Cao su Sơn La: 15 năm vững tin và tự hào

CSVN – Thấm thoát đã 15 năm kể từ ngày cây cao su đặt chân lên Sơn La, miền Tây Bắc của Tổ quốc.

Cao su Sơn La góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường. Ảnh: Ngọc Thuấn.

Với tinh thần nỗ lực, vượt khó, sáng tạo trong lao động, đến nay Công ty CPCS Sơn La đã giữ vững tốc độ tăng trưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. Có những lúc thăng, lúc trầm, có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua nhưng Cao su Sơn La đã vượt lên tất cả, đặc biệt, phát triển vượt bậc từ năm 2020 đến nay.

Xóa tan những hoài nghi

Năm 2007, tỉnh Sơn La đã quy hoạch và triển khai thực hiện chương trình phát triển cây cao su. Cây trồng mới này được xác định là cây đa mục tiêu, vừa có giá trị kinh tế, vừa có nhiệm vụ là rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bảo vệ đất, chống xói mòn, đồng thời đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở địa phương. Phát triển cây cao su ở Sơn La với phương thức người dân góp giá trị quyền sử dụng đất để tham gia trồng cao su và đủ điều kiện sẽ được tuyển làm công nhân, trở thành cổ đông của công ty, được hưởng đầy đủ quyền lợi về các loại bảo hiểm theo quy định của Bộ Luật lao động.

Do là cây trồng mới, lại chưa qua khảo nghiệm, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân góp đất trồng cao su cũng chưa từng được áp dụng ở Sơn La, nên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc. Ngày cây cao su bén rễ trên những vạt đồi, những triền dốc nơi đất đai cằn cỗi, bạc màu vì tập quán canh tác, những quả đồi trọc với hoài nghi trồng rồi có sống không? Sống thì có lớn được không? Lớn rồi cây có cho mủ không?…

Xóa tan những hoài nghi đó, đến năm 2016 công ty bắt đầu đưa diện tích vào khai thác cho đến nay. Năm 2021 với diện tích khai thác 4.313,51 ha, công ty đạt sản lượng 4.712,27/4.700 tấn kế hoạch (KH), năng suất đạt 1,09 tấn/ha, doanh thu 188,9 tỷ, lợi nhuận 22,5 tỷ đồng.

Nhà máy chế biến mủ Sơn La 28/10 từ ngày đi vào hoạt động vào năm 2018 đã chế biến sản lượng ngày càng tăng đã nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho công nhân. Đặc biệt sản phẩm của công ty sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, được các khách hàng như Sao Vàng, Sailun và các đối tác khác đánh giá cao về chất lượng. Từ năm 2021, 2022 công ty nhận gia công chế biến cho cả Công ty CPCS Lai Châu, Điện Biên.

Góp phần nâng cao đời sống đồng bào

Chị Lò Thị Hằng, ở bản Lạnh, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu là công nhân bộ phận chế biến tại nhà máy, với mức lương trung bình mỗi tháng từ 7-8 triệu đồng. Chị chia sẻ: “Công việc của công nhân ở nhà máy rất ổn định, những tháng cao điểm sản xuất 3 ca nhiều công nhân có thu nhập trên 10 triệu đồng. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, mỗi công nhân được hưởng chính sách hỗ trợ từ 1,8-3,3 triệu đồng, Công đoàn công ty hỗ trợ mỗi người 200.000đ”.

Sau 15 năm phát triển cây cao su, đến nay đã có nhiều công nhân là người dân địa phương trở thành cán bộ chủ chốt của các nông trường. Anh Lò Văn La, trưởng thành từ tổ trưởng tổ sản xuất, hiện là Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc phụ trách Nông trường Châu Thuận. Chị Lò Thị Nết cán bộ vườn ươm hiện là Bí thư chi bộ, Giám đốc Nông trường Châu Quỳnh quản lý 1.224 ha. Anh La chia sẻ: “Hiện, nông trường đang quản lý hơn 1.200 ha cây cao su và là một trong các đơn vị dẫn đầu trong công ty về năng suất mủ, sản lượng mủ, lương công nhân trung bình từ 5-6 triệu đồng/tháng”.

Nhờ chuyển đổi mạnh mẽ về cơ chế quản lý theo hướng nâng cao tính tự chủ của đơn vị, những năm qua, công ty đã xây dựng đề án đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, triển khai xây dựng quy chế làm việc cho từng lĩnh vực cụ thể; tăng cường công tác kiểm tra quản lý bộ máy của các cấp, hằng năm áp dụng thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý theo chất lượng ISO 9001-2015; tăng cường quan hệ, mở rộng thị trường để chủ động công tác tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, 2 năm gần đây, do tình hình Covid-19, giá mủ cao su giảm và nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi nhưng lãnh đạo công ty đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo điều hành, triển khai đồng bộ các giải pháp sáng tạo trong sản xuất – kinh doanh, phát huy vai trò làm chủ thật sự của NLĐ.

Do đó, năng suất, chất lượng sản phẩm không ngừng nâng cao, đời sống NLĐ cải thiện và an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững. Bước đầu đảm bảo thu nhập ổn định cho NLĐ: đó là tiền lương luôn được bảo đảm thực hiện đúng thời gian, đảm bảo các chế độ như bảo hiểm, bảo hộ lao động, để công nhân yên tâm công tác, lao động sản xuất…

Năm 2021 thu nhập bình quân cho NLĐ đạt 5,69 triệu đồng/người/tháng. Trong đó có rất nhiều công nhân có mức lương trên 15 triệu, 20 triệu đồng. Đối với một tỉnh miền núi thì đây là con số không nhỏ, từng bước tạo niềm tin cho NLĐ, an tâm gắn bó với cây cao su, niềm tin vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần ổn định an sinh xã hội, quốc phòng ở địa phương.

Ngoài phát triển kinh tế công ty cũng rất chăm lo đến công tác an sinh xã hội như xây được 9 nhà trẻ ở 5 nông trường. Đến nay có hơn 5.000 lượt cháu là con em công nhân cao su đến học. Xây dựng “Quỹ vì bệnh nhân nghèo công ty” đã góp phần giúp đỡ cho những hoàn cảnh éo le, khó khăn khi bị bệnh tật, tai nạn… Những hình ảnh xe cứu thương đi về những bản làng xa xôi để vận chuyển bệnh nhân cấp cứu miễn phí… đã để lại rất nhiều ấn tượng sâu đậm trong tâm trí của người dân.

Những năm đầu kiến thiết cơ bản công ty còn thực hiện các chương trình hỗ trợ công nhân mua phân bón trả chậm, hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi, nuôi ong, hỗ trợ mua trâu bò nhốt chuồng…

Kế hoạch những năm tới công ty tiếp tục thâm canh vườn cây diện tích đang khai thác, đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cho vườn cây, tập trung bảo vệ vườn cây, làm tốt công tác PCCC… nhằm mục đích nâng cao năng suất, sản lượng vườn cây. Đảm bảo nhà máy chế biến hoạt động hết công suất, nâng cao chất lượng chế biến cho sản phẩm, không chỉ đảm bảo chế biến cho công ty mà còn gia công, chế biến cho các đơn vị khác trong khu vực, kinh doanh hiệu quả để mang lại lợi nhuận cao nhất…, tiếp tục chăm lo đến đời sống của NLĐ.

DUYÊN ĐỖ