CSVN – Ngày 3/2, một dấu mốc lịch sử của đất nước và đó cũng là ngày Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông ghi dấu son vào trang sử vẻ vang của ngành cao su. Gần nửa thế kỷ trôi qua, trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian, vượt qua muôn vàn gian khó của rừng thiêng nước độc, sốt rét, tàn tích của chiến tranh…lớp lớp thế hệ người lao động (NLĐ) công ty đã biến một vùng đất hoang hóa, khô cằn, lao động chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thành một vùng dân cư đông đúc, trù phú.
Từ chủ trương đúng đắn…
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 2 khóa IV, tỉnh Hà Nam Ninh và tỉnh Gia Lai – Kon Tum đã phối hợp chương trình xây dựng vùng kinh tế mới (KTM) Hà Nam Ninh tại Gia Lai – Kon Tum. Tháng 9/1976, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Nam Ninh đã cử một đoàn cán bộ của Nông trường Đồng Giao gồm 29 đồng chí vào khảo sát địa điểm tại huyện Chư Prông.
Ngày 22/11/1976, UBND tỉnh Gia Lai – Kon Tum ra Quyết định số 286/QĐUB về việc thành lập Nông trường Quốc doanh Chư Prông từ khu KTM Hà Nam Ninh tại huyện Chư Prông.
Cuối năm 1976, trên toàn tỉnh Hà Nam Ninh diễn ra cuộc vận động thanh niên đi xây dựng vùng KTM tại tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Hưởng ứng cuộc vận động này, đầu tháng 1/1977 đã có 3.455 thanh niên của 5 huyện Ý Yên, Bình Lục, Lý Nhân, Vụ Bản và Yên Khánh lần lượt lên đường vào huyện Chư Prông xây dựng vùng KTM.
Ngày 3/2/1977 trước sự chứng kiến của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai – Kon Tum, lãnh đạo Ban KTM B Hà Nam Ninh, Ban KTM tỉnh Gia Lai – Kon Tum, lãnh đạo huyện Chư Prông và đông đảo nhân dân địa phương, NLĐ của Nông trường Cao su Chư Prông long trọng tổ chức lễ công bố ngày thành lập nông trường.
Việc thành lập Nông trường Cao su Chư Prông là cột mốc quan trọng với tầm nhìn chiến lược về kinh tế – xã hội gắn với quốc phòng an ninh trên địa bàn biên giới của tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Nhiệm vụ chính trị của nông trường là phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
…đến xây dựng và phát triển
Sự phát triển của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông hôm nay trải qua nhiều thăng trầm theo thời gian. Nhưng tựu trung lại, có thể chia ra làm 4 giai đoạn phát triển trong suốt 45 năm hình thành của mình, đó là:
Giai đoạn đặt nền móng (1977 – 1986): Đây là giai đoạn khởi đầu đầy gian nan vất vả, công ty thiếu vốn để khai hoang trồng mới, chưa có kinh nghiệm trồng cao su, không có khả năng đầu tư cơ sở hạ tầng như đường sá, điện nước và các công trình phúc lợi công cộng, NLĐ chỉ trông chờ vào đồng lương nên đời sống vô cùng khó khăn, tư tưởng chao đảo, thiếu yên tâm công tác.
Năm 1978 công ty bắt đầu trồng cao su, đến năm 1986 trồng được hơn 2.200 ha, vừa làm vừa học nhưng do thiếu kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm, chưa ứng dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên thời gian chăm sóc kéo dài, có một số diện tích trồng thực sinh nên cho năng suất thấp.
Có thể nói, thời kỳ 1977 – 1986 là một giai đoạn quyết định sự tồn tại của công ty, có những lúc tưởng chừng như đứng bên bờ vực phá sản nhưng với sự quyết tâm không lùi bước, công ty đã vượt qua thử thách để tồn tại và phát triển. Thành công to lớn của thời kỳ này là tạo lập và duy trì được một đơn vị kinh tế trên địa bàn chiến lược, việc xác định đúng đắn nhiệm vụ và mục tiêu SXKD, trong đó chủ đạo vẫn là cây cao su.
Giai đoạn hội nhập (1987 – 2002): Đây là giai đoạn đất nước thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) “Khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước”. Nền kinh tế Việt Nam bắt đầu có sự thay đổi và đây là giai đoạn công ty có sự khởi sắc, bắt đầu có sản phẩm đầu tiên, có doanh thu và tích lũy để chuẩn bị cho bước tăng tốc phát triển.
Năm 1988 công ty được chuyển giao về cho Tổng cục Cao su quản lý, đây là thời kỳ công ty tự khôi phục, tự đổi mới để hội nhập và phù hợp với tiến trình phát triển của ngành.
Được tiếp cận với kinh nghiệm trồng cao su và phương pháp quản lý lĩnh vực kinh doanh cao su đã có từ hàng chục năm của Tổng cục, công ty đã thực hiện hàng loạt biện pháp như: Sắp xếp lại tổ chức, áp dụng mô hình quản lý tiên tiến với 3 cấp Công ty – Nông trường, Xí nghiệp, Đội sản xuất.
Công ty thực hiện quy trình kỹ thuật chăm sóc cây cao su do Tổng cục Cao su ban hành để thâm canh tăng năng suất, thanh lý những diện tích yếu kém, thay thế bằng bộ giống mới kháng bệnh cho năng suất cao, cải tạo, nâng cấp và làm mới cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su, nhà máy sản xuất phân vi sinh, xây dựng Trung tâm Y tế để chăm sóc sức khỏe NLĐ và nhân dân trong khu vực.
Giai đoạn phát triển (2002 – 2012): Đây là giai đoạn hưng thịnh nhất của ngành cao su. Năm 2006 Tổng Công ty Cao su Việt Nam chuyển thành Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Đây cũng là giai đoạn giá mủ cao su lên đỉnh điểm vào năm 2011. Tập đoàn thực hiện mục tiêu trồng 700.000 ha cao su, đầu tư phát triển cao su ra Tây Bắc và sang Lào và Campuchia.
Thời kỳ này các chỉ tiêu về vốn tài chính, cũng như quy mô sản xuất tăng trưởng nhanh, đều đặn qua từng năm, tiếp tục khẳng định vị thế của một doanh nghiệp phát triển cao su trên địa bàn Tây Nguyên. Năm 2003 công ty thành lập Xí nghiệp chế biến gỗ có công suất sơ chế 6.000 m3/năm. Năm 2009 thành lập Nông trường An Biên trên địa bàn xã Ia Mơr với diện tích hơn 2.000 ha, cũng thời gian này công ty lắp đặt dây chuyền chế biến mủ latex HA công suất 3.000 tấn/năm. Đến năm 2011 công ty tiếp tục thành lập Nông trường An Phú trên địa bàn xã Ia Mơr với diện tích 1.500 ha. Năm 2010 công ty tiến hành đầu tư dự án cao su tại Vương quốc Campuchia với việc thành lập Công ty CP Cao su Chư Prông – Stung Treng, diện tích gần 5.000 ha. Công ty đã đẩy mạnh việc đầu tư, sản xuất theo chiều sâu và phát triển thị trường tiêu thụ, kết hợp với các chương trình kinh tế tổng hợp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nhanh chóng góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thực hiện thành công chương trình xóa đói, giảm nghèo tại các vùng dự án trồng cao su.
Giai đoạn khẳng định vị thế (2012 – đến nay): Đây có thể nói là giai đoạn trưởng thành khi hoạt động SXKD của công ty ổn định và phát triển, giai đoạn của sự đổi mới và sáng tạo. Diện tích cao su được định hình cả trong nước và ở nước ngoài, một số diện tích đã hoàn thành chu kỳ kinh doanh thứ nhất và chuyển sang trồng tái canh cho chu kỳ thứ hai. Thời kỳ này ngành cao su sau khi lên đỉnh vào 2011 thì từ năm 2013 bắt đầu bước vào giai đoạn thoái trào do cuộc khủng hoảng thừa (cung đã lớn hơn cầu), tình hình SXKD của công ty gặp rất nhiều khó khăn do giá bán mủ cao su ở mức thấp và không ổn định, suất đầu tư giảm, việc hình thành nhiều thành phần kinh tế, nhiều loại hình SXKD trên địa bàn đã tạo nên tình trạng tranh chấp lao động gây khó khăn cho công ty trong việc tuyển dụng và bố trí lao động, nhất là khu vực khai thác mủ cao su.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ, sự đồng lòng quyết tâm của toàn thể CBCN – NLĐ; công ty đã đổi mới mạnh mẽ mô hình bộ máy tổ chức quản lý, sắp xếp lại lao động theo hướng tinh gọn, hiệu quả và đã thu được những thành tựu hết sức quan trọng.
Khu vực công nghiệp chế biến không ngừng được đầu tư xây dựng và bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác chế biến đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các dòng sản phẩm mủ chính của công ty cung ứng ra thị trường gồm: SVR3L, SVR5, SVR10 và 20. Cùng với đó, qua nghiên cứu từ thị trường, công ty đã mạnh dạn phát triển thêm dòng sản phẩm CV50, CV60. Đặc biệt công ty đã áp dụng dây chuyền sản xuất mủ hiện đại tạo nên sản phẩm mủ Latex công suất 3.000 tấn/năm đầu tiên trên địa bàn Tây Nguyên, chiếm tỷ trọng 30% tổng sản phẩm của đơn vị.
Sản phẩm của công ty đều đạt tiêu chuẩn chất lượng VRG, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng khó tính tại thị trường Hoa kỳ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Braxin, Trung Quốc và một số quốc gia khác, trong đó đã ký hợp đồng dài hạn với Tập đoàn EdgePoint Group INC của Hoa Kỳ.
Tiền lương bình quân trong 10 năm của NLĐ là 6,2 triệu đồng/người/tháng, riêng năm 2021 đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài đảm bảo tiền lương, thưởng, công ty còn thực hiệc tốt các chế độ cho NLĐ. Để cải thiện thêm đời sống, công ty vận động NLĐ phát triển kinh tế gia đình để cải thiện đời sống như: trồng cao su, cà phê, các loại cây lương thực, chăn nuôi gia súc gia cầm, nhiều hộ gia đình thu nhập từ 120 – 170 triệu đồng/năm. Bình quân thu nhập từ kinh tế gia đình trong 10 năm đạt 550 triệu đồng/hộ, số gia đình khá và giàu tăng, tỷ lệ gia đình công nhân nghèo không còn. Công ty rất chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, cùng với địa phương tích cực xây dựng nông thôn mới, cao su phát triển đến đâu thì hạ tầng cơ sở đường điện, trường trạm phát triển đến đó; mức chi cho an sinh xã hội gần 5 tỷ đồng mỗi năm.
Định hướng đến năm 2030: Phấn đấu là đơn vị tiềm lực kinh tế mạnh
Phấn đấu đến năm 2030 công ty là đơn vị có tiềm lực kinh tế mạnh với một tổ chức chặt chẽ và hiệu quả, hội nhập với nền kinh tế thị trường trong nước và quốc tế. Tiếp tục phát triển theo chiều sâu và bền vững trong điều kiện mới. Tận dụng tối đa các nguồn lực về đất đai, nguồn lực về lao động trong phát triển kinh tế. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có bản lĩnh, trách nhiệm, giỏi về chuyên môn, vững về lập trường tư tưởng. Xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể thực sự trong sạch, vững mạnh. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, khoa học kỹ thuật vào SXKD, chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ.
Phát huy những điểm mạnh “Năng lực cốt lõi” của công ty, hiệu quả từ cây cao su mang lại đã được thể hiện rõ trong suốt 45 năm qua, công ty luôn xác định cây cao su vẫn là cây chủ lực trong thời gian tới. Vấn đề quan trọng là công ty cần tập trung xây dựng vườn cây, thâm canh, luân canh để cải tạo đất, chú trọng sử dụng bộ giống mới có năng suất cao, chống chịu được bệnh hại. Đổi mới nâng cao phương thức quản lý, nhằm nâng cao năng suất chất lượng vườn cây, nâng cao chất lượng năng suất lao động, phấn đấu đưa năng suất bình quân đạt 1,8 tấn/ha vào năm 2027. Về đầu tư, tiếp tục chú trọng đầu tư thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ, thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên việc sản xuất các sản phẩm truyền thống đã khẳng định được thị phần như mủ Latex HA, CV50, CV60, SVR3L, SVR10. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm mà công ty đang có tiềm năng và lợi thế.
Tiếp tục thực hiện mô hình trồng xen trong lô cao su để nâng cao giá trị sử dụng đất, tạo việc làm thu nhập cho NLĐ, giảm suất đầu tư cho công ty. Đồng thời nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà cụ thể là rà soát một số diện tích đất xấu, có cao trình > 600 mét, không thích hợp cho việc trồng cây cao su sang mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo chủ trương của tỉnh và Tập đoàn (dự kiến từ năm 2022 – 2027 sẽ chuyển khoảng 500 ha sang trồng chuối xuất khẩu Nam Mỹ).
Tiếp bước truyền thống đơn vị Anh hùng Lao động, tập thể CBCN Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông lại tiếp tục một hành trình mới với niềm tin tưởng rằng, dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và hiệu quả của lãnh đạo VRG, của lãnh đạo tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông và sự phối hợp, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, sự giúp đỡ, hợp tác của các ban ngành, đối tác, bạn hàng trong và ngoài nước, sự quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo, đoàn kết đổi mới của tập thể CBCN, nhất định các mục tiêu, định hướng của công ty sẽ trở thành hiện thực, lập thành tích cao nhất hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập công ty (3/2/1977 – 3/2/2027).
VÕ TOÀN THẮNG
(Bí thư Đảng ủy – TGĐ công ty)
Related posts:
- Cao su Tân Biên khen thưởng công nhân về trước kế hoạch sản lượng hơn 4 tháng
- Cao su thiên nhiên góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu
- Cao su Phước Hòa: Top 50 công ty niêm yết kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam giai đoạn 2011 - 2022
- Cao su Việt Lào sôi nổi hội thao kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam
- Quỹ khuyến học 28/10 - nhân văn và lan tỏa
- Cao su Việt Lào phấn đấu về trước kế hoạch từ 5 đến 10 ngày
- Cao su Kon Tum: Bàn giao 2 nhà Đại đoàn kết
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tổ chức lễ khai giảng năm học 2023 – 2024 và tri ân ngày Nhà giáo...
- Giá mủ thấp, tiểu điền vẫn gắn bó với vườn cây
- Sản lượng tiêu thụ 8 tháng của Cao su Dầu Tiếng hơn 19.000 tấn