xuất thay đổi một số cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, tận dụng hết một số diện tích đất trồng cao su không phù hợp để trồng một số cây trồng khác nhằm tăng giá trị kinh tế trên đất.
Quyết liệt trong công tác điều hành và áp dụng đồng bộ các giải pháp trong thời gian qua, nhờ vậy, tính đến ngày 31/8, công ty đã thu mua được 1.112 tấn, vượt hơn 122% kế hoạch; chế biến 11.239 tấn, đạt 60% kế hoạch, doanh thu hơn 316 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 83 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch. Đến ngày 8/9, công ty đã ký hợp đồng bán gần 15.000 tấn, đạt hơn 80% kế hoạch năm.
Ngoài những giải pháp trên, công ty đặc biệt chú trọng đến việc ổn định lao động bằng việc xây dựng mức lương khoán cho NLĐ hợp lý, kết hợp giữa quy trình kỹ thuật khai thác và ngày công lao động để tính phân hạng hưởng lương. Hiện nay thu nhập của NLĐ luôn bằng và cao hơn so với mặt bằng chung trên địa bàn, từ đó đã thu hút được lực lượng lao động lớn, giúp công ty ổn định sản xuất. Tiền lương bình quân năm 2022 ước đạt 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2022, công ty được VRG giao sản lượng khai thác 17.550 tấn, đến ngày 10/9, công ty đã khai thác được 10.082 tấn, đạt hơn 58% kế hoạch. Lãnh đạo công ty cho biết, tập thể NLĐ công ty sẽ tiếp tục phấn đấu để thực hiện hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao.
MINH NHIÊN
Related posts:
- Hội thao CNVC – LĐ VRG: Giao lưu, chia sẻ, học hỏi
- Khúc tráng ca cao su Tây Bắc: [Bài 4] Tình đất, tình người Tây Bắc
- Kinh tế gia đình và trồng xen: Cần thêm sự tiếp sức
- RTAJ đánh giá cao việc thực hiện EUDR tại Cao su Đồng Nai
- Nguyễn Ngọc Tuấn - Tác giả của nhiều sáng kiến hữu ích
- Tổ chức Oxfam Campuchia đánh giá cao việc kết nối cộng đồng của Cao su Chư Sê Kampong Thom
- Cao su Kon Tum 12 năm giữ vững danh hiệu thành viên CLB 2 tấn/ha
- Lễ kỷ niệm 94 năm truyền thống ngành cao su
- Cao su Chư Păh tổ chức hội nghị khoa học kỹ thuật
- “Cao su Phú Riềng có hiệu quả sản xuất kinh doanh nổi bật”