CSVN – Nhằm nâng cao giá trị các loại mủ, Cao su Chư Prông đã cho phối trộn mủ chén – mủ đông – mủ dây – mủ skim với mủ nguyên liệu để sản xuất SVR10. Đây là sáng kiến giúp nâng cao giá trị kinh tế, làm lợi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Khắc phục nhiều hạn chế trong chế biến SVR10
Để nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2005 công ty đã đầu tư dây chuyền chế biến mủ SVR10. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Trưởng phòng Quản lý chất lượng thì: “Qua sản xuất vẫn còn tồn tại một số chỉ tiêu không đạt như: Sản phẩm bị sống hạt, tạp chất chưa loại bỏ hoàn toàn, độ rộng các chỉ tiêu kiểm nghiệm lớn, chi phí sản xuất vượt định mức. Điện sản xuất, chi phí dầu tăng cao, công suất lò sấy chỉ đạt 88,4% so với thiết kế. Việc sản xuất mủ SVR20 từ nguyên liệu mủ dây, mủ skim cũng có nhiều tồn tại về chất lượng, giá bán thấp và đặc biệt về môi trường khí thải tác động lớn đến cộng đồng dân cư”.
Từ thực tế đó, nhóm tác giả gồm ông Võ Toàn Thắng – TGĐ, ông Phan Thanh Hà – Chủ tịch HĐTV và ông Võ Minh Sơn – Phó TGĐ, ông Nguyễn Hoàng Tuấn và ông Lương Quang Hiến đã nghiên cứu đề tài “Hợp lý hóa thiết bị dây chuyền sản xuất SVR10, sản xuất mủ SVR10 từ nguyên liệu phối trộn mủ chén – mủ đông – mủ dây – mủ skim”.
Theo đề tài này, việc sản xuất mủ SVR10 sẽ qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: cán ủ nguyên liệu làm tăng số lần cán rửa gia công cơ so với trước đây. Việc tăng số lần cán, băm, rửa liên tục nhằm loại bỏ tạp chất ngay từ lúc nguyên liệu còn tươi và tờ mủ được cán mỏng đều trước khi phơi ủ; giai đoạn 2: sản xuất thành phẩm, giảm số lần gia công cơ tờ mủ đem cán đã được phơi ủ khô đều, hạt cốm nhỏ đều đồng nhất nên không còn trường hợp hạt to, hạt nhỏ, thời gian sấy được rút ngắn, tăng công suất của lò sấy.
Làm lợi 2 tỷ đồng/năm
Ông Võ Toàn Thắng cho biết: “Thành công của đề tài là chọn phương án sản xuất SVR10 theo một hướng đi mới. Đó là không phải đầu tư thiết bị, không nâng cấp công nghệ sản xuất, chỉ sắp xếp lại một cách hợp lý thiết bị máy cán, lò sấy, bằng cách tăng tần số gia công cơ cho giai đoạn cán ủ, giảm số lần gia công cơ cho sản xuất thành phẩm, loại bỏ một số thiết bị lỗi thời và đưa ra tỷ lệ phối trộn phù hợp giữa các dòng mủ”.
Giải pháp được áp dụng vào sản xuất từ tháng 4/2019. Sau gần 3 năm áp dụng giải pháp, sản phẩm SVR10 của công ty đạt chất lượng sản phẩm thương hiệu VRG theo TCCS 112: 2017. Từ đó góp phần làm ổn định chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giá thành chế biến, đặc biệt là dòng nguyên liệu mủ dây – mủ skim được phối trộn cùng với mủ đông – mủ chén theo một tỷ lệ phù hợp đã tạo nên một sản phẩm có chênh lệch giá bán tới gần 10 triệu đồng/tấn.
Nếu xuất bán mủ skim thì giá chỉ được 26 triệu đồng/tấn, nhưng do thực hiện theo giải pháp phối trộn nên sản phẩm đã bán được với giá 36 triệu đồng/tấn. Với sản lượng phối trộn khoảng 200 tấn/năm thì số tiền làm lợi khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tính từ năm 2019, tổng tiền làm lợi trong 3 năm lên tới 7 – 8 tỷ đồng.
Ông Phan Thanh Hà chia sẻ: “Giải pháp sản xuất SVR10 bằng cách phối trộn các loại mủ là yêu cầu cấp thiết trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho sản xuất, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, từ đó tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của công ty”.
Giải pháp này đã được VRG công nhận vào ngày 7/10/2020; đạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ 10 (2020 – 2021), đạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16.
GIA LINH
Related posts:
- Cạo D4 thể hiện sự vượt trội
- Sáng kiến gắn máng chắn mưa cho miệng cạo trên cao
- Kinh nghiệm khắc phục thiệt hại vườn cây do mưa bão
- Cao su Việt Lào: Mô hình kiểu mẫu tại nước ngoài của VRG
- Tập huấn bảo vệ thực vật tại Campuchia
- Cao su Đồng Nai bứt phá, vươn lên trở thành điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp
- Giải pháp đồng bộ cho cao su miền núi phía Bắc
- Ứng dụng mới về cao su và lốp xe
- Cải tiến van xả áp trên bình phun phòng trị bệnh cao su góp phần tăng năng suất lao động
- Cao su Việt Lào: Mô hình kiểu mẫu tại nước ngoài của VRG (Kỳ 2)