Sáng kiến trang bị cửa lò xông sấy làm lợi trên 300 triệu đồng/năm

CSVN – Việc xông sấy mủ tờ (RSS) bằng cách đốt củi trong lò không có cửa tự động điều chỉnh nhiệt độ đã làm tiêu tốn khá nhiều nguyên liệu, nhóm tác giả gồm 4 người ở Cao su Kon Tum đã sáng kiến trang bị thêm “Cửa nâng hạ tự động xông sấy mủ tờ” làm lợi cho công ty từ 300 – 400 triệu đồng/năm.

Nhóm tác giả của sáng kiến cải tiến cửa lò kiểm tra kỹ thuật chuẩn bị cho vụ sản xuất mới
Làm lợi 300 – 400 triệu đồng/năm

Tại đơn vị việc đốt lò xông sấy mủ RSS hiện nay của công ty tốn rất nhiều củi do bầu lò to, rộng, kích thước hình dáng không giống nhau về mặt cấu tạo, quá trình truyền nhiệt từ bầu lò lên thân lò chưa đảm bảo, một lượng lớn nhiệt bị thất thoát ra ngoài vì không có cửa. Hơn nữa, quá trình đốt lò không có cửa rất khó kiểm soát nhiệt độ, dẫn đến nhiệt độ bên trong thân lò thất thường lúc cao, lúc thấp làm chất lượng mủ không ổn định, tờ mủ hay bị phồng rộp và sống cục bộ.

Thềm vào đó, bên trong thân lò sấy nhiệt độ chưa phân bổ đồng đều đã tạo ra vùng phân nhiệt tập trung tầng trên và thoát nhiệt ra ngoài ống khói, nếu trong cùng một điều kiện và thời gian thì nhiệt độ mủ ở tầng trên sẽ chín sớm hơn. Do đó, muốn mủ chín hoàn toàn cần phải bỏ thêm một lượng củi vào bầu để đốt tiếp, đây cũng là nguyên nhân làm cho mủ bị giãn, đứt, bị rụng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đặt biệt chỉ tiêu Pri của mủ sẽ bị ảnh hưởng.

Trước thực trạng đó, nhóm tác giả gồm có ông Ngô Văn Mân, Trần Minh Trọng, Nguyễn Văn Giáp và Lâm Thiên Nam đã có sáng kiến trang bị thêm “Cửa nâng hạ tự động xông sấy mủ tờ”.

Anh Nguyễn Văn Giáp – thành viên trong nhóm tác giả cho hay: “Qua một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, tôi cùng anh Mân, anh Trọng và anh Nam đã đưa ra sáng kiến là trang bị cửa lò tự động điều chỉnh nhiệt độ và cải tạo lại đường nhiệt đối lưu tuần hoàn bên trong thân lò sấy để góp phần nâng cao công suất cho lò xông sấy, chất lượng sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn”.

Theo tính toán của nhóm, để đốt một đợt thông thường mất từ 71 – 73 giờ, với khối lượng củi tiêu tốn từ 5.400 – 5.520 ster. Trong khi với lò đốt có cửa tự động điều chỉnh nhiệt độ thì chỉ mất khoảng 53 giờ và lượng củi là 3.658 ster.

Như vậy, với lò đốt được trang bị thêm cửa sẽ tiết kiệm được 33% lượng nguyên liệu so với lò đốt thông thường, tính trên tấn sản phẩm thì tiết giảm được 0,66 ster củi/tấn mủ. Với giá thành một ster củi hiện nay có giá 330 ngàn đồng thì tiết kiệm được hơn 217 ngàn đồng/tấn mủ.

Anh Trần Minh Trọng cho biết: “Dự kiến năm 2023, sản lượng mủ RSS của công ty khoảng 1.500 – 1.600 tấn thì hiệu quả mang lại từ sáng kiến này là 300 – 400 triệu đồng/năm”.

Chi phí thấp và có thể nhân rộng

Với cấu tạo cửa lò có kích thước cao 1,7m x rộng 0,85m được lắp ghép tạo nên một tấm khung hình chữ nhật cứng vững có 3 lớp, lớp trong cùng bằng inox tiếp xúc trực tiếp với lửa, lớp giữa là lớp bảo ôn amiăng (cách nhiệt) và lớp ngoài cùng là lớp sắt dày 8mm.

Nguyên liệu để tạo nên chiếc cửa này bao gồm 30 hạng mục, tuy nhiên tổng chi phí chỉ tốn khoảng trên 39,6 triệu đồng/cái. Ông Mân cho biết, sau khi làm thử nghiệm trong năm 2020 và 2021, công ty nhận thấy sáng kiến này có hiệu quả kinh tế hơn, tiết kiệm được thời gian và chất lượng sản phẩm ổn định nên lãnh đạo công ty sẽ tiến hành trang bị hết 10 lò xông sấy hiện tại của Nhà máy Ya Chim.

Dự kiến, tổng chi phí cho 10 lò khoảng 400 triệu đồng, tuy nhiên mỗi lò có thể tiết kiệm cho công ty từ 300 – 400 triệu đồng/năm, đồng thời sử dụng được nhiều năm thì đây là một sáng kiến rất hữu ích.

VĂN VĨNH