CSVN – Tổ trưởng Quàng Văn Minh có sáng kiến dùng xe rùa để vận chuyển mủ trong đường lô về điểm tập kết, góp phần tăng năng suất lao động lên gấp hơn 2 lần.
Mặc dù đã hẹn trước, nhưng khi chúng tôi đến Nông trường Châu Thuận (Công ty CPCS Sơn La), anh Quàng Văn Minh, tổ trưởng tổ 2 vẫn đang ở trên lô kiểm tra, hướng dẫn công nhân khai thác mủ.
Hơn nửa tiếng sau anh Minh mới trở về, trên lưng áo vẫn còn đẫm mồ hôi. Anh bảo, mấy ngày vừa qua mưa nhiều nên công nhân phải đi cạo mủ cả buổi chiều mới bảo đảm tiến độ sản xuất. Do công nhân trong đội đều là người dân địa phương, nên thường xuyên phải kiểm tra, hướng dẫn cạo đúng kỹ thuật, không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mủ và sinh trưởng của cây.
Là người dân bản Tốm, xã Tông Lạnh, năm 2008, khi huyện Thuận Châu thực hiện chủ trương vận động nhân dân một số xã chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tham gia trồng cây cao su, gia đình anh Minh đã góp 1,2 ha đất và được tuyển vào làm công nhân Công ty CPCS Sơn La.
Anh Minh chia sẻ: 3-4 năm đầu thì công nhân có đủ việc làm, thu nhập khá. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2011-2016, cây cao su chưa được khai thác, có những năm thu nhập bình quân chỉ được hơn 2 triệu một tháng, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ người góp đất trồng cao su, cùng với chính sách của tỉnh, Công ty CPCS Sơn La đã tạo điều kiện cho công nhân vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng xen canh.
Năm 2017, công ty bắt đầu khai thác mủ, đời sống công nhân dần ổn định. Với bản chất cần cù, chịu khó, tích cực học hỏi, năm 2018, anh Minh được giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ 2, Nông trường Châu Thuận. Tổ hiện đang quản lý 200 ha cây cao su, với 33 công nhân.
Hàng tháng, thực hiện kế hoạch sản xuất của nông trường, anh đã giao sản lượng, hướng dẫn cụ thể cho từng công nhân thực hiện, nên toàn bộ diện tích cây cao su do tổ quản lý luôn được bảo vệ, chăm sóc tốt và đạt năng suất cao, bảo đảm sản lượng, chất lượng mủ và tiến độ sản xuất của nhà máy chế biến.
Từ năm 2021 đến nay, năng suất diện tích cây cao su do tổ quản lý luôn cao nhất trong nông trường, thu nhập bình quân công nhân trong tổ đạt 7,2 triệu đồng/người/ tháng. Riêng gia đình anh Minh, với 1,2 ha đất góp, năm 2019 vợ anh tiếp tục được nhận vào làm công nhân.
Hiện nay, hai vợ chồng anh nhận cạo mủ hơn 4.000 cây cao su. Công việc của anh Minh hàng ngày vào 4 sáng giờ dậy đi cạo mủ, đến hơn 6 giờ cạo xong và đi kiểm tra công nhân trong tổ, 9-11 giờ lại tiếp tục giám sát việc cân mủ để giao cho nông trường vận chuyển về nhà máy.
Ông Lò Văn La, Phó Giám đốc Nông trường Châu Thuận, cho biết: “Không những năng động, tích cực, năm 2019 tổ trưởng Quàng Văn Minh còn có sáng kiến dùng xe rùa để vận chuyển mủ trong đường lô về điểm tập kết, góp phần tăng năng suất lao động lên gấp hơn 2 lần. Do địa hình trồng cao su chủ yếu là đồi dốc, trước đây khi thu hoạch mủ, công nhân dùng 2 chiếc xô để xách, mỗi lần chỉ được 12-15 kg, từ khi dùng xe rùa, mỗi lần chuyển được hơn 40 kg. Sáng kiến này đã được áp dụng tại các nông trường trong toàn công ty”.
Với tinh thần trách nhiệm với công việc được giao, năng động trong quản lý sản xuất, tháng 10/2021, Quàng Văn Minh đã được kết nạp vào Đảng.
NGỌC THUẤN
Related posts:
- "Vinh dự và tự hào khi đem vinh quang về cho đơn vị"
- Tấm gương mẫu mực của ngành cao su
- Thế hệ trẻ sẽ đưa ngành cao su lớn mạnh hơn
- Tuổi trẻ phải giữ vững lập trường
- Người công nhân giỏi việc nước, đảm việc nhà
- Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Tấm gương học và làm theo Bác
- Lê Tài - công nhân giỏi, đoàn viên năng động
- Một người lãnh đạo, một hình ảnh đẹp trong ngành cao su
- Không dứt tình với cây cao su
- Phát huy truyền thống đoàn kết, đưa nông trường vững bước đi lên