CSVN – Vợ chồng anh Lê Quang Trung, chị Nguyễn Thị Kim Thạch – Công nhân khai thác Tổ 4, Nông trường III, Cao su Lộc Ninh được nhiều người biết đến không chỉ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, mà còn là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Nhờ nuôi dê, đời sống gia đình được cải thiện, giúp anh chị yên tâm gắn bó với công việc.
Dạo một vòng quanh “làng công nhân cao su” ở xã Lộc Thuận, chúng tôi đến nhà vợ chồng anh Trung, chị Thạch vào một buổi chiều nắng gắt, khi anh đang cắt cỏ cho đàn dê ăn. Trong bộ đồ công nhân cao su, mồ hôi đẫm áo, anh cười tươi rói: “Ngoài công việc chính là thu hoạch mủ tại đơn vị, mình còn phát triển chăn nuôi dê. Dê là vật nuôi dễ tính, bởi vậy người xưa có câu “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê”, ý nói nuôi dê rất dễ, không tốn kém. Dê được coi là loài dễ nuôi nhất trong số các loài gia súc. Hầu hết thức ăn cho đàn dê, mình đều trồng trong vườn nhà”.
Dẫn chúng tôi tham quan chuồng dê, anh nói: “Năm 2001, sau khi học hỏi một số mô hình nuôi dê trên địa bàn, mình nhận thấy chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không lớn. Vợ chồng mình đã dùng số tiền tích lũy để đầu tư làm chuồng trại và mua dê về nuôi”.
Nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, đàn dê của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt và mang lại nguồn thu nhập khá. Từ một vài con lúc mới gầy dựng, đến nay, gia đình anh đã có hơn 100 con dê lớn, nhỏ. Bình quân mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con, đặc biệt có những lứa lên đến 3 – 4 con. Dê nuôi khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 25 – 30 kg, được các nhà hàng trong và ngoài địa bàn tiêu thụ hết với giá bán dao động từ 120.000 – 135.000 đồng/kg… Không chỉ bán dê thịt, gia đình anh còn bán con giống. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ nuôi dê.
Theo anh Trung, dê là động vật ăn tạp nên việc kiếm thức ăn cho chúng không khó. Người nuôi có thể tận dụng thức ăn có sẵn trong vườn nhà như lá cây keo, bơ, mít hoặc có thể trồng cỏ voi, dây khoai lang để cho dê ăn. Việc chăm sóc đàn dê cũng đơn giản, chủ yếu cần nắm được các đặc tính của chúng để phòng ngừa dịch bệnh: chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ, sàn gỗ cách mặt đất khoảng 1m vì loài dê không ưa độ ẩm cao. Nuôi dê không quá vất vả do sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh, chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, tẩy giun sán định kỳ và tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho dê.
Nhận xét về anh Trung – chị Thạch, ông Phạm Viết Thuyên – Phó GĐ NT III, cho biết: “Anh Trung là chiến sỹ thi đua liên tục nhiều năm liền và luôn đứng trong tốp đầu của NT về khai thác vượt kế hoạch sản lượng được giao. Gia đình anh chị trở thành hình mẫu phấn đấu của những đôi vợ chồng công nhân trẻ, là tấm gương thực tế gần gũi để học hỏi, noi theo. Những cách làm hay, mô hình hiệu quả, được chúng tôi thường xuyên tuyên truyền trong anh em công nhân được biết, từ đó góp phần nhân rộng phong trào phát triển kinh tế gia đình trong đơn vị. Giúp đời sống công nhân ngày càng phát triển ổn định và giàu có hơn”.
THIÊN HƯƠNG
Related posts:
- Hành trình 35 năm phát triển cao su trên Tây Nguyên
- Mô hình khoán vẫn phát huy giá trị
- Nguyễn Văn Quyên - Gương sáng trong học tập và làm theo Bác
- Làm kinh tế gia đình giỏi để bám trụ với nghề
- “Đừng quay lưng với ngành trong khó khăn”
- Rực rỡ sắc màu đồng bào miền núi phía Bắc tại cao su Bảo Lâm
- Một lòng theo nghiệp cao su
- Ước mong năm mới giá mủ cao su khởi sắc để người lao động có thu nhập tốt hơn
- "Trở về"
- Thế hệ trẻ sẽ đưa ngành cao su lớn mạnh hơn