Phấn đấu khai thác vượt 4,3% kế hoạch

CSVN – Với dự báo điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho công tác sản xuất nông nghiệp, VRG dự kiến năm 2022 tổng sản lượng khai thác toàn VRG vượt 4,3%. Để thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, Ban Quản lý kỹ thuật (QLKT) VRG đã xây dựng và có những hướng dẫn cụ thể đối với từng khu vực nhằm đảm bảo tổ chức tốt công tác thu hoạch mủ.

NLĐ Cao su Bình Long thi đua vượt kế hoạch sản lượng hàng tháng. Ảnh: Vũ Phong
Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống quản lý kỹ thuật

Năm 2021, VRG hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 16 ngày và có 11 công ty, 70 nông trường đạt tiêu chuẩn vào Câu lạc bộ 2 tấn. Toàn VRG khai thác vượt 25.201 tấn, là mức hoàn thành sản lượng cao nhất so với những năm trước đây. Tổng diện tích cao su kinh doanh toàn VRG từ nay đến 2030 có xu hướng giảm dần còn dưới 250.000ha, năng suất tăng dần đến 2030, bình quân năng suất đạt khoảng 1,8 tấn/ha và tổng sản lượng ổn định trong khoảng trên 400.000 – 450.000 tấn/năm.

Tổng sản lượng khai thác năm 2022 được VRG xây dựng là 396.090 tấn. Trong đó, sản lượng trong nước là 243.843 tấn, ngoài nước là 152.247 tấn. Dự kiến đến hết ngày 31/12/2022, toàn VRG sẽ khai thác đạt 413.162 tấn, vượt 4,3% kế hoạch. Tất cả các khu vực đều vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, khu vực Campuchia dự kiến vượt cao nhất với 6,5%, tiếp theo sau là khu vực Tây Nguyên với 6%. Các khu vực khác đều có tỷ lệ vượt từ 1,6% đến gần 3,8%. Năm nay, điều kiện thời tiết khí hậu tương đối thuận lợi cho công tác sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, 6 vùng sản xuất cao su của VRG có những khác biệt rất lớn về khí hậu, thổ nhưỡng, lao động. Do đó, để thực hiện đạt và vượt sản lượng khai thác cần phải có các giải pháp quản lý và kỹ thuật thích ứng với đặc điểm từng vùng trong công tác thu hoạch mủ cao su thì mới mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.

Trước tình hình thực tế đó, Ban QLKT chủ động tham mưu lãnh đạo VRG các biện pháp quản lý và điều hành phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, đồng thời chủ động với các đơn vị để tổ chức quản lý công tác thu hoạch mủ đạt hiệu quả cao nhất. Về công tác quản lý kỹ thuật: Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống quản lý kỹ thuật từ VRG đến cơ sở nhằm đảm bảo các giải pháp kỹ thuật được triển khai đồng bộ, kịp thời. Tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa dữ liệu vườn cây để phục vụ hiệu quả cho công tác chuyên môn của các Ban QLKT và quản lý, điều hành sản xuất của lãnh đạo VRG.

Về giải pháp dài hạn: Liên tục nâng cao chất lượng vườn cây tái canh và kiến thiết cơ bản, đảm bảo định hướng của VRG nhằm chuẩn bị tốt về năng lực sản xuất của vườn cây chuyển từ kiến thiết cơ bản sang kinh doanh hàng năm đạt và vượt theo yêu cầu của Quy trình kỹ thuật cây cao su 2020.

Về công tác quản lý kỹ thuật thường xuyên hàng năm: Ban QLKT đề nghị các đơn vị tăng cường công tác bảo vệ thực vật trên vườn cây, nhất là phòng trị bệnh phấn trắng, đảm bảo thời gian đưa vào thu hoạch mủ đúng thời vụ và nâng cao năng lực sản xuất của vườn cây kinh doanh; xây dựng kế hoạch thực hiện sản lượng phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng và năng lực sản xuất từng vườn cây của đơn vị; chú trọng các giải pháp nâng cao năng suất lao động nhằm nâng cao hiệu quả SXKD và thích ứng với sự biến động về lao động trong công tác thu hoạch mủ; biện pháp kỹ thuật áp dụng linh hoạt theo điều kiện đặc thù và thực tế từng năm của từng vùng trong công tác thu hoạch mủ; điều tiết việc sử dụng phân bón phù hợp với giá thành trên nguyên tắc đảm bảo Quy trình kỹ thuật cây cao su 2020 nhưng diện tích bón áp dụng luân phiên trong điều kiện hiện nay.

Linh động áp dụng các giải pháp phù hợp với từng khu vực

Bên cạnh những giải pháp chung được khuyến nghị thực hiện trong toàn ngành, Ban QLKT VRG còn xây dựng và hướng dẫn các giải pháp cụ thể đối với từng khu vực.

Đối với khu vực Đông Nam bộ: Công tác tổ chức sản xuất và QLKT khai thác mủ đã khá ổn định, cần theo dõi tiến độ sản lượng định kỳ và tập trung hỗ trợ các đơn vị gặp khó khăn khi thực hiện tiến độ sản lượng. Cần triển khai các giải pháp kỹ thuật khai thác mủ linh hoạt và phù hợp đối với diện tích vườn cây dự kiến chuyển đổi cây trồng (đang cạo mủ) để khai thác tối đa năng lực vườn cây phù hợp với thời gian còn lại. Tiếp tục khai thác tận thu tối đa vỏ cạo và sản lượng vườn cây trước thanh lý, tiếp tục thực hiện việc khoán, nhượng quyền khai thác vườn cây tận thu thanh lý tại một số đơn vị thiếu lao động.

Khu vực Tây Nguyên: Đẩy mạnh việc làm tốt công tác quy hoạch vỏ cạo ngay từ đầu năm theo hướng tối đa hóa năng suất theo hiện trạng vỏ cạo của vườn cây (phối hợp với Viện Nghiên cứu Cao su VN); tăng cường việc áp dụng chế độ khai thác tận thu có hiệu quả vườn cây nhóm 3. Tổ chức rà soát và khai thác hiệu quả vườn cây khô miệng cạo. Thường xuyên đánh giá công tác tổ chức sản xuất trên vườn cây thu hoạch mủ theo quy trình để có các điều chỉnh kịp thời. Khu vực Duyên hải miền Trung: Cần triển khai các giải pháp kỹ thuật khai thác mủ linh hoạt và phù hợp về thời gian cạo mủ. Nghiêm túc thực hiện gắn mái che mưa, màng che chén hoặc các giải pháp tương đương, tránh thất thoát mủ vào mùa mưa là mùa cao sản. Cần củng cố toàn diện công tác tổ chức sản xuất và quản lý kỹ thuật trên vườn cây kinh doanh ở một số đơn vị. Xây dựng và triển khai tích cực các chế độ cạo linh hoạt cho diện tích ngưng đầu tư, vườn cây kiến thiết cơ bản kéo dài (Cao su Hương Khê – Hà Tĩnh, Cao su Hà Tĩnh).

Khu vực miền núi phía Bắc: Tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức quản lý khai thác mủ do vườn cây mới đưa vào cạo và các đơn vị còn chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý vườn cây khai thác trong điều kiện ngoài vùng truyền thống. Việc xác định diện tích vườn cây đưa vào mở cạo mới cần linh hoạt, đảm bảo tính liền vùng trong tổ chức quản lý sản xuất. Lưu ý công tác ngưng cạo và mở cạo lại theo điều kiện khí hậu của đơn vị, chất lượng kỹ thuật cạo và công tác sử dụng thuốc kích thích mủ để sớm khởi động sản lượng ngay tháng đầu mùa cạo.

Khu vực Campuchia: Có diện tích đưa vào khai thác ngày càng nhiều, đây cũng là khu vực được kỳ vọng có tỷ lệ vượt sản lượng cao nhất trong toàn VRG. Tuy nhiên, khu vực này gặp khó khăn lớn nhất là thiếu lao động cạo mủ, kế đến là sự tích lũy kinh nghiệm tổ chức sản xuất cho vùng khai thác mới (điều hành công lao động, đánh giá, dự báo tiến độ sản lượng). Trong điều kiện lao động hạn chế, các đơn vị cần chấp nhận nhịp độ cạo thấp là D4.

Đồng thời, tiếp tục duy trì công tác mở cạo rải vụ theo tình hình thu tuyển lao động nhưng chậm nhất đến tháng 8 hàng năm phải kết thúc. Thường xuyên theo dõi và có sự điều chỉnh chế độ khai thác hợp lý đối với DVT PB260 (chuyển mặt cạo BO-2 sớm), nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài về sản lượng vườn cây khi áp dụng chiến lược rút ngắn chu kỳ khai thác. Tương tự điều kiện Campuchia, việc thiếu lao động cạo mủ ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức quản lý sản xuất của các đơn vị khu vực Lào. Do đó, các đơn vị cần đa dạng nhịp độ cạo, tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức quản lý khai thác mủ, trong đó việc bảo đảm số nhát cạo là rất quan trọng. Trang bị máng, mái che mưa. Triển khai việc điều phối diện tích đang khai thác theo các chế độ cạo thích hợp để điều tiết cơ cấu tuổi khai thác vườn cây, nhằm ổn định tổng sản lượng bền vững và đáp ứng chu kỳ khai thác 17 năm.

MINH NHIÊN

(Trích tham luận của Ban Quản lý kỹ thuật VRG tại Hội nghị NLĐ Công ty mẹ – Tập đoàn)