CSVN – Nhìn ngôi nhà bề thế, khang trang với tường rào bao bọc khó ai tin được vợ chồng anh Dũng, chị Yến đã dành dụm, tích cóp từ nguồn thu nhập tiền lương công nhân cao su.
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về năm 1997 anh Nguyễn Phi Dũng, sinh năm 1975, quê gốc Quảng Trị, cư ngụ ấp Liên Hiệp 2, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu đi làm việc nhiều nơi nhưng cuộc sống vẫn không ổn định. Năm 2002 anh nộp đơn xin vào làm công nhân cạo mủ và được tuyển dụng tại Đội I, NT Xà Bang (Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa).
Ngày đầu nhận nhiệm vụ, anh được hướng dẫn học cạo. Do công việc mới còn bỡ ngỡ nhưng chỉ hai, ba ngày sau anh đã biết cạo tương đối chuẩn, học thuộc hết các nội dung lý thuyết cơ bản quy trình kỹ thuật (QTKT). Nhờ vậy anh được bố trí phần cây cạo trước những đồng nghiệp cùng khóa học cạo. Được biết, trong suốt thời gian 12 năm công tác, anh luôn xuất sắc hoàn thành, vượt mức kế hoạch sản lượng mủ, tay nghề luôn đạt hạng ưu và được tặng thưởng nhiều giấy khen nông trường và công ty.
Đặc biệt, với thành tích vượt trội nên anh được tặng Bằng khen của Tập đoàn năm 2010, Bằng khen của Bộ NN&PTNT năm 2012. Cùng với đó là thành tích kép: Giải nhất, nhì Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ nông trường, công ty xứng đáng được tuyển chọn vào đội tuyển thợ giỏi tham dự Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ cấp Ngành năm 2012.
Chia sẻ bí quyết trong 12 năm công tác, anh Dũng bộc bạch: “Bản thân vốn là người lính trong quân đội, được rèn luyện tính kỷ luật bền bỉ, khả năng chịu đựng gian khổ… Vì vậy, khi được giao nhiệm vụ bản thân luôn cố gắng bằng hết khả năng của mình. Cùng với đó là sự tìm tòi học hỏi những đồng nghiệp đi trước về kinh nghiệm thực tiễn. Chẳng hạn như: Áp dụng đúng QTKT cạo mủ, nhưng phải cạo khéo léo làm sao cho các ống dẫn mủ lâu đông và dòng mủ chảy dai hơn, lâu hơn để cho sản lượng nhiều hơn. Còn về thành tích đạt được cũng chẳng có bí quyết gì ngoài sự chịu thương, chịu khó… trau dồi tay nghề thường xuyên nên thuần thục. Khéo léo và nhanh nhẹn cộng thêm yếu tố may mắn nữa nên đạt thành tích cao và được cấp trên tin tưởng tuyển chọn vào đội tuyển thợ giỏi…”
Hiện tại anh Dũng lập gia đình cùng chị Lê Thị Yến (SN 1979) vào năm 2005 và anh chị đã có hai con, một trai một gái đang học tiểu học. Năm học 2013 – 2014 cả hai cháu đều đạt thành tích học sinh giỏi. Chị Yến thì chăm lo việc nhà, con cái. nhưng hàng ngày vẫn thường xuyên vào lô phụ việc cạo, trút mủ và bóc mủ chén.
Ngoài công việc cạo mủ ra anh Dũng, chị Yến còn trồng được một sào tiêu quanh vườn nhà đã cho thu hoạch cải thiện thêm kinh tế gia đình. Với sự tính toán căn bản, chi tiêu tiết kiệm, hợp lý về tiền lương mà gia đình anh chị đã dành dụm tích lũy xây được căn nhà khang trang giá trị hơn 250 triệu đồng. Đồng thời, sắm sửa đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, phương tiện đi lại trong gia đình.
Nguyễn Củ Cải
Related posts:
- Dấu ấn các hoạt động vinh danh người lao động
- Có dịch là xách ba lô đi "trực chiến"
- Nhà truyền thống công nhân cao su: Nơi tái hiện và lưu giữ lịch sử ngành cao su
- Nỗ lực của Nàng Bức
- "Học và làm theo Bác để hoàn thiện mình"
- Chuyên gia sáng kiến, cải tiến
- 5 năm liền khai thác vượt sản lượng trên 13%
- Người công nhân say mê sáng tạo
- "Tin rằng công nhân cao su sẽ vượt qua thời điểm khó khăn này!"
- Truyền thống sắt son của 3 thế hệ gắn bó với ngành cao su