(tiếp theo kỳ trước)
Hiệu quả kinh tế – Nâng cao lợi nhuận
Từ kết quả theo dõi sản lượng, tiến hành khái toán hiệu quả kinh tế giữa phòng trị bệnh và không phòng trị. Trên các đối tượng vườn cây được phòng trị bệnh đều thu được lợi nhuận khái toán tăng so với đối chứng (không phòng trị) từ 9.642.650 đồng/ha/năm đến 13.742.460 đồng/ha/năm (Bảng 3.4). Như vậy, nhờ vào các tiến bộ kỹ thuật (xây dựng quy trình mới cải tiến: giảm số lần phun thuốc, áp dụng loại thuốc mới, cải tiến máy phun cao áp,…) đã giúp việc phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cao su kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao trong điều kiện giá mủ thấp như năm 2020.
Kinh nghiệm thực tiễn trong công tác phòng trị bệnh phấn trắng
Đặc thù của bệnh phấn trắng là sự phát sinh, phát triển của bệnh diễn biến nhanh trong thời gian ngắn và phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết. Tại thời điểm vườn cây ra lá non, nếu có ẩm độ cao (sương mù) vào buổi sáng cộng với nhiệt độ thấp trong vòng 1 – 2 ngày thì bệnh sẽ xuất hiện.
Bên cạnh đó, sự rụng lá và ra lá mới của cây cao su cũng phụ thuộc nhiều yếu tố (thời tiết, dòng vô tính, tuổi cây, nền đất, ẩm độ,…), trong đó yếu tố thời tiết là quan trọng nhất tác động làm thay đổi, biến thiên rất lớn về thời điểm rụng lá giữa các vườn cây và giữa các cây trong cùng một vườn. Trong giai đoạn rụng lá qua đông, nếu có một vài cơn mưa muộn sẽ dẫn đến tình trạng nhiều vườn cây rụng lá không đồng loạt, không tập trung. Những cây rụng lá sớm khi gặp mưa thì quá trình ra lá nhanh hơn, trong khi những cây chưa rụng lá khi gặp mưa đủ ẩm lại trì hoãn quá trình rụng lá.
Trong giai đoạn vườn cây ra lá non, nếu thời tiết chuyển lạnh kéo dài sẽ làm trì hoãn quá trình sinh trưởng của lá, kéo dài giai đoạn lá mẫn cảm với bệnh so với điều kiện thời tiết bình thường. Thực tế năm 2021 đã ghi nhận, với tình trạng “tốc độ phát triển lá” chậm đến 5 – 7 ngày, việc xác định thời điểm phun lần thứ nhất như “kinh nghiệm” những năm trước đây và “Quy trình kỹ thuật 2020” thì vẫn có nhiều vườn cây ở thời điểm 10 ngày sau phun lần 2 tuổi lá vẫn còn mẫn cảm bệnh, sẽ bị nhiễm nếu không phun lần 3. Do vậy, ở thời điểm 8 – 10 ngày sau lần phun thứ 2 mà tán lá vẫn còn giai đoạn xòe rũ (lá chưa vượt qua khỏi giai đoạn mẫn cảm với bệnh), nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, cần phải phun thuốc lần 3 mới đảm bảo hiệu quả phòng trị bệnh tốt.
Bảng 3.4. Khái toán hiệu quả kinh tế trên các vườn cây phòng trị bệnh so với không phòng trị tại Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai năm 2020
Các mô hình | Doanh thu từ sản lượng tăng thêm (đồng/ha) | Chi phí phòng trị (đồng/ha) | Chế biến sản lượng tăng thêm (đồng) | Lợi nhuận (đồng/ ha) |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5 = 2 – 3 – 4) |
I. Nông trường Cẩm Đường | ||||
Phòng trị bệnh: hexaconazole 0,01% (Diện tích: 20,4 ha) | 11.420.350 | 535.200 | 1.242.500 | 9.642.650 |
II. Nông trường Ông Quế | ||||
Phòng trị bệnh: hexaconazole 0,01% (Diện tích: 18,7 ha) | 16.020.660 | 535.200 | 1.743.000 | 13.742.460 |
III. Nông trường An Lộc | ||||
Phòng trị bệnh: tebuconazole 0,125% (Diện tích: 6,7 ha) | 12.707.150 | 402.000 | 1.382.500 | 10.922.650 |
IV. Nông trường Túc Trưng | ||||
Phòng trị bệnh: tebuconazole 0,125% (Diện tích: 85 ha) | 13.800.930 | 402.000 | 1.501.500 | 11.897.430 |
*Giá mủ bình quân năm 2020 là 32.170.000 đồng/tấn; Chi phí chế biến mủ: 3.500.000 đồng/tấn; Giá thuốc Hexin 5SC (hexaconazole): 113.000 đồng/lít; Giá thuốc Vitebu 250SC (tebuconazole): 230.000 đồng/lít. Chi phí phòng trị bệnh (thuốc trừ nấm, chất bám dính BDNH 2000 và vận hành máy phun thuốc).
Dịch hại trên cây nói chung và bệnh phấn trắng nói riêng rất biến thiên và có tương quan rất chặt với diễn biến thời tiết mỗi năm, luôn có yếu tố trở ngại phát sinh mới nên cần có sự vận dụng linh hoạt các kỹ thuật BVTV mới đạt hiệu quả tốt. Đối với công tác phòng trị bệnh phấn trắng, ngoài việc chuẩn bị nguồn lực, kế hoạch, vật tư chu đáo thì vấn đề “kỹ năng đánh giá, nhận định và đưa ra quyết định” về thời điểm phun thuốc lần đầu tiên đúng thời điểm, quyết định ngày phun lần 2 và có hay không việc phun thuốc lần 3 là rất quan trọng. Trong mùa bệnh kéo dài 2 – 3 tháng, nấm bệnh luôn có điều kiện thuận lợi để tấn công gây bệnh trên vườn cây, việc đảm bảo hiệu quả phòng bệnh tốt trên hàng ngàn hecta vườn cây thật sự không đơn giản.
Hiệu quả đa mục đích của việc phòng trị bệnh phấn trắng
Trong đời sống sinh lý thực vật, bộ lá có vai trò quan trọng thực hiện chức năng quang hợp, trao đổi khí, hô hấp và dự trữ năng lượng. Ngoài ra, lá của một số loài thực vật còn có chức năng sinh sản sinh dưỡng hoặc tự vệ. Trên cây cao su, bộ lá có vai trò quan trọng trong sinh trưởng và có tương quan rất chặt với khả năng tạo mủ (latex). Cây có bộ lá tốt thì hiệu suất quang hợp cao, tạo ra nhiều nguyên liệu đường sucrose cho quá trình tạo mủ. Do vậy, có thể nói việc phòng trị bệnh phấn trắng tốt là cơ sở để giữ vững và nâng cao năng suất vườn cây.
Bộ lá tốt còn giúp cây tăng khả năng chống chịu với điều kiện môi trường bất lợi và các loại bệnh lá khác. Những năm khô hạn kéo dài, những vườn cây có bộ lá kém bị rụng lá 1 – 2 lần rồi sau đó khô cành chết ngọn, trong khi đó vườn cây có bộ lá tốt có thể chống chịu và thời gian phục hồi tán lá nhanh hơn rõ rệt. Bên cạnh đó, trên các vườn cây được phòng trị bệnh phấn trắng tốt thì mức độ nhiễm bệnh Corynespora cũng giảm đáng kể. Những vườn cây được phòng trị bệnh lá hiệu quả cao có bộ lá tốt, ổn định từ sớm và duy trì suốt cả năm, đặc biệt là thời điểm rụng lá qua đông chậm hơn so với không phòng trị từ 20 – 30 ngày, điều này rất có ý nghĩa trong thu hoạch mủ ở thời điểm cuối năm và quý I hàng năm. Bộ lá tốt đồng nghĩa với tuổi sinh lý của lá được kéo dài, hoạt động biến dưỡng tốt giúp duy trì chất lượng vườn cây nhất là trong điều kiện tiết giảm phân bón trên vườn cây.
Kết luận
Ứng dụng đúng “Quy trình kỹ thuật phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su kinh doanh” mang lại hiệu quả kinh tế – kỹ thuật cao. Mức đáp ứng về hiệu quả kinh tế tùy thuộc vào năng lực đáp ứng của đối tượng vườn cây.
Phòng trị bệnh phấn trắng tốt không những giảm thiểu thiệt hại về năng suất do bệnh gây ra mà còn góp phần duy trì chất lượng vườn cây.
NGUYỄN ĐÔN HIỆU VÀ CỘNG SỰ
(Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)
Related posts:
- Phát minh một vật liệu giống cao su
- Đặc tính cao su latex không có ammonia và hàm lượng protein cực thấp (Kỳ 2)
- Yêu cầu thực tế quản lý rừng cao su bền vững
- Cao su Krông Buk-Ratanakiri mở học cạo đầu tiên cho 24 công nhân Campuchia
- Ngành cao su: Nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ
- Xử lý nước thải không dùng hóa chất
- Mưa lớn kéo dài, vườn cây rụng lá
- Tạm ngưng khai thác trên toàn bộ diện tích vườn cao su kinh doanh đến hết ngày 15/4
- Chú trọng vai trò dinh dưỡng cho cao su tái canh
- Vườn cây ảnh hưởng nắng hạn, khó hoàn thành kế hoạch