CSVN – Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong tháng 11/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 210.000 tấn, trị giá 354 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với tháng 10/2021. Kết quả tích cực này phản ánh hoạt động sản xuất hồi phục mạnh mẽ kể từ khi nhiều địa phương phía Nam thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19, từ đó thúc đẩy xuất khẩu cao su tăng cao trở lại.
Tuy nhiên, so với tháng 11/2020 giảm 3% về lượng, nhưng tăng 6,9% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.687 USD/tấn, tăng 1,7% so với tháng 10/2021 và tăng 10,2% so với tháng 11/2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 1,7 triệu tấn cao su, trị giá 2,84 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 40,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 1,7 triệu tấn cao su, trị giá 2,84 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 40,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,69 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020. Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều đạt được tăng trưởng khá so với so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, một số chủng loại như: SVR 20, SVR CV60, SVR 3L, SVR CV50, SVR 10, cao su tổng hợp, RSS1… đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 10 tháng năm 2021, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 62% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 925,14 nghìn tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 37,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,4% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 919,78 nghìn tấn, trị giá 1,51 tỷ USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 37,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Về giá xuất khẩu: Trong 10 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ cao su tổng hợp có giá xuất khẩu bình quân giảm. Trong đó, đáng chú ý một số chủng loại cao su có giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Cao su dạng Crếp tăng 104,2%; Skim block tăng 48,6%; RSS1 tăng 41,5%; SVR CV40 tăng 38,9%; RSS3 tăng 34,9%; SVR CV60 tăng 33,2%…
Tình hình dịch Covid -19 tại các tỉnh trồng nhiều cao su như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất thu hoạch mủ cao su. Trong tháng 11/2021, mủ cao su tiểu điền được các thương lái thu mua dao động quanh mức 290- 335 đồng/độ TSC. Tại Bình Phước, giá thu mua mủ nước dao động ở mức 293-333 đồng/độ TSC, giảm 10 đồng/độ TSC so với cuối tháng 10/2021. Tại Đắk Lắk, giá mủ chén đầu ghi nhận mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động khoảng 334-336 đồng/ độ TSC. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động ở mức 330 đồng/độ TSC.
P.V
Related posts:
- Xu hướng giá sẽ được cải thiện trong thời gian tới
- "Xây dựng thương hiệu cao su thiên nhiên của Tập đoàn thành thương hiệu mạnh"
- 2 giải pháp hỗ trợ ngành gỗ
- VAFI bất ngờ kiến nghị nhà nước hạ lãi suất tiền gửi về 0%
- Chứng khoán lại lao dốc mạnh
- Dự báo xuất khẩu cao su tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022
- Gỗ Thuận An: Các chỉ tiêu đều đạt cao hơn năm 2016
- Khai mạc Triển lãm ngành Công nghiệp Nhựa và Cao su 2017
- Kỳ vọng mới của ngành cao su Thái Lan
- Ngành công nghiệp săm lốp Ấn Độ và dự án trồng 200.000 ha cao su phía Đông Bắc