Tháng ba nơi biên giới

CSVN – Dưới tán lá non, những lao động mới tuyển dụng đang ra sức rèn luyện tay nghề. Trên chòi gác cháy, anh trực gác liên tục đưa mắt quan sát. Những dãy nhà tập thể được dựng lên phục vụ hàng trăm lao động mới…tất cả đã tạo nên một bức tranh sống động về một niên vụ mới sắp bắt đầu giữa cái nắng gay gắt nơi vùng biên giới huyện Ia H’drai.

Những lao động trẻ khát khao thay đổi cuộc sống nghèo khó.
Hướng khởi nghiệp của nhiều thanh niên

Trời chiều tháng 3, cái nắng vẫn khá gay gắt nhưng điều đó không làm anh Vi Văn Say, quê ở Kỳ Sơn – Nghệ An giảm đi sự chuyên cần trong việc rèn luyện tay nghề. Vừa đưa đôi tay rắn chắc, thoăn thoắt lướt qua từng đường cạo trên cây cao su mẫu, anh Say cho biết: “Ở ngoài quê, mình cũng quanh năm làm ruộng, mỗi năm cũng chỉ được 1 – 2 mùa lúa, có năm đủ ăn, có năm thiếu. Nghe anh em đi trước nói vào đây làm công nhân cao su ổn định hơn, đến tháng được nhận lương, cuối năm có tiền thưởng nên  tôi  quyết  định  vào  đây  lập nghiệp”.

Cũng mong muốn thay đổi cuộc sống như anh Say, chị Út Thị Nham người Khơ Mú từ huyện Kỳ Anh  –  tỉnh  Hà  Tĩnh  xa  xôi, vượt hàng ngàn cây số đến với  vùng biên giới huyện Ia H’drai, nơi Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray  đang “trải thảm” đón bà con vào  lập  nghiệp.  Với  quyết  tâm thoát cảnh nghèo khó đã đeo bám mình hơn 20 năm, chị Nham chia sẻ: “Nhiều người ở quê mình vào đây  làm  công  nhân  cho  công  ty, nay cuộc sống khấm khá lắm. Qua tuyên truyền, tôi thấy đến đây làm công nhân sẽ từng bước thay đổi cuộc sống của bản thân. Tôi còn trẻ, nên có nhiều điều kiện để xây dựng cuộc sống mới, xây dựng gia đình, lập nghiệp và có thể sinh con đẻ cái ở nơi đây”.

Không chỉ anh Say, chị Nham đã quyết định chọn nghề cạo mủ, chọn nơi biên giới làm nơi khởi nghiệp để thay đổi cuộc sống vốn nhiều khốn khó nơi quê nhà mà còn rất nhiều thanh niên, nam nữ khác ở các tỉnh Gia Lai như chị Rinh hay ở tỉnh Kon Tum như chị Y Lanh đều mong muốn gắn bó với công ty.

Ông Phạm Duy Vương – Chủ tịch Công đoàn Cao su Chư Mom Ray cho hay: “Như thường lệ hàng năm, công ty luôn có nhu cầu tuyển thêm lao động. Bước đầu NLĐ đến với công ty vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng hầu hết anh em, bà con đều thông cảm, sẻ chia với đơn vị. Để giúp bà con bớt phần khó khăn, những ngày đầu đến lập nghiệp Công đoàn công ty sẽ hỗ trợ 10 kg gạo cùng với một số nhu yếu phẩm để bà con tập trung rèn luyện tay nghề. Công ty cũng tiến hành xây dựng các dãy nhà tập thể để bà con có nơi ăn, chốn ở sớm ổn định đời sống”.

Được biết, đến nay toàn công ty có khoảng 6 – 8 dãy nhà tập thể, mỗi dãy có từ 6 – 8 phòng chia cho các hộ gia đình, thanh niên thì gom lại ở chung khi nào ổn định công ty sẽ bố trí đất và hỗ trợ kinh phí để NLĐ tiến hành làm nhà trong khu quy hoạch dân cư đã được huyện cho phép.

Chị Út Thị Nham (người Khơ Mú) từ huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh quyết định vào làm công nhân cao su với mong muốn sẽ thay đổi cuộc sống khốn khó đeo bám mình hơn 20 năm.
Không còn nỗi lo thiếu lao động

Trên  “con  ngựa  sắt”  cà  tàng, nhưng đã theo anh Võ Công Mỹ – Giám đốc Nông trường 4 từ Việt Nam sang Campuchia, nay ngược lên biên giới, anh Mỹ chở chúng tôi rong ruổi qua từng lô cao su đang xanh rợp lá. Vừa đi, anh Mỹ vừa cho  biết:  “Hầu  như  suốt  ngày  tôi ở trên lô, khi thì ở chòi gác cháy với anh em, lúc thì đến khu tập thể nắm tình hình bà con lao động mới có thiếu thốn gì không, việc học cạo  mủ  đến  đâu,  cuộc  sống  mới có phù hợp hay không…NLĐ mới đến rất cần được quan tâm để vơi đi  sự  trống  vắng,  nhớ  nhà.  Bởi nhiều năm trước, rất nhiều thanh niên vào làm được vài tháng là bỏ việc về quê, nên chúng tôi thiếu hụt lao động đột xuất, gây nên sự bị động cho mùa cạo mới, còn năm nay mọi việc đã khác rồi”.

Là một đơn vị mới, nên nhu cầu lao  động  của  Cao  su  Chư  Mom Ray luôn cao để đáp ứng việc mở mới hàng năm nhưng lao động tại chỗ hết sức khan hiếm, bởi đây là vùng đất mới dân cư chưa nhiều. Trong khi đó, lao động đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum thường không đi theo nhỏ lẻ, mà di cư theo tập thể, bản làng nên việc thu hút lao động trở nên khó khăn. Vài năm trước, để có lao động cạo mủ công ty phải cử đoàn công tác về các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn của Nghệ An hay Kỳ Anh của Hà Tĩnh, đến tận bản làng xa xôi, hẻo lánh ở vùng núi của các tỉnh miền núi phía Bắc để tuyên truyền,  vận  động,  giới  thiệu  cơ hội  việc  làm  cho  bà  con,  nhưng hiệu quả mang lại cũng chưa như mong đợi. Anh  Nguyễn  Sỹ  Tuấn  –  Giám đốc Nông trường 2 từng là người đích thân cùng một số anh em ra tận những huyện, xã miền núi của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để quảng  bá,  giới  thiệu  cơ  hội  việc làm  và  tuyển  dụng  lao  động  cho công ty chia sẻ: “Những năm đầu khi  nông  trường  mở  cạo,  nguồn lực lao động tại chỗ và các tỉnh lân cận không đáp ứng đủ. Lãnh đạo công ty đã chủ trương mang việc làm đến cho bà con thông qua đoàn công tác. Chúng tôi đã cùng với những lao động cũ về quê họ ăn Tết, phối hợp với chính quyền địa phương đến vận động thanh niên trong các bản làng, tổ chức ngày hội việc làm…cả tháng trời nhưng vẫn không thể đủ lao động”.

Sau nhiều năm vườn cây đi vào khai thác, người đi trước truyền tai người đi sau, những gia đình công nhân có điều kiện về quê ăn Tết đã chứng minh cho những thanh niên khác thấy sự thay đổi về cuộc sống khi đi làm công nhân của công ty. Từ cách tuyên truyền này, nhiều thanh niên ở các xã vùng cao của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã lần lượt theo nhau vào vùng biên giới xin làm công nhân.

Anh Trần Xuân Thịnh – TGĐ Cao su Chư Mom Ray bày tỏ: “Chúng tôi rất vui mừng vì những cách làm hay của anh em các nông trường đã tuyên truyền, vận động, giới thiệu việc làm đến với bà con thông qua những cách làm truyền tai nhau về điều kiện lao động, chế độ đãi ngộ, tiền lương, thu nhập và tiền thưởng cuối năm. Nhiều công nhân được cấp đất, hỗ trợ làm nhà, thu nhập ổn định là những nhân tố điển hình để anh em, bà con nơi quê nhà nhìn vào và từ đó tự họ di cư vào, điều này giúp công ty đỡ phải tổ chức đoàn công tác về tuyển dụng lao động nhưng vẫn có nguồn lao động trẻ, dồi dào và nhiệt huyết, luôn nỗ lực để thay đổi cuộc sống từ nghề cạo mủ cao su”.

Năm 2022, Cao su Chư Mom Ray cần khoảng 210 lao động, nhưng hiện  tại  công  ty  đang  mở  5  lớp  huấn  luyện  và  đào  tạo  tay  nghề  cho khoảng 250 lao động, lực lượng lao động này khá trẻ và nhiệt huyết, mong muốn được gắn bó lâu dài với công ty. Anh Phạm Duy Vương cho biết thêm: “Việc lao động biến động hàng năm vẫn có, nguồn lực dôi dư này đủ bù đắp cho lao động nghỉ việc vì những lý do khác nhau. Hiện tại, trên địa bàn công ty chúng tôi không phải lo lắng vì sự thiếu hụt lao động như những năm khác”.

VĂN VĨNH