“…Vậy là từ nay mẹ con tôi không còn sợ khi mùa mưa về phải hứng từng giọt mưa rơi, che đậy cửa sổ khi mưa tạt, không còn sợ những cơn gió mùa đông lạnh lẽo. Vui nhất là con tôi, cháu có chỗ ăn học sạch sẽ, an toàn hơn khi mẹ đi làm vắng nhà…” – Đó là những dòng tự sự rút từ gan ruột của nữ công nhân Nông trường K’Dang (Cao su Mang Yang) Đỗ Thị Nguyên, trong “Vững tin tới tương lai” – Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi “Vòng tay Công đoàn” do Tổng LĐLĐ VN tổ chức.
Một quãng đời đầy bất hạnh
Một trưa tháng mười, khi mà những thông tin với những con số lây nhiễm trong cộng đồng tại tâm dịch TP.HCM vẫn chưa “hạ nhiệt”, tin nhắn từ cộng tác viên “ruột” của Tạp chí Cao su VN – Đỗ Thị Nguyên như luồng gió mát xua đi những căng thẳng bởi dịch bệnh bao trùm: “Chị ơi, bài tham gia cuộc thi “Vòng tay Công đoàn” của em đạt giải Nhì. Vui quá chị ơi!” – Đọc dòng tin nhắn của em mà tôi không tin vào mắt mình, tim tôi xốn xang, nước mắt nhòe ra vì sung sướng và hạnh phúc.
Chợt nhớ lại những ngày đầu khi cuộc thi được khởi động, chúng tôi động viên “em tham gia cuộc thi đi, biết đâu một lần nữa “Vòng tay ấm áp” lại gọi tên” – Đó là em, nữ công nhân cao su có quãng đời đầy bất hạnh:
“Tôi lập gia đình năm 20 tuổi. Chồng tôi là con út trong một gia đình làm nông bình thường, gia cảnh không lấy gì làm khá giả, nhưng bù lại anh rất siêng năng, tính tình hòa đồng…
Rồi chúng tôi có với nhau một bé gái nhỏ nhắn. Cuộc sống của chúng tôi tuy còn khó khăn nhưng hạnh phúc thực sự đong đầy.
Biến cố lớn xảy đến với tôi vào một buổi tối khi tôi đang ngủ thì nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ. Họ báo tin chồng tôi bị tai nạn ngoài quốc lộ…Đó là đêm dài nhất trong cuộc đời tôi. Đám tang thê lương bất ngờ trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo diễn ra trước mắt tôi như ảo giác. Vậy là 28 tuổi, tôi trở thành góa phụ, con tôi trở thành mồ côi. Đau khổ hơn nữa, chồng tôi ra đi khi anh còn nợ số tiền hơn 200 triệu đồng…”
Đó là những dòng tự sự chân thành mở đầu câu chuyện đầy nước mắt của nữ công nhân “sinh ra và lớn lên tại xã Hneng, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió, nơi có những đồi cao su xanh trải dài ngút ngàn…”.
Nỗi đau quá lớn, nhiều lúc tưởng chừng ngã quỵ, chị “muốn buông bỏ tất cả”, nhiều đêm vật vã trong nỗi đau vì cái chết của chồng ám ảnh đầy mộng mị. Nhưng nhìn con thơ nhoẻn miệng cười hồn nhiên trong giấc ngủ khi nửa đêm chợt trở mình thức giấc, khiến chị xốc lại tinh thần: “Tôi biết mình không thể yếu mềm thế được. Tôi phải sống, phải nuôi con… Nghĩ vậy, tôi lau khô đi nhưng dòng lệ, giấu chúng thật kín tận đáy lòng. Tôi xác định sẽ bắt đầu lại cuộc sống dù biết sẽ vô vàn khó khăn, vất vả”.
Tại sao phải chết? Tại sao phải trốn tránh cuộc đời để “xuống tóc” quy y?
“Thời gian sau đó, tôi luôn đi làm từ lúc một giờ sáng, con thì gửi sang ông bà nội….Tôi làm tất cả mọi việc, không dám nghỉ ngơi, chỉ nghỉ khi quá mỏi mệt, vừa để kiếm tiền nuôi con, vừa để giết thời gian, không rảnh rỗi để gặm nhấm nỗi buồn.
Căn nhà nhỏ vốn đã xiêu vẹo dột nát, đã lạnh, nay vắng bóng người đàn ông lại càng lạnh lẽo hơn. Chỉ có tiếng kinh cầu vọng ra từ chiếc máy ghi âm bên bàn thờ nho nhỏ. Hôm nào mưa, tôi ôm ghì lấy con, vừa chở che, vừa trao cho bé hơi ấm nhiều nhất có thể”.
“Vòng tay Công đoàn” thắp lên ngọn lửa tin yêu cuộc sống
Trong môi trường lao động đầy ắp tiếng cười, cuộc sống tập thể ấm áp tình người đã khiến chị hoàn toàn thay đổi trong suy nghĩ, trái tim khô cằn được hồi sinh, lạc quan tin yêu cuộc sống. “Vòng tay Công đoàn” đã đem đến cho chị hơi ấm yêu thương và thổi bùng niềm tin vào ngày mai tốt đẹp: “Trong lúc tôi cố gắng gượng dậy nhưng dường như cũng đã cạn hết nghị lực, thì chính chị Trang và các cán bộ Công đoàn công ty đã thắp lên cho tôi ngọn lửa tinh thần, giúp tôi dần dần tìm lại được chính mình, có thêm động lực ổn định lại cuộc sống”.
Những lời tự sự như dòng chảy của mạch ngầm cảm xúc, căn nhà Mái ấm Công đoàn – Căn nhà của tình thương và sẻ chia đồng cảm và đó cũng chính là dấu ấn tạo bước ngoặt của cô công nhân đón nhận sự chân tình:
“Anh Lê Huy Phu, Chủ tịch công đoàn thì đứng ra đôn đốc việc làm nhà cho tôi. Anh trực tiếp tìm đội thợ xây có uy tín, bàn bạc, dặn dò tỉ mỉ từng chi tiết cụ thể. Tôi xúc động lắm.
Ngôi nhà Mái ấm Công đoàn 60 m2 được hoàn thành trong tình thương và sự chung tay của tất cả mọi người. …Ngày ban giao nhà, chị Trang đại diện công đoàn công ty trao cho tôi số tiền 35 triệu đồng và một số đồ dùng sinh hoạt các anh chị vận động đoàn viên quyên góp… Công đoàn Nông trường Cao su K’dang cũng gom tặng một triệu đồng và một số vật phẩm khác.
Tôi vui lắm, xúc động không nói nên lời, nước mắt cứ trào dâng. Căn nhà mới của tôi tuy không to nhưng nó chứa đựng niềm tin, thể hiện sự đoàn kết, đùm bọc mang hơi ấm giúp tôi vững tin về tương lai, vươn lên trong khó khăn của cuộc sống”.
Mái ấm Công đoàn đã thổi bùng lên những khát khao và là dịp thú đam mê viết lách của một thời tưởng chừng nguội lạnh nay lại được khơi nguồn. Chị khai thác nhiều thể loại, dễ nhận ra trên từng trang viết là sự hồ hởi, tươi vui của nhịp sống mới hồi sinh, niềm vui khí thế hăng say lao động, những ấm áp xôn xao khi nhựa trắng khơi dòng…
Chị viết nhiều đến tổ ấm của người lao động, nơi đó có biết bao người “sống vì mọi người”: Đó là anh, Phu – Chủ tịch CĐ công ty, là chị Mến – Phó chủ tịch; là chị Đài Trang – cán bộ Công đoàn tận tâm, trái tim nhân hậu; cả sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo công ty, nông trường, tổ sản xuất; và cả tập thể lao động trong tổ sản xuất đồng cảm sẻ chia – nhất là lúc khó khăn, ốm đau, bệnh tật…
Cái kết có hậu, giàu tính nhân văn
Như một con thuyền vượt qua bão tố, vững vàng đi qua ngày bão giông, chị tìm thấy ý nghĩa đích thực: “Bản thân tôi vẫn cố gắng lao động trên vườn cây, không ngại nắng mưa gian khổ. Sau khi bán mảnh đất riêng để trả bớt nợ nần, tôi cũng học hỏi làm thêm 500 gốc cà phê để kiếm thêm thu nhập. Ngoài giờ làm tôi tiếp tục tranh thủ cộng tác viết bài gửi Tạp chí Cao su. Biết việc làm của tôi, chị Trang rất ủng hộ. Hễ công ty có sự kiện gì, chị thống kê số liệu, thu nhập thông tin gửi cho tôi viết tin, bài. Nhờ đó tôi ngày càng lấy lại cân bằng…”.
Cái kết của câu chuyện chị viết về chính cuộc đời như một luồng gió lạ, lan tỏa năng lượng tích cực về ý chí và nghị lực kiên cường, bởi với họ những công đoàn viên đã có tổ chức Công đoàn – Mái ấm, vòng tay yêu thương che chở cho những thân phận, cuộc đời chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống: “Không chỉ riêng tôi, tất cả những công nhân có hoàn cảnh khó khăn đều cảm thấy thật hạnh phúc khi nhận được sự giúp đỡ của Công đoàn. Những việc làm của Công đoàn như vòng tay mang hơi ấm lan truyền đến tất cả người lao động với tình người cao đẹp”.
Một cái kết thật có hậu, đầy tính nhân văn – Vì lẽ đó bài viết đạt giải Nhì cũng là lẽ thường. Qua câu chuyện về chính cuộc đời của chị, để chúng ta nhận ra rằng: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” (Mùa lạc – Nguyễn Khải).
NGUYỄN LÝ
Related posts:
- Cao su Chư Păh trao 130 suất quà cho các gia đình chính sách
- Vinh danh 115 gia đình CNVC LĐ tiêu biểu ngành cao su
- Công đoàn Cao su Phú Thịnh tặng quà Tết công nhân khó khăn
- Tổng Liên đoàn LĐVN chỉ đạo chăm lo Tết Bính Thân cho người lao động
- Không thể xem nhẹ bữa ăn giữa ca
- Bình tĩnh ứng phó, chủ động phương án trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19
- Tuyên dương 344 học sinh, sinh viên học giỏi, vượt khó
- Xuất khẩu cao su tự nhiên của Thái Lan tăng 22,8% trong tháng 6/2022
- Sức lan tỏa của Tháng Công nhân 2015
- Cao su Tây Ninh có nhiều cá nhân về trước kế hoạch 41 ngày