CSVN – Tâm bão số 9 quét qua tỉnh Quảng Ngãi vào cuối tháng 10/2020 đã gây thiệt hại nặng nề cho Cao su Quảng Ngãi và diện tích vườn cây khai thác gần như bị “xóa sổ”. NLĐ gặp rất nhiều khó khăn vì thu nhập giảm sút mạnh, nhưng sau 2 năm, họ đã vượt khó bằng nhiều mô hình kinh tế phụ.
Nhiều mô hình kinh tế phụ ra đời
Anh Bùi Minh Viễn – Công nhân Đội cao su Bình Hòa không thể tin rằng vườn cây cao su đang căng tràn sức sống, tuôn trào dòng nhựa trắng quý như vàng nơi miền Trung nắng gió và đang là nồi cơm nuôi sống bao gia đình khốn khó, nay chỉ còn lưa thưa vài ba cây.
Là công nhân cao su gần 10 năm, anh và gia đình đã và đang sống tốt nhờ tiền lương của người thợ cạo, nhưng cơn bão số 9/2020 đã làm đảo lộn mọi thứ. Đội sản xuất Bình Hòa từ 152 ha đang cho mủ, giúp cuộc sống của 28 con người an cư lạc nghiệp bỗng chốc chỉ còn 20 ha với 5 lao động, nhiều người không thể lo toan cuộc sống vì đồng lương ít ỏi phải đi đến các khu công nghiệp trong tỉnh tìm việc.
Những người ở lại, cố bám trụ và tìm cách xoay sở để duy trì cuộc sống sau bão, trong cái khó sẽ ló cái khôn. Anh Nguyễn Thành Khoa – TGĐ công ty chia sẻ: “Những người còn bám trụ ở lại phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để giúp NLĐ đảm bảo cuộc sống như tăng đơn giá tiền lương, tạo điều kiện để phát triển kinh tế gia đình. Công ty cho NLĐ trồng mì trên những vùng đất trống nhằm cải thiện cuộc sống, nhiều anh em công nhân khác thì trồng dưa hấu hoặc các loại hoa màu khác”.
Còn anh Huỳnh Trung Thật – Đội trưởng Đội Bình Hòa cho hay: “Với 120 ha đông đặc thì còn dễ cho anh em công nhân đi cạo, nay còn có 20 ha nằm rải rác trên diện tích 120 ha thì càng trở nên khó khăn. Do vậy, chúng tôi đã vận động anh chị em cố gắng tận thu hết số cây còn đang đứng để tăng sản lượng, bù đắp phần nào ngày công cho anh em. 5 công nhân của đội được chúng tôi tổ chức thành một nhóm đi cạo cùng nhau, hỗ trợ nhau cạo theo chế độ D3 để hết số lượng 20 ha trên diện tích 120 ha và nhóm này cũng trồng xen thêm ở những vùng đất trống, đất thưa với nhiều cây trồng khác nhau để tăng thu nhập”.
Trong khi đó, rất nhiều công nhân ở Đội sản xuất Bình An thì lại chọn cách tăng gia khác, đó là chăn nuôi thêm bò, dê nhờ tận dụng cỏ trong vườn cây cao su thưa và trồng thêm cây trồng khác như keo, lúa nước… Anh Nguyễn Đức Vinh – Công nhân Đội Bình An cho biết: “Tôi nay cũng trên 50 tuổi rồi, gắn bó với vườn cây cũng khá lâu và không thể theo lũ thanh niên đi đến các khu công nghiệp để tìm việc. Vì thế, tôi cố gắng mua thêm vài con bò chăn nuôi trong vườn cao su thưa cây. Ngoài ra, cũng trồng thêm mấy sào lúa nước, trồng keo ở vườn nhà, nương rẫy, bờ rào và nhận cạo choàng, xin thêm vườn cây để cạo nhằm đảm bảo được thu nhập trong lúc khó khăn”.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn cây tan hoang của cơn bão số 9 năm nào, nay đã có lá có cành, anh Võ Thành Long – Đội trưởng Đội Bình An chia sẻ: “Ở vùng này không có cây gì hiệu quả bằng cây cao su cả, nhưng chỉ tiếc thời tiết quá khắc nghiệt, làm bà con và những người công nhân vốn đã khốn khó nay càng khó khăn, vất vả hơn”.
Cuộc sống đã trở lại bình thường
Trước cơn bão số 9/2020, tổng diện tích của Cao su Quảng Ngãi là 1.031 ha, được biên chế thành 6 đội sản xuất. Trong đó, cao su khai thác 660 ha và giải quyết việc làm cho gần 300 lao động tại địa phương. Sau khi bão đi qua, diện tích khai thác của công ty còn khoảng 140 ha nằm rải rác khắp nơi, năng suất vườn cây 0,5 tấn/ha và lao động toàn công ty chỉ còn 63 người.
Mặc dù sau bão, đời sống NLĐ gặp nhiều khó khăn, nhưng theo anh Khoa – TGĐ công ty, những người còn bám trụ với vườn cây của công ty vẫn có được cuộc sống tương đối ổn định. Tuy tiền lương chưa cao, song nhờ phát triển thêm các mô hình kinh tế phụ, nên nhiều người vẫn có tổng thu nhập khá tốt.
Anh Khoa cũng cho biết thêm: “Hiện công ty đang rất cần lao động, nhưng lao động hiện bị cạnh tranh rất lớn từ các khu công nghiệp và nhiều doanh nghiệp đang nổi. Chúng tôi đang tích cực làm việc với lãnh đạo VRG, tỉnh Quảng Ngãi để chuyển dịch cơ cấu sang hình thành các khu công nghiệp trên diện tích cao su bị bão số 9 tàn phá, hoặc một số diện tích chuyển sang trồng keo, cây tre mỹ nghệ và cây trồng khác. Bởi những loại cây trồng này có chu kỳ thu hoạch ngắn, vốn đầu tư cũng thấp nên nhanh chóng thu hồi được vốn và cũng giải quyết được công ăn việc làm cho NLĐ”.
Tuy cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Đức Vinh và nhiều gia đình công nhân khác ở Đội sản xuất Bình An còn nhiều khó khăn, song anh cũng tạm hài lòng với những gì mình đang có, anh chia sẻ với chúng tôi: “Sau 2 năm bão đi qua, dù còn khó khăn nhưng gia đình chúng tôi và anh chị em công nhân trong đội đã lấy lại được sự ổn định với việc chăn nuôi bò và trồng thêm keo lai…. Những tháng đầu vụ khai thác, thu nhập tuy có hơi thấp nhưng vào những ngày cuối năm tiền lương cũng kha khá, giúp trang trải mọi hoạt động trong gia đình, giờ đây cuộc sống của chúng tôi cũng đã trở lại bình thường”.
GIA LINH
Related posts:
- Nhiều hoạt động hướng về người lao động
- Cao su Bình Long trao 4 căn nhà Mái ấm Công đoàn
- Cao su Phú Riềng tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc cấp công ty lần thứ XV
- Công đoàn CSVN Đạt giải Nhì Cuộc thi ảnh “Nét đẹp Công đoàn và người lao động”
- Kết nối tình quân dân nơi phên dậu Tổ Quốc
- Công đoàn Cao su Nghệ An: Cùng đoàn kết vượt khó
- Cao su Campuchia nỗ lực khai thác giữa vòng vây Covid
- Cao su Bình Long giải nhất thi chủ tịch Công đoàn giỏi
- Công đoàn Cao su VN trao 452 suất học bổng “Học giỏi – vượt khó”
- Phát động thi đua chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ VN
Chúc cty cao sao Quảng Ngãi vược khó thành công sau những ngày tháng thiên tai.