CSVN – Năm 1897, sau nhiều lần di nhập và trồng thử nghiệm thất bại, cây cao su đã có mặt tại Việt Nam. Từ đó người Pháp dần dần chiếm đất thành lập các đồn điền cao su tại Nam Bộ và cùng với nó là sự ra đời của đội ngũ công nhân cao su.
Công việc của họ là khai hoang, ươm giống, lai ghép, trồng, chăm sóc và cạo mủ dưới sự cai trị và bóc lột của các chủ đồn điền cấu kết với chính quyền thực dân, phong kiến.
Theo tác giả Đặng Văn Vinh (nguyên Tổng Cục phó Tổng Cục Cao su Việt Nam) trong tác phẩm 100 năm cây cao su ở Việt Nam – Nhà xuất bản Nông nghiệp, xuất bản năm 2000. Và theo Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam (1929-2014) của Công đoàn Cao su Việt Nam, nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 2014 (tái bản bổ sung) chúng tôi tổng hợp lại tiến trình lịch sử quá trình hình thành và phát triển lịch sử cạo mủ cao su ở Việt Nam, một công trình có ý nghĩa chào mừng 92 năm ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2021).
Tác giả Đặng Văn Vinh cho biết “Như vậy, những cây cao su đưa lẻ tẻ vào nước ta từ năm 1884 trở về trước đã không để lại dấu vết, phải đợi đến đợt nhập giống quy mô lớn do ông E.Ruol thực hiện năm 1897 mở đầu cho việc thực nghiệm cây H.B trên diện rộng ở miền Nam Trung bộ và ở Nam bộ thì cây H.B mới chính thức thâm nhập vào Việt Nam”… “Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp Nam kỳ năm 1910 thì các cây cao su đầu tiên năm 1898 được trồng trong một vùng đất trũng, ẩm thấp nên chỉ còn 300 cây, phát triển không đồng đều. Vì vậy đến năm 1906 vẫn chưa mở miệng cạo được. Trên một vùng đất cao, cây cao su mọc tốt, cao to, nhưng chỉ còn 90 cây, được mở cạo năm 1908 (tức là 10 năm sau khi trồng)”.
“Các cây cao su do vườn thực vật Sài Gòn gởi cho Yersin, có thể được trồng vào khoảng tháng 10, tháng 11 năm 1897 trên khu A, bên tả ngạn con suối mang tên Suối Dầu”. Từ những tư liệu đó có thể khẳng định cây cao su được trồng thành công năm 1897 tại Việt Nam và được mở miệng cạo sau 7 năm trồng. “Trong thư gởi thường kỳ một tháng hai lần cho mẹ, ngày 11/12/1904, Yersin báo tin vui: “Kết quả cạo mủ thử ở Suối Dầu rất đáng khích lệ, các cây cao su cho mủ ngày càng nhiều”. “Chính từ giữa năm 1904, Yersin và Ver-Net bắt đầu nghiên cứu việc cạo mủ cao su tại Suối Dầu, một phần dựa vào các kết luận thực tiễn của ông Ridley giám đốc vườn thực vật Singapore đã có công nghiên cứu cách lấy mủ mà không gây ảnh hưởng xấu đến cây cao su”.
Chính các ông Yersin và Ver-Net tìm hiểu diễn biến của tỷ trọng mủ nước, tỷ lệ mủ khô xác định cây có thể mở miệng, thời vụ cạo mủ, giờ cạo mủ thích hợp trong ngày, hình dạng miệng cạo, độ sâu miệng cạo, dụng cụ dùng trong việc cạo mủ (dao đục, chén hứng mủ). Từ những nghiên cứu, tìm hiểu đó việc cạo cây cao su để lấy mủ đã được áp dụng, năm 1905 Suối Dầu chính thức mở miệng một số cây cao su trồng đầu tiên. Đợt đầu được 1.316 kg mủ khô gởi bán cho hãng Michelin ở Pháp được 18,50 Francs. Đây là cao su xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam và của Đông Dương.
Từ những nghiên cứu sinh lý cây cao su, tỷ lệ mủ (Drc) và phương pháp lấy mủ ông Ver-Net đưa ra nhận định rằng năng suất cao nhất tương ứng với nồng độ mủ bằng 40%, ông đề ra phương pháp cạo “Miệng ngắn (1 hay nhiều miệng), chiều dài không quá 15cm và mỗi ngày mỗi cạo (D1). Ông gợi ý cạo các kiểu:
– Miệng nghiêng
– Chữ V kín hay V hở
– Hình cái lược
– Hình xương cá
Theo tài liệu cho biết phương pháp cạo này (mỗi ngày mỗi cạo) đã gây ảnh hưởng xấu đến vườn cây – vườn cây bắt đầu xơ xác. Về dao cạo mủ, ở Suối Dầu dùng con dao đục theo con dao đục của đồn điền Ketipigalla ở Ấn Độ. Nó giống như cái đục vũm của người thợ mộc, có lòng máng sâu, và từ cái đục vũm thẳng nó được uốn cong dần để trở thành cái đục của dân cạo ngày nay. Sau hơn 1 thế kỷ, dao cạo mủ cao su đã được cải tiến song về cơ bản giống nhau: gồm có 5 biến thể theo quy trình kỹ thuật cây cao su 2020: Dao cạo úp chuyên dùng; Dao cạo cải tiến lắp ghép; Dao cạo cải tiến; Dao cạo ngửa; Dao cạo ngửa lắp ghép. Cái chén hứng mủ đầu tiên của Suối Dầu là một cái cốc bằng kẽm một bên lõm để áp sát vào thân cây cao su.
Bằng nhiều tài liệu tác giả Đặng Văn Vinh đã trình bày khá tỉ mỉ chi tiết về chế độ cạo.
Từ năm 1914 chế độ cạo được áp dụng là cạo theo hình xương cá cạo d/1, cạo 365 ngày trong 1 năm.
Năm 1922 chuyển sang dần chế độ cạo s/2 d/2.
Năm 1940 chế độ cạo s d/4 đã trở thành phổ biến trong các đồn điền cao su ở Đông Dương.
Về tiêu chuẩn hóa động tác cạo mủ theo ông Đặng Văn Vinh cho biết tại công ty Đất Đỏ thời đó quy định gồm 7 động tác:
1. Gỡ chén bằng tay phải trong khi tay trái cho mủ dăm vào giỏ.
2. Xách giỏ và di chuyển sang cây bên cạnh.
3. Lau sạch chén và đặt ngay ngắn trên kiềng, dưới cái máng.
4. Gỡ mủ đông trên máng và trên miệng cạo.
5. Cạo mủ.
6. Sửa cái chén bằng tay phải trong khi tay trái nhặt các mẫu mủ dăm rơi dưới đất.
7. Nếu trời mưa thì dùng một cọng lá hay cây tăm để dẫn mủ.
Đến năm 1945, Viện cao su Pháp IFC đưa ra 5 động tác:
1. Lấy chén dơ (bẩn) và đặt chén sạch lên kiềng.
2. Gỡ mủ dây trên miệng cạo.
3. Cạo mủ.
4. Kiểm tra lại máng.
5. Di chuyển sang cây bên cạnh, vừa đi vừa lau sạch chén.
Ngày nay công việc trước và sau khi cạo mủ từng cây được quy định rất đơn giản và ngắn gọn (Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020) như sau: Trước khi cạo mủ, phải bóc mủ dây, mủ chén, sửa lại kiềng, máng, lau sạch chén và úp trên kiềng. Cạo xong, ngửa chén lên và dẫn mủ chảy vào chén rồi mới qua cạo cây khác. Đặc biệt, cần lưu ý việc dẫn mủ chảy vào chén đối với cạo úp có kiểm soát.
- Hướng đi cạo mủ theo những cây kế cây trên cùng hàng. Lần cạo kế tiếp phải đổi đầu phần cạo hoặc đổi thứ tự cây cạo.
Việc kiểm tra cạo mủ đã được “định lượng hóa” chất lượng cạo mủ. Đầu những năm 30 của thế kỷ trước tại Công ty cao su Đất Đỏ:
- Trước hết là hao dăm: định mức tiêu chuẩn: 22 cm trên cây thực sinh, 25 cm trên cây ghép.
- Thứ đến là độ sâu nhát cạo: cạo quá sâu thì phạm, cạo cạn thì mất mủ.
Quy định cạo cách tương tầng từ 0 đến 1m/m.
Từ năm 1935 cơ chế và nội dung kiểm tra như sau: Kiểm tra bất kỳ 3-5 cây trong mỗi phần cây.
- Kiểm tra độ sâu: độ sâu không đáp ứng yêu cầu là còn cách tương tầng trên 1m/m; Sâu trên 3m/m là độ sâu không chấp nhận được.
- Kiểm tra độ hao dăm: Đo 3 tháng hay 6 tháng, châm chước +-8%.
- Số vết phạm bình thường (lớn hơn mức 5x10m/m).
- Số vết phạm không chấp nhận được (lớn hơn mức 10x30m/m).
- Kiểm tra độ nghiêng tiêu chuẩn (cho phép +-2%).
- Kiểm tra mủ chảy ngoài cái chén và các trường hợp có thể tránh được. Mỗi tháng, số có một hệ số đi kèm để tính điểm thưởng phạt, tổng số điểm: nếu dưới 20 thì được xếp vào loại ưu tiên, từ 60 đến 70 loại trung bình, cao hơn là loại kém.
Ngày nay (Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020) quy định 16 lỗi vi phạm, sát, phạm nhẹ, phạm nặng, cạn nhẹ, mỏng dăm, dày dăm nhẹ, dày dăm nặng, miệng cạo gợn sóng, miệng cạo lệch, không vuông góc, vệ sinh kém, cây bỏ cạo, tận thu kém, trang bị, chăm sóc cây kém, vi phạm cường độ cạo. Đây là những quy định hoàn chỉnh quy trình quản lý kỹ thuật thu hoạch mủ cao su trên vườn cây được kế thừa và phát triển mang tính khoa học, truyền thống và thực tiễn.
Ngày ấy, ông bà ta thế hệ công nhân cao su đầu tiên từ người nông dân trở thành người thợ, với kiếp đời nô lệ đã trồng, chăm sóc, khai thác cao su với bao đắng cay tủi nhục. Song họ là những người thợ rất đáng tự hào. Ông Van Huffel, một phụ tá đồn điền của Công ty cao su Đất Đỏ đã nhận xét về công nhân cạo mủ Việt Nam: “Chúng ta có một lực lượng lao động khéo tay một cách lạ kỳ và có một ý thức bẩm sinh trong việc tiết kiệm thao tác”. Ngợi ca là thế, song áp bức bóc lột bọn chủ đồn điền đã đặt ra hàng loạt những tội trạng để đánh hoặc cúp lương công nhân. Dưới đây là các tội mà công nhân già còn nhớ lại được (Lịch sử phong trào công nhân cao su đã ghi):
- Bắt kiềng lệch và không đúng kích thước.
- Đặt bát hứng mủ hơi nghiêng, không kịp lau kỹ bên trong và bên ngoài.
- Cạo không ngang, miệng cạo không thẳng.
- Cạo không đúng quy định về độ sâu (1mm).
- Cạo dày hơn 1 mm.
- Cạo phạm vào xương cây.
- Để mủ rơi xuống đất vài giọt mà không vét lên hết.
- Trời mưa để mủ tràn dính thân cây mà không gỡ kịp.
- Không làm hết phần cây khoán trong ngày.
- Dao cạo không sắc.
- Bệnh chưa liệt giường mà không đi làm.
- Không có đủ số mủ quy định.
- Không biết phải quấy với cấp trên.
- Có vợ xinh trông dễ coi mà không cống nạp cho chúng.
- Để gốc cây bẩn.
- …
“Trong tất cả các loại hình phạt mà chúng áp dụng đối với công nhân thì hình phạt đối với việc “cạo phạm” là nặng nhất. Thông thường cứ đến ngày cuối tháng, chúng lại tổ chức đi kiểm tra ngoài lô một lần. Chúng đi dò từng cây cao su, hễ ai cạo phạm là chúng lôi ra trừng phạt một cách hết sức tàn nhẫn. Chúng bắt người công nhân “cạo phạm” đó nằm xuống bên gốc cây cao su rồi đánh, đánh xong chúng lấy mủ nước cao su dội lên đầu. Mà thứ mủ ấy đã bám vào đầu vào tóc thì khó bề mà gội sạch được. Phải dội dầu hôi lên đầu rồi gỡ từng mảng mủ. Nhưng khi gỡ hết mủ thì da đầu cũng tróc hết, đầu đỏ ối như bị bỏng. Có người đã chết vì hình phạt thâm độc này”. Vì vậy có ca dao rằng:
“Cao su đi dễ khó về
Trai thì bỏ xác, gái về còn xương”…
“Cao su vốn thật lạc loài
Mạng phu thật rẻ như bèo đâu ngoa”…
“Cao su xanh tốt chốn này
Mỗi cây bón một xác người công nhân
Hận thù trời đất khôn cầm
Càng tươi dòng mủ, càng bầm ruột gan”.
Là một bộ phận lịch sử trong toàn bộ lịch sử cao su Việt Nam, sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, các nông trường quốc doanh ra đời, Đảng và Chính phủ chủ trương phát triển cây cao su với sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc. Từ khảo sát, khảo nghiệm với kinh nghiệm có được từ các cán bộ Nam Bộ tập kết ra Bắc, chúng ta đã đưa những hạt cao su đầu tiên nhập từ Trung Quốc trồng thành công trên 2 ha ở Nông trường Tây Hiếu ngày 13/10/1958. Sau đó nhân rộng phát triển ở các Nông trường ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị đến năm 1984 được 6.000 ha. Năm 1965 đào tạo công nhân cạo mủ đầu tiên.
Trong mưa bom bão đạn của chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cây cao su bị tàn phá thiệt hại nặng nề, cây cao su cùng với người công nhân các Nông trường miền Bắc vẫn đứng vững cho những dòng nhựa trắng ngần. Vừa làm, vừa học tập kinh nghiệm của bạn, của Nam Bộ bổ sung vào quá trình sản xuất. Ông Phan Đắc Bằng, ông Đặng Văn Vinh nguyên Tổng cục phó Tổng cục Cao su Việt Nam là những người trong cuộc đã kể lại những câu chuyện thú vị trong giai đoạn phát triển cây cao su ở miền Bắc. Những câu chuyện về làm phân hữu cơ chăm sóc vườn cây, đào tạo tay nghề công nhân; Kiểm tra kỹ thuật cạo mủ; Cạo đèn; Luyện tay nghề, thi thợ giỏi… đến nay có ý nghĩa lịch sử, truyền thống và thực tiễn cho việc duy trì và phát triển cây cao su ở miền Trung, Tây Bắc.
Nếu nói về lịch sử hình thành của ngành cao su Việt Nam chúng ta phải khẳng định: Cây cao su được di nhập và trồng thành công ở Việt Nam năm 1897 cách đây 124 năm và miền Đông Nam bộ là xứ sở của cây cao su ở Việt Nam ngay từ ngày đầu và hiện nay là vùng trọng điểm cao su chiếm diện tích lớn nhất trong nước. Ngày nay cây cao su của VRG đã có mặt ổn định và phát triển ở miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, Lào và Campuchia.
Cây cao su – Nghề cao su – Người thợ ở Việt Nam đã trải qua 4 đời thợ, biết bao khổ đau, đấu tranh vất vả gian lao chiến đấu và chiến thắng. Cảm ơn tác giả Đặng Văn Vinh nguyên Tổng Cục phó Tổng Cục cao su Việt Nam trong tác phẩm: “100 năm cao su Việt Nam”. Bằng nhiều nguồn tư liệu tham khảo, nghiên cứu bằng sự trải nghiệm chính cuộc đời mình gắn bó với cây cao su từ Nam đến Bắc, bằng sự nhìn nhận khách quan, trung thực và khoa học. Ông đã tạo ra bức tranh toàn cảnh lịch sử cao su Việt Nam đến năm 2000.
Đây là tác phẩm lịch sử, khoa học có giá trị truyền thống của ngành cao su. Thế hệ người thợ công nhân hôm nay đang viết tiếp lịch sử cao su Việt Nam bằng công sức, trí tuệ và trái tim người thợ. Chúng ta đang có gần cả triệu ha cao su trong nước và nước ngoài. Sản lượng hàng năm hơn triệu tấn, năng suất vườn cây, năng suất lao động đứng đầu thế giới. Hàng chục ngàn người thợ, hàng ngàn kiện tướng, hàng ngàn “Bàn tay vàng” đã tạo nên thương hiệu VRG, khẳng định tính tiên phong, cách mạng đấu tranh liên tục của các thế hệ công nhân cao su. Một Tập đoàn kinh tế mạnh trong thời kỳ phát triển và hội nhập, chặng đường mới phát triển bền vững.
Tương lai gần, thời đại 4.0 máy móc có thể thay thế con người làm công việc cạo mủ. Song 124 năm qua các thế hệ người thợ đã làm nên lịch sử – Lịch sử cao su Việt Nam – “Cao su – Dòng chảy cuộc sống”.
TRỌNG NHÂN
Related posts:
- Sáng kiến giá trị của một thợ giỏi
- Phạm Thị Liên - "Con người đẹp nhất"
- Cao su Lai Châu phấn đấu đạt sản lượng 7.000 tấn mủ
- Một "mùa vàng" bội thu
- Cao su Đồng Nai (2/6/1975 - 2/6/2023): Phát huy truyền thống, vững vàng bước vào giai đoạn phát triể...
- Từ giải khuyến khích đến giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Dầu Tiếng
- Sôi nổi mùa nước rút ở Nông trường Lai Uyên
- Những đôi tay vùng cao làm cao su
- “Chủ động, linh hoạt, đồng lòng phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao”
- Mô hình đội quản lý là người Campuchia mang lại hiệu quả cao