CSVN – Anh Lê Đình Cường – công nhân khai thác mủ cao su tại Nông trường An Lập, Cao su Dầu Tiếng cho biết nhờ học tập ở Bác đức tính “Cần, Kiệm” nên anh được bồi đắp thêm tình yêu ngành, yêu nghề, vượt qua khó khăn và phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm.
Anh Lê Đình Cường đã có nhiều lần “chinh chiến” tại Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su do VRG tổ chức. Tại Hội thi Bàn tay vàng năm 2014, 2016 và 2018, anh chưa đạt được giải cao. Nhưng đến năm 2020, chuyên tâm luyện rèn, phát huy những kinh nghiệm có được khi tham gia các Hội thi Bàn tay vàng của những lần trước, anh đã xuất sắc vượt qua hơn 200 thí sinh tham dự và đạt giải nhất chung cuộc. Anh kể: “Hơn 19 năm làm công nhân cao su đó cũng chính là khoảng thời gian cố gắng không ngừng của tôi. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi tuân thủ quy trình kỹ thuật, tích cực rèn luyện nâng cao trình độ để “Vững lý thuyết – Giỏi thực hành”. Đồng thời, chấp hành tốt nội quy lao động của đơn vị. Là một đảng viên, công nhân trực tiếp sản xuất, tôi luôn gương mẫu, cần cù, có trách nhiệm cao trong công việc nên năm nào tôi cũng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo đơn vị đánh giá cao”.
Với những thành tích nổi bật trong công việc, tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/ TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Tỉnh ủy Bình Dương, anh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích tiêu biểu trong Học tập và làm theo Bác giai đoạn 2016 – 2021. Đồng thời được chọn trình bày báo cáo tham luận tại hội nghị.
Anh chia sẻ, qua 5 năm Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bản thân anh tâm đắc nhất là đức tính “Cần” và “Kiệm”. Anh nói: “Theo Bác, con người có đức tính cần cù thì việc gì, dù khó khăn đến mấy, cũng làm được. Do đó, khi trong tổ có công nhân nghỉ cạo, tôi xung phong đăng ký cạo choàng để vừa có thêm sản lượng, vừa để tăng thu nhập. Tôi luôn tận thu hết sản lượng các loại mủ. Có ý thức tiết kiệm và bảo quản tốt vật tư trang bị cho phần cây. Trong cuộc sống gia đình, tôi nhắc nhở bản thân tiết kiệm trong chi tiêu, không lãng phí tiền bạc”.
“Mặc dù những năm qua ngành cao su gặp nhiều khó khăn do giá bán mủ dẫn đến tiền lương, tiền thưởng cũng giảm đi rất nhiều so với những năm trước đây nhưng nhờ việc học tập ở Bác đức tính “Cần, Kiệm” giúp tôi bồi đắp thêm tình yêu ngành, yêu nghề, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng được đơn vị giao, quy trình kỹ thuật luôn đạt loại giỏi”, anh tiếp lời.
Ngoài công việc chính, anh còn tranh thủ phát triển kinh tế gia đình. Vợ chồng anh đã đầu tư xây dựng 9 phòng trọ để cho thuê và tham gia bán hàng thịt gà thả vườn bằng hình thức trực tuyến. Khi có khách hàng đặt mua, vợ chồng anh làm thịt gà và giao tới tận nơi cho khách hàng. Hiện nay, tổng thu nhập từ lương và phát triển kinh tế gia đình của anh hàng tháng trên 27 triệu đồng.
Theo anh, để việc Học tập và làm theo Bác được lan tỏa và đạt nhiều kết quả cần phải làm tốt việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đơn vị. Đồng thời, lãnh đạo đơn vị phải quan tâm đến đời sống, điều kiện làm việc của công nhân cạo mủ, trong đó có thanh niên công nhân. Từ đó sẽ tạo điều kiện để họ cống hiến cho sự phát triển của đơn vị.
MINH NHIÊN
Related posts:
- Làm kinh tế gia đình giỏi để bám trụ với nghề
- Bàn tay vàng Nguyễn Thị Thùy: Nỗ lực hết mình góp phần vào thành tích chung của Hội thi
- Cần cơ chế hỗ trợ người lao động làm việc ở Lào, Campuchia
- Ông Phạm Bá Phong: Một trong những cán bộ khung góp phần xây dựng công ty cao su Chư Sê
- Quyết tâm đưa đơn vị trở thành lá cờ đầu của Nông trường
- Chuyện tờ tiền lẻ
- Trước ngày hội lớn
- Người nữ đội trưởng “đi đường Cồi” (*)
- An cư lạc nghiệp trên vùng biên giới
- Nghĩa vụ và trách nhiệm