Đất và người ở Sơn La

CSVN – Ngày cây cao su bén rễ trên những vạt đồi, những đồi núi trọc, những triền dốc nơi đất đai cằn cỗi, bạc màu vì tập quán canh tác du canh du cư được phủ xanh bằng  những  chồi  xanh  non  mơn  mởn như sức sống đang căng tràn một vùng sơn  cước  hẻo  lánh…  15  năm  với  bao thăng trầm như in dấu “Dòng chảy cuộc sống”.

Công nhân cao su Sơn La trên vườn cây
Muốn khám phá những điều mới lạ

Bản thân tôi trước khi vào làm ở công ty cũng chưa hề biết đến cây cao su là gì. Năm 2012, từ một giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội chuyển về công tác tại Sơn La với bao nhiêu bỡ ngỡ, với nhiệt huyết của tuổi trẻ luôn muốn xông pha, muốn khám phá những điều mới lạ.

Còn nhớ những ngày cùng anh em công nhân đi nghiệm thu, giám sát bón phân ở các đơn vị, trời mưa  đường  dốc  trơn  trượt  có  thể  ngã  bất  cứ  lúc nào. Năm 2013, khi cùng anh em đi nghiệm thu khi đi lên dốc cao bằng xe honda ở Nông trường Châu Quỳnh,  tôi  ngồi  sau  xe  đồng  chí  Võ  Đức  Trường, Trưởng phòng Kế hoạch, bây giờ là Phó Tổng Giám đốc công ty chở. Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn mơ thấy chạy xe honda lên dốc nhưng không nhìn thấy đỉnh và giật mình tỉnh giấc.

Nỗi sợ leo dốc cao theo tôi nhiều năm qua, đến năm ngoái khi vào nhà một người bạn phải đi qua con dốc cao, lúc đầu rất sợ, tôi nghĩ mọi người đi được mình cũng đi được. Lần đầu tiên sau gần 10 năm tôi cũng dám vượt qua con dốc, quan trọng là tôi đã chiến thắng bản thân mình và vượt qua nỗi sợ.  Những  tháng  đi  phát  lương  cho  công  nhân  ở những bản làng xa xôi gặp không ít khó khăn, phải đi thuyền qua sông mùa lũ nước dâng cao thuyền thì nhỏ, bản thân không biết bơi, đến tận 11 -12h đêm mới về tới trụ sở nông trường…Nhưng thấy niềm vui của những người công nhân khi được nhận lương là bao nỗi sợ, mệt mỏi tan biến hết.

Năm 2016 những giọt vàng trắng đầu tiên đã chảy trên mảnh đất nơi đây như đền đáp công sức của  những  người  trồng  cây  năm  nào.  Năm  2021, công ty đã đưa vào khai thác hơn 4.300 ha cao su với sản lượng 4.712 tấn xóa tan đi những hoài nghi ban  đầu.  Dự  kiến  đến  năm  2025,  công  ty  sẽ  đưa toàn bộ diện tích hơn 6.000 ha cao su đưa vào khai thác.

Đến nay công ty đã trải qua 15 năm hình thành và phát triển, nơi những đồi cao su tít tắp hình thành những cánh rừng cao su, những giọt vàng trắng vẫn chảy hàng ngày mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng ngàn người dân và những hộ dân góp đất nơi đây.

Phát triển phải đi liền với việc nâng cao đời sống người dân

Từ năm 2020 đến nay, công ty luôn giữ tốc độ tăng trưởng và phát triển tốt, trở thành đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và giữ gìn an ninh quốc phòng nơi địa bàn doanh nghiệp đứng chân.

Dù  công  ty  và  toàn  ngành  có  những  giai  đoạn đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng Tập đoàn và lãnh đạo công ty luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Đến nay, trên 90% hộ công nhân cao su thuộc diện khá giả; xóa bỏ 100% nhà tranh, tre, nứa, lá tạm bợ; 3/4 số hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố; xóa 100% hộ đói. Cùng với đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người lao động cũng luôn được lãnh đạo Tập đoàn quan tâm, chăm lo, thông qua việc thiết lập các thiết chế văn hóa cơ sở và thường xuyên tổ chức các hoạt động, phong trào văn hóa, thể dục thể thao ở tất cả các cấp.

93 năm truyền thống với những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng bởi ý chí và nghị lực phi thường, là điểm tựa tinh thần kết nối hàng triệu trái tim của bao thế hệ công nhân cao su. Tôi tin Công ty Cao su Sơn La sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với truyền thống lịch sử vẻ vang Phú Riềng Đỏ anh hùng. Người công nhân cao su hôm nay luôn khát vọng về một ngành cao su phát triển bền vững. “Phú Riềng đỏ” là nền tảng động lực to lớn được thế hệ người thợ hôm nay tiếp tục bồi đắp, tạo nên những kỳ tích mới, với khát vọng đưa ngành cao su Việt Nam phát triển thành tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước.

DUYÊN ĐỖ

(Công ty CP Cao su Sơn La)