Đi cạo trong mùa mưa này thật là vất vả, từ lúc cạo cho đến trút mủ, rồi vận chuyển mủ đến chỗ tập kết để đổ lên tăng cho xe mang về nhà máy.
Để có được sản phẩm, công nhân phải ra lô từ rất sớm, khoảng 2-3 giờ sáng. Vất vả là vậy, nhưng khổ nhất là khi vận chuyển mủ trên đường lô trơn trượt, rất dễ bị ngã xe. Nếu không may bị ngã, thì hôm đó coi như công lao đổ sông đổ biển, còn nông trường thì bị thất thoát sản lượng.
Đã vậy, khi cạo đến lô nào mà gần lô đang thanh lý thì cung đường vận chuyển mủ gọi là một cực hình. Vì con đường ấy đều bị đội xe của chủ thầu vận chuyển gỗ cây cao su cày nát thành những rãnh rất lớn và sâu.
Anh Long – Tổ trưởng Tổ 2 của Đội B Nông trường Dầu Giây (TCT Cao su Đồng Nai) nói: “Trước đây công nhân vận chuyển mủ từ phần cây ra đến điểm tập kết mất 5 phút, còn bây giờ đi đường vòng vèo, tăng bo hai ba lần, phải mất hết từ 10-15 phút mới đến điểm tập kết”.
Thật vậy, tổ của anh Long cạo gần lô đang thanh lý, như Lô 165 đang thanh lý của Đội C Nông trường Dầu Giây thì khoảng đường từ đầu Lô 163 kéo dài cho đến hết Lô 129 đều bị băm nát. Rồi thanh lý lô 95 thì con đường từ đầu Lô 93 kéo dài giáp Quốc lộ 1 thật là khủng khiếp! Công nhân không thể nào đi được nên phải đi những đường rẽ trong lô rất khó đi và vất vả vô cùng.
Vẫn biết hằng năm Tổng công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để trùng tu, bảo dưỡng những con đường lô. Nhưng, từ giờ công nhân cạo mủ phải vật lộn với các con đường đau khổ đến tận… 5 tháng nữa.
Bài, ảnh: Trần Văn Ngọc (Đồng Nai)