CSVN – Gắn bó với Cao su Sa Thầy gần 10 năm, là cũng từng ấy thời gian anh Nguyễn Hữu Hậu luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, từng bước khẳng định mình trong công việc.
Xung phong vào vùng sâu biên giới công tác
Sau khi tốt nghiệp khoa kỹ thuật cao su tại Trường Cao đẳng Cao su, gia đình khuyên anh tìm việc tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, chàng trai nhỏ người nhưng ý chí lớn đã nghe theo tiếng gọi của tình yêu với cây cao su, chấp nhận thử thách để đến với vùng biên giới Ia H’Drai, nơi Cao su Sa Thầy đang thực hiện dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su để làm việc.
Năm 2013, anh vào làm tại đơn vị với xuất phát điểm là công nhân khai thác tại Nông trường Suối Đá. Anh cho rằng đó là một lần trải nghiệm vô cùng hữu ích cho bản thân. Anh cố gắng từng ngày, đảm nhận nhiều việc từ trồng mới, chăm sóc cây vườn cây cao su, bảo vệ thực vật… Chính những công việc thực tế đã cho anh những kinh nghiệm quý báu, rất bổ ích cho hành trình chung tay với tuổi trẻ Cao su Sa Thầy ươm mầm xanh cao su nơi biên giới. Là một người trẻ, anh rất hăng hái, nhiệt tình trong hoạt động thanh niên và phong trào đoàn thể.
Anh tích cực tham gia các chương trình của tổ chức Đoàn, sẵn sàng hỗ trợ các bạn ĐVTN trên mọi công tác, đặc biệt là các bạn ĐVTN người đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với những bạn mới lần đầu tiếp cận với cây cao su, anh luôn chủ động làm bạn, gần gũi, chia sẻ và hướng dẫn cặn kẽ để các bạn ấy nắm bắt kịp thời kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn cây cao su ở. Hiện nay có nhiều bạn đã trở thành tấm gương đi đầu trong phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi.
Đi đầu trong phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật
Sau hơn 1 năm làm công nhân trực tiếp sản xuất, bằng nỗ lực cố gắng của mình và kết quả từ những công việc cụ thể trên vườn cây, anh được lãnh đạo nông trường bố trí làm Trợ lý tổ chức, thủ kho…, việc nào anh cũng hoàn thành tốt.
Năm 2015 anh được bố trí làm Tổ trưởng khai thác, quản lý vườn cây với tổng diện tích 259 ha, toàn bộ diện tích đã được đưa vào khai thác, với 60 công nhân, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể nói đây là một bước ngoặc, giai đoạn mới trong hành trình chinh phục những thử thách của anh.
Anh tâm sự: “Tôi rất hạnh phúc khi khai thác những dòng nhựa trắng từ chính những vườn cao su mà ngày nào mình còn đặt những bầu cao su còn mơn mởn vào hố trồng, gom từng bụi cỏ tủ bồn giữ ẩm cho cây, giữ cho cây không bị cháy trong mùa khô khốc liệt vùng biên giới”.
Hưởng ứng Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, anh trăn trở suy nghĩ phải làm như thế nào để công việc của tổ được thực hiện nhanh hơn, chất lượng hơn, hiệu quả năm sau cao hơn năm trước.
Từ đó, anh có nhiều đổi mới trong cách thức điều hành sản xuất, những phát minh, sáng kiến của anh đã được công ty công nhận. Không thể không kể đến sáng kiến Nhập điểm kỹ thuật trên máy tính; Sử dụng nạo da me bảng sắt to… được ứng dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả cao.
Nhờ đó, nhiều năm liền tổ của anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu năm 2020 chỉ hoàn thành 100,8% kế hoạch sản lượng khai thác được giao thì đến năm 2021 đã đạt được 103,2%.
Ông Nguyễn Khắc Hiền – Bí thư chi bộ, Giám đốc nông trường cho biết: “Hậu là một tấm gương, chịu khó học hỏi và có ý chí vươn lên. Anh luôn gương mẫu trong mọi công việc, bất cứ nhiệm vụ nào đơn vị giao thì Hậu cũng cố gắng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành ở mức tốt nhất, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu cho nhiều người noi theo”.
ÁNH NGỌC
Related posts:
- Cao su Sơn La: Ổn định việc làm, nâng cao thu nhập
- Giải thưởng Cao su Việt Nam và "Phú Riềng đỏ": Vinh danh tập thể, cá nhân có đóng góp đặc biệt xuất ...
- Sáng kiến hiệu quả trong xử lý nước thải
- Tái sử dụng nước thải tiết giảm 1 tỷ đồng/năm
- Sáng kiến trong chế tạo lò sấy cao su: Hạ giá thành sản phẩm, thân thiện với môi trường
- Khu vực Tây Nguyên: Đặc thù địa hình gây khó cơ giới hóa
- Giảm 50% lượng phân bón đợt II
- Giảm chi phí, tăng năng suất trong sản xuất bóng thể thao
- "Cần đẩy mạnh tập huấn quản lý rừng bền vững cho người lao động"
- Máy sát khuẩn tự động giúp hạn chế tiếp xúc